Hoa trên núi đá

09:01, 04/01/2018

Lên với Hà Giang - nơi núi đá biên cương ấy, con người chinh phục đá để tạo dựng cuộc sống. Trong điệp trùng đá xám, những chiếc váy hoa vẫn cần mẫn gieo trồng Tam giác mạch chen với đá mạnh mẽ vươn lên nở hoa rực rỡ như sức sống tiềm tàng của con người trên miền cao nguyên đá.

Lên với Hà Giang - nơi núi đá biên cương ấy, con người chinh phục đá để tạo dựng cuộc sống. Trong điệp trùng đá xám, những chiếc váy hoa vẫn cần mẫn gieo trồng Tam giác mạch chen với đá mạnh mẽ vươn lên nở hoa rực rỡ như sức sống tiềm tàng của con người trên miền cao nguyên đá.
 
Những em bé với váy hoa rực rỡ giữa nương Tam giác mạch mới vừa ngậm nụ
Những em bé với váy hoa rực rỡ giữa nương Tam giác mạch mới vừa ngậm nụ

“Em là con gái cao nguyên đá, gùi đất leo mây với đỉnh trời”
 
Suốt cung đường từ TP Hà Giang ngược lên khu vực thuộc địa phận Công viên Địa chất toàn cầu mà người ta vẫn gọi là Cao nguyên đá lần lượt đi qua cổng trời Quản Bạ, qua Yên Minh, lên Ðồng Văn, qua cung đường tình yêu Mã Pí Lèng để dừng chân nơi Mèo Vạc. Suốt cung đường đâu đâu cũng thấy “đá chồng lên đá, đá đan vào đá”. Ở nơi ấy, bà con người Mông có câu nói ‘‘sống trên đá, chết vùi trong đá”. Bởi nơi đây, họ kiên trì vật lộn với từng hốc đá tai mèo để gieo những mầm sống đúng nghĩa.
 
Cái mầm sống ấy chính là ngô. Từ ngàn đời nay cây ngô là cây lương thực chủ yếu. Món mèn mén được chế biến từ hạt ngô dùng để thay cơm trong bữa ăn hàng ngày. Giữa điệp trùng núi đá, những mầm ngô vẫn vươn mình xanh tốt. Trên sườn núi đá cao chon von kia người Mông đi tìm từng hốc đá để tra hạt. Hốc nào không còn đất thì gùi đất từ chân núi lên, mỗi hốc đá chỉ một vài vốc đất miễn là để cho hạt ngô nẩy mầm, bén rễ, rồi sau đó tự nó phải đâm vào mặt đá đang bị phong hóa mà hút những vi chất tồn tại. Trên đường lên Đồng Văn, chúng tôi gặp gia đình chị Ly Mý Pó xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn). Cũng như bao người Mông khác, chị đang gùi đất lên đổ vào từng hốc đá để trồng ngô. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi chợt nhớ đến câu thơ mà ai đó đã viết: “Em là con gái cao nguyên đá, gùi đất leo mây với đỉnh trời”.
 
Chúng tôi lên Hà Giang đợt này, khi mà gia đình anh Vàng Mí Sì thôn Chủng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) đang xếp đá lưng chừng núi để gùi đất đổ vào trồng cải. Vàng Mí Sì bảo “Đá xếp ở vòng ngoài để có chỗ đổ đất vào mà gieo hạt. Khi mưa xuống đất không bị rửa trôi”. 
 
Ngoài trồng ngô, trồng cải bà con còn trồng cỏ. Cỏ trồng ven đường, cỏ trồng chân núi, trên mọi nẻo đường thôn bản. “Rừng đá không có cỏ thì dân phải trồng cỏ để nuôi trâu bò”, Vàng Mí Sì nói thêm. Chiều chiều, trên những con đường mòn về bản, bà con sau khi đi nương rẫy về đều gùi cỏ cho bò. Từng bước đi chậm rãi mà chắc chắn ngỡ như họ có thể gùi được cả trái núi trên lưng vậy. Hai tay luôn xe sợi lanh, suốt cả ngày lên rẫy, đi về nhà những người Mông không lúc nào được nghỉ chân, rỗi tay. 
 
Sắp vào Đông nên bầu trời ở Hà Giang lúc nào cũng xám xịt như muốn nhập hẳn vào sắc xám ngoét của đá. Nhưng những chiếc váy hoa vẫn len lỏi trong rừng đá, cần mẫn mỗi ngày để bữa cơm gia đình đủ no, đủ ấm cúng. Có lẽ vậy mà ở vùng rừng đá biên cương này người ta vẫn nói rằng: “Tiềm năng lớn nhất của Hà Giang là con người”.
 
