Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Ðồng nên ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý lượng khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng tăng cao so với các năm trước.
Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Ðồng nên ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý lượng khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng tăng cao so với các năm trước.
|
Du khách tham quan không gian hoa tại Festival Hoa 2017. Ảnh: V.Báu |
Khách quốc tế tăng trên 35%
Nhìn nhận lại năm 2017, lĩnh vực du lịch đã có bước chuyển mình đáng kể, hệ thống lưu trú, điểm đến tham quan không ngừng được mở rộng và cải thiện về mặt chất lượng, dẫn tới thu hút lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng vượt so với kế hoạch đặt ra. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất khi trong tổng số hơn 5,9 triệu lượt khách tới tham quan du lịch, tăng 8,8% thì có tới hai phần ba khách lựa chọn dịch vụ lưu trú, đồng nghĩa với việc gia tăng tiêu dùng các dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, trong năm 2017 khách qua lưu trú đạt 4 triệu lượt, tăng 11,1% so với năm 2016, ước đạt 103% kế hoạch năm. Và với số ngày lưu trú bình quân là 2,1 ngày của khách, chỉ tính tiền ăn, ở không thôi thì khách du lịch đã trả một lượng tiền tương đối khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Mặt khác, nổi bật nhất trong lĩnh vực du lịch năm nay đó là lượng khách quốc tế đến du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đột biến so với các năm trước khi có tới 400.000 lượt khách quốc tế đến du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, tăng 35,6% so với năm 2016 và ước đạt 103% kế hoạch năm. Dịch vụ lưu trú được mở rộng cùng với các dịch vụ khác nên đã góp phần vào doanh thu du lịch tiếp tục có mức tăng trưởng khá, ước đạt 10.620 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2016.
Cơ sở lưu trú tăng 18%
Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, cũng cần phải nói rằng đó là thành quả của ngành du lịch và các địa phương trong tỉnh. Qua đó, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, ngành chỉ đạo và đôn đốc các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cấp và bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ, quan tâm đến vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các chương trình khuyến mãi, thực hiện niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết, việc đón tiếp và phục vụ chu đáo khi khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Cụ thể, đã hướng dẫn và thẩm định sơ bộ cho 16 khách sạn từ 3 đến 5 sao; tiến hành thẩm định và phân hạng cho 247 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã công nhận cho 11 khách sạn 2 sao, 30 khách sạn 1 sao, 9 biệt thự du lịch, 46 nhà nghỉ du lịch, 112 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, 1 bãi cắm trại du lịch. Riêng 38 cơ sở lưu trú chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo hạng đề nghị được gia hạn thời gian để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch còn thường xuyên rà soát, nhắc nhở các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa qua thẩm định hoặc đã hết hạn theo quyết định công nhận nộp hồ sơ đăng ký thẩm định mới, thẩm định lại theo quy định của pháp luật. Tiến hành rà soát và đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa qua thẩm định hoặc đã hết hạn theo quyết định công nhận nộp hồ sơ đăng ký thẩm định mới, thẩm định lại theo quy định của pháp luật.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.244 cơ sở lưu trú du lịch, tăng 18% với tổng số 18.689 phòng, tăng 11,6% so với năm 2016. Trong đó, có 366 khách sạn từ 1-5 sao với 9.566 phòng bao gồm 26 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.589 phòng.
Số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách trong các khách sạn ngày càng được nâng cao về số lượng lẫn chất lượng như: nhà hàng, vũ trường, Spa, karaoke, hồ bơi, chăm sóc sức khỏe, hội nghị - hội thảo, lữ hành… Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, ngành du lịch đã tổ chức khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức cho quản lý lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh và cấp giấy chứng nhận cho khoảng 220 học viên tham gia khóa học. Ngoài ra, còn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cho 60 đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Công thương tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho khoảng 80 đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; một số đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ về quản lý, buồng, bàn, bar, lễ tân, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch… Theo đánh giá của Phòng Quản lý Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nhìn chung, các đơn vị kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua thực hiện khá tốt các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch; đã tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; tham gia hưởng ứng các hoạt động do ngành và địa phương phát động; quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...
Bên cạnh đó, lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch cũng được nâng cao chất lượng, mở rộng số lượng phục vụ. Đến nay toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, tăng 31% so với năm 2016. Trong đó có 21 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, tăng 18% so với cùng kỳ và 38 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và vận chuyển du lịch. Cũng trong năm 2017, Phòng Quản lý Du lịch đã hướng dẫn, thẩm định hồ sơ và trình Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho 4 công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, xác nhận thông báo kinh doanh lữ hành nội địa cho 9 công ty. Đồng thời, thẩm định hồ sơ và cấp, đổi thẻ cho 100 hướng dẫn viên, trong đó có 62 hướng dẫn viên quốc tế, 38 thẻ hướng dẫn viên nội địa. Và tính đến nay, đã cấp được 282 thẻ hướng dẫn viên, trong đó có 166 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 116 thẻ hướng dẫn viên nội địa. Các hướng dẫn viên quốc tế sử dụng ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh (chiếm 64,9%), còn lại là các ngoại ngữ: Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách
Nhìn chung, qua đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng trong năm 2017 tăng, đặc biệt, lượng khách quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, một số thị trường trọng điểm tăng nhanh như: Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Canada, Úc... Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên do Ngành Du lịch Việt Nam đã tích cực tham dự, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam; chương trình phát động thị trường; Hội thảo giới thiệu du lịch; Hội chợ triển lãm du lịch tại nước ngoài như tại Thái Lan, Trung Quốc, Úc… Riêng Đà Lạt - Lâm Đồng được nhiều tổ chức, tạp chí về du lịch uy tín trong và ngoài nước bình chọn là điểm đến mới nổi, điểm đến hấp dẫn, kỳ quan ngoạn mục, ẩm thực tiêu biểu… đã giúp quảng bá về hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần thu hút khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng đặc biệt là khách quốc tế. Dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2017 và các điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, ngành Du lịch xây dựng kế hoạch du lịch năm 2018 với mục tiêu phấn đấu: Tổng lượt khách tăng 10,2% so với năm 2017, tương đương khoảng 6,5 triệu lượt; trong đó khách quốc tế 480 ngàn lượt, tăng 10%.
XUÂN TRUNG