Quán Cô Bông nhỏ xíu xiu, nép một góc khiêm tốn bên con đường Hoàng Diệu cũ. Ấy vậy mà hình như lúc nào tới đó cũng thấy có khách. Khách vô đó để gặp lại mấy viên bi ve, gói kẹo dẻo, xí muội,... hay cái tivi trắng đen đã cũ,... biết bao nhiêu thứ của ấu thơ đầy ắp trong tiệm cà phê bé xinh này.
Quán Cô Bông nhỏ xíu xiu, nép một góc khiêm tốn bên con đường Hoàng Diệu cũ. Ấy vậy mà hình như lúc nào tới đó cũng thấy có khách. Khách vô đó để gặp lại mấy viên bi ve, gói kẹo dẻo, xí muội,... hay cái tivi trắng đen đã cũ,... biết bao nhiêu thứ của ấu thơ đầy ắp trong tiệm cà phê bé xinh này.
|
Đồ ăn vặt của tuổi thơ lại được bỏ trong cái gác măng giê - cũng là món đồ của “hồi đó”, nên càng thấy thân thuộc và thú vị. Ảnh: V.Q |
Quán không quá đẹp, bình dị thôi… Nhưng điều đặc biệt nhất của Cô Bông là đưa mỗi người đến đó về lại tuổi thơ, cho chúng ta gặp lại những điều tưởng chừng đã bị quên lãng từ lâu.
Không đông đúc, không ồn ào, mấy bạn trẻ tới đây hình như chỉ để thầm thì cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời đã xa.
Quán là căn nhà gỗ nhỏ xinh, mà chỉ cần đứng ngoài nhìn vào, thấy chiếc xe Honda cũ kỹ kiểu “hồi xưa ba từng đi” dựng ở hiên trước, thấy chiếc xe đạp mini gắn với tuổi học trò của bao người dựng kế bên, cảm giác như mình đang về nhà mình của mười mấy năm về trước. Cả cái bảng hiệu vẽ thủ công tên quán cũng đủ khiến nhiều người tự nhiên thấy thân thuộc lắm rồi.
Mỗi góc nhỏ của quán là một mảnh ký ức, được trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ nhất, như cây bút mực tím với lọ mực để sẵn trên bàn, cái bàn máy may của mẹ, mấy tấm hình ca sỹ, diễn viên thời xa lắc xa lơ dán đầy trên tường, và cả mấy cuốn truyện tranh cũ thiệt cũ trên giá sách hay bộ đồ chơi điện tử... Ngay cả mấy bản nhạc từ thời ông bà cha mẹ, nay được phát ra rè rè từ cái máy cát sét cũ, nghe cũng thấy thân thương hết sức.
Quán Cô Bông còn hay ho ở chỗ, chẳng hiểu anh chị chủ quán kiếm đâu ra mà có nguyên một thế giới đồ ăn vặt của “hồi xửa hồi xưa” được bỏ trong cái gác măng rê - cũng là món đồ của “hồi đó”, nên càng thấy thân thuộc và thú vị. Mấy bạn trẻ cứ vậy mà háo hức tìm đến đây để cùng tìm lại những hương vị tuổi thơ, của kẹo dẻo, của xí muội hay của mấy viên C...
Không gian quán nhỏ nên rất ấm cúng. Và cũng vì nhỏ nên quán có những nội qui để giữ sự ấm cúng và yên tĩnh đó, một cách nhẹ nhàng và dễ thương khiến khách chẳng thể phiền lòng. Nên lúc nào đến đây cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh mấy bạn dù trẻ nhưng ngồi nói chuyện thầm thì, cười khe khẽ với nhau. Không có ồn ào nói cười huyên náo như cảnh thường thấy ở những quán cà phê hiện đại khác.
Có hôm còn bắt gặp mấy ông bố bà mẹ dẫn mấy đứa con nhỏ tới đây, chỉ cho lũ trẻ thấy từng vật dụng nhỏ rồi kể hồi xưa ba mẹ như thế này này,... Mấy lúc đó, thấy ánh mắt của 2 thế hệ đều lấp lánh và rạng ngời vì những điều không nói hết.
Khách tới đây phải đợi đồ uống hơi lâu. Bởi cũng là những món thông thường như các quán khác hay có, nhưng quán chỉ có 2 anh chị vừa pha chế vừa phục vụ, lại tỉ mẩn trong chế biến từng món trong mỗi ly nước sấu, nước mơ hay cà phê. Nhưng chẳng mấy khi có khách phàn nàn. Thêm nữa là mặc dù quán có Internet, nhưng đặt mật khẩu là “khongcowifi” (không có wifi) và viết sẵn lên tấm gỗ đặt lên bàn, như một sự thầm nhắc nhở mấy bạn khách tới đây rằng thay vì cắm cúi vào điện thoại, hãy cùng nhau nói chuyện, cùng nhau cười đùa, cùng nhau về lại tuổi thơ.
Cô bạn từ Sài Gòn lên, vào quán rồi cứ xuýt xoa: “A! Mấy cái này hồi xưa nhà mình cũng có!”. Vậy mà cứ ngẩn ngơ: “Sao Đà Lạt cái chi cũng dễ thương dữ vậy nè!”.
VIỆT QUỲNH