Ðà Lạt - điểm hẹn lý tưởng của du lịch và cà phê

08:12, 01/12/2017

Lễ hội "Ngày Cà phê Việt Nam" lần thứ nhất - First Coffee Day Festival 2017, được tổ chức trong 3 ngày 9, 10, 11/12/2017, tại Ðà Lạt, sẽ là sự kiện văn hóa du lịch không chỉ của riêng Lâm Ðồng mà còn là sự kiện của toàn vùng Tây Nguyên - thủ phủ cà phê Việt Nam.

Lễ hội “Ngày Cà phê Việt Nam” lần thứ nhất - First Coffee Day Festival 2017, được tổ chức trong 3 ngày 9, 10, 11/12/2017, tại Ðà Lạt, sẽ là sự kiện văn hóa du lịch không chỉ của riêng Lâm Ðồng mà còn là sự kiện của toàn vùng Tây Nguyên - thủ phủ cà phê Việt Nam. “Ngày Cà phê Việt Nam” là cơ hội để người trồng, kinh doanh cà phê cả nước và Lâm Ðồng xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển du lịch…
 
Không gian xanh ngát cà phê ở Mê Linh Coffee Garden. Ảnh: L.H
Không gian xanh ngát cà phê ở Mê Linh Coffee Garden. Ảnh: L.H

Lễ hội “Ngày Cà phê Việt Nam” lần thứ nhất
 
Ngày 10/12 được chọn là “Ngày Cà phê Việt Nam”. Cà phê là ngành hàng nông sản đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên. Theo số liệu thống kê, năm 2014, diện tích trồng cà phê của cả nước là 641 ngàn ha, sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn nhân, kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 3-3,5 tỷ USD. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 1,79 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD. Ngành cà phê đã đóng góp 2% GDP của cả nước và chiếm 30% GDP của Tây Nguyên.
 
Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khiến giá trị cà phê đạt thấp, do sản lượng xuất khẩu chủ yếu là cà phê thô (cà phê nhân), chiếm tới 93%; tỷ lệ cà phê chế biến chỉ ở mức 10%, tiêu dùng trong nước chỉ ở mức 7%. “Ngày Cà phê Việt Nam” được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển các thương hiệu cà phê, tăng cơ hội quảng bá và kích cầu cà phê Việt Nam đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, hướng dẫn người tiêu dùng tìm hiểu và lựa chọn cà phê an toàn và bảo vệ sức khỏe...; đồng thời, góp phần xây dựng một ngành cà phê phát triển chất lượng cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị để tăng tỷ lệ cà phê chế biến, kích thích tiêu dùng... 
 
“Ngày Cà phê Việt Nam” là dịp để tôn vinh giá trị thương phẩm, thương hiệu của cà phê Việt Nam và cơ hội giao lưu, gặp gỡ, ký kết tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới. Trong chương trình của “Ngày hội cà phê Việt Nam” sẽ có hội thảo quốc tế với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”. Các chuyên gia, doanh nghiệp và người trồng, chế biến cà phê sẽ trao đổi, thảo luận về các biện pháp để Việt Nam giữ vững vị trí là nước sản xuất cà phê nhân lớn thứ 2 trên thế giới và nâng giá trị xuất khẩu cà phê nhân và cà phê chế biến gấp 2-3 lần hiện nay. Trong chu kì mới của cây cà phê, theo phương châm năng suất - chất lượng - giá trị, đến năm 2020, sản lượng cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp đạt 70%, tổng sản lượng cà phê nhân được tiêu dùng là 25%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3,8 - 4,2 tỷ USD.
 
Thêm hương vị cho du lịch Ðà Lạt - Lâm Ðồng
 
“Ngày Cà phê Việt Nam” lần thứ nhất năm 2017 được tổ chức tại Đà Lạt - Lâm Đồng, là cơ hội vinh danh và quảng bá vùng đất truyền thống lịch sử về cà phê Việt Nam, nơi đang lưu giữ giống cà phê có phẩm cấp cực đỉnh thế giới được du nhập từ thế kỷ 19 là cà phê Arabica dòng Bourbon. Cà phê Arabica Đà Lạt cũng là một trong 4 sản phẩm của thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” sẽ được công bố trong dịp Festival Hoa 2017 được tổ chức vào cuối tháng 12/2017.
 
Lâm Đồng có diện tích canh tác cà phê lên tới 155.239 ha, với sản lượng khoảng 430.000 tấn, năng suất trung bình gần 3 tấn/ha. Những thương hiệu cà phê được chứng nhận ở Lâm Đồng, như: Cà phê Di Linh, Cà phê Arabica Lang Biang, Cà phê Cầu Đất Đà Lạt; đồng thời, rất nhiều nhãn hàng cà phê ngon, sạch khác của Lâm Đồng sẽ góp mặt trong “Ngày Cà phê Việt Nam”. 
 
Với “Không gian cà phê”, lãng mạn bên bờ hồ Xuân Hương, qua hương vị cà phê của các nhãn hàng cà phê chất lượng hàng đầu Việt Nam, là những câu chuyện về văn hóa thưởng thức cà phê của các vùng miền. Du khách, người tiêu dùng sẽ định vị những nhãn hàng cà phê sạch, ngon qua quy trình sản xuất, chế biến, chỉ dẫn địa lý; được hướng dẫn cách pha chế và phân biệt cà phê theo hương vị, màu nước, “độ cháy” của cà phê phù hợp với nhu cầu và an toàn cho sức khỏe của mình… 
 
Không chỉ thưởng thức cà phê tại trung tâm của Lễ hội “Ngày Cà phê Việt Nam”, du khách còn có cơ hội đến các nông trang, các cơ sở trồng - chế biến cà phê để tận mắt khám phá quá trình thu hái, phơi sấy, rang xay cà phê; hay đến những không gian cà phê độc đáo của Đà Lạt để vừa nhâm nhi ly cà phê nóng hổi - thơm ngào ngạt, vừa chiêm ngắm khung cảnh phố núi mộng mơ và lắng nghe những câu chuyện quanh ly cà phê với những con người có niềm đam mê kỳ lạ với cà phê hay vùng đất của cây cà phê này…
 
LÊ HOA