Bản tình ca từ đá
 
Mùa này, từ thành phố Hà Giang lên tới Đồng Văn đâu đâu cũng nhìn thấy Tam giác mạch. Từ những khoảnh nhỏ bên đường làm cho khách xứ lạ như tôi reo lên vì sung sướng thì càng đi càng nhiều, cả một trời Tam giác mạch chạy dài dưới chân núi đá hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng. Có lẽ không sai khi người ta ví mùa Tam giác mạch là “bản tình ca từ đá”.
 
Tam giác mạch nở khắp các triền núi đá
Tam giác mạch nở khắp các triền núi đá

Tam giác mạch là thứ cây lương thực trọng yếu của đồng bào vùng cao. Sắc hoa tươi tắn, kỳ diệu, có thể biến đổi thành muôn màu khác nhau theo thời gian. Người Hà Giang nói: khi còn ngậm nụ, Tam giác mạch mang màu trắng xanh dịu. Tới độ bung nở, ánh nắng ấm áp phủ khắp núi đồi phủ trên muôn sắc hoa phớt hồng tươi tắn. Và khi sắp tàn, hoa lại chuyển màu tím nhẹ nhàng. Thân cây Tam giác mạch khi còn non được bà con sử dụng như một loại rau xanh. Hạt Tam giác mạch được phơi khô, xay nhỏ làm bánh. Trên đường lên với Lũng Cú sẽ dễ dàng mua bánh Tam Giác Mạch hấp hoặc chiên để nếm thử loại lương thực nảy mầm từ đá ấy. Ông Vừ Súa Vưa, thôn Há Súng, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn còn đãi chúng tôi - những người “bạn của bạn” từ xa tới món cháo và rượu Tam giác mạch. Đó là những món chỉ dành để đãi bạn vào mùa Thu. Bởi lẽ Tam giác mạch chỉ được trồng duy nhất vào tiết thu, vụ mùa sẽ kéo dài 3 tháng.
 
Khách du lịch chụp ảnh cùng người dân bên Tam giác mạch nở rộ
Khách du lịch chụp ảnh cùng người dân bên Tam giác mạch nở rộ

 
Nhiều tỉnh ở Tây Bắc cũng trồng được Tam giác mạch, người Lâm Đồng tận Tây Nguyên xa xôi cũng gieo mầm loài hoa này ở đôi ba mảnh vườn. Nhưng có lẽ không nơi đâu Tam giác mạch kiêu hãnh và thắm màu như vùng cao nguyên đá. Phải chăng vì sự khắc nghiệt, vì những gian nan hút dưỡng chất từ trong đá mà sắc Tam giác mạch nơi này khiến ai cũng si mê. Cái si mê ấy được chứng minh khi những lượt khách du lịch đổ về đây ngày một đông với mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa này trong lễ hội hoa Tam giác mạch nơi địa đầu của Tổ quốc. Hoa Tam giác mạch được biết đến như một loài hoa thương hiệu của Hà Giang khi mà Lễ hội Hoa Tam giác mạch được tổ chức thường niên từ 2015 đến nay đã góp phần làm diện tích loài hoa này tăng cao, lượng khách đổ về ngày một nhiều và người Mông nơi đây dần quen với việc làm du lịch và có thêm thu nhập từ du lịch.
 

Trên đường về
Trên đường về


Những “nương” Tam giác mạch hai bên đường của người dân trở thành địa điểm mà du khách tha hồ ngắm nghía và “thuê” để chụp hình. Những em bé người Mông vẫn với váy hoa rực rỡ mang những gùi, đan những vòng hoa dại hái từ triền núi cho khách du lịch thuê. Người ta mua về xuôi hạt Tam giác mạch để gieo trồng, gạo Tam giác mạch để làm bánh và vài ba hũ rượu Tam giác mạch để đãi bạn bè miền xuôi thứ “đặc sản” vùng biên ải. Không chỉ có khách trong nước, khách ngoại quốc đến với Hà Giang ngày một đông. Những em bé người Mông, Dao, Lô Lô cũng từ đó mà sử dụng tiếng Anh thành thạo. Và nhờ thế mà mỗi ngày người dân nơi đây có thêm được nguồn thu “nho nhỏ”, đời sống dần được cải thiện.

Không chỉ có những chiếc váy hoa len qua rừng mà những triền núi đầy Tam giác mạch khoe màu cũng làm nên sức sống cho cả vùng Cao nguyên đá. Những sắc hoa trên núi đá ấy như đã sưởi ấm cho cả vùng cao nguyên đá xám xịt.

N. NGÀ