Lên với Hà Giang - nơi núi đá biên cương ấy, con người chinh phục đá để tạo dựng cuộc sống. Trong điệp trùng đá xám, những chiếc váy hoa vẫn cần mẫn gieo trồng Tam giác mạch chen với đá mạnh mẽ vươn lên nở hoa rực rỡ như sức sống tiềm tàng của con người trên miền cao nguyên đá.
Những em bé với váy hoa rực rỡ giữa nương Tam giác mạch mới vừa ngậm nụ |
“Em là con gái cao nguyên đá, gùi đất leo mây với đỉnh trời”
Tam giác mạch nở khắp các triền núi đá |
Tam giác mạch là thứ cây lương thực trọng yếu của đồng bào vùng cao. Sắc hoa tươi tắn, kỳ diệu, có thể biến đổi thành muôn màu khác nhau theo thời gian. Người Hà Giang nói: khi còn ngậm nụ, Tam giác mạch mang màu trắng xanh dịu. Tới độ bung nở, ánh nắng ấm áp phủ khắp núi đồi phủ trên muôn sắc hoa phớt hồng tươi tắn. Và khi sắp tàn, hoa lại chuyển màu tím nhẹ nhàng. Thân cây Tam giác mạch khi còn non được bà con sử dụng như một loại rau xanh. Hạt Tam giác mạch được phơi khô, xay nhỏ làm bánh. Trên đường lên với Lũng Cú sẽ dễ dàng mua bánh Tam Giác Mạch hấp hoặc chiên để nếm thử loại lương thực nảy mầm từ đá ấy. Ông Vừ Súa Vưa, thôn Há Súng, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn còn đãi chúng tôi - những người “bạn của bạn” từ xa tới món cháo và rượu Tam giác mạch. Đó là những món chỉ dành để đãi bạn vào mùa Thu. Bởi lẽ Tam giác mạch chỉ được trồng duy nhất vào tiết thu, vụ mùa sẽ kéo dài 3 tháng.
Khách du lịch chụp ảnh cùng người dân bên Tam giác mạch nở rộ |
Nhiều tỉnh ở Tây Bắc cũng trồng được Tam giác mạch, người Lâm Đồng tận Tây Nguyên xa xôi cũng gieo mầm loài hoa này ở đôi ba mảnh vườn. Nhưng có lẽ không nơi đâu Tam giác mạch kiêu hãnh và thắm màu như vùng cao nguyên đá. Phải chăng vì sự khắc nghiệt, vì những gian nan hút dưỡng chất từ trong đá mà sắc Tam giác mạch nơi này khiến ai cũng si mê. Cái si mê ấy được chứng minh khi những lượt khách du lịch đổ về đây ngày một đông với mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa này trong lễ hội hoa Tam giác mạch nơi địa đầu của Tổ quốc. Hoa Tam giác mạch được biết đến như một loài hoa thương hiệu của Hà Giang khi mà Lễ hội Hoa Tam giác mạch được tổ chức thường niên từ 2015 đến nay đã góp phần làm diện tích loài hoa này tăng cao, lượng khách đổ về ngày một nhiều và người Mông nơi đây dần quen với việc làm du lịch và có thêm thu nhập từ du lịch.
Trên đường về |
Những “nương” Tam giác mạch hai bên đường của người dân trở thành địa điểm mà du khách tha hồ ngắm nghía và “thuê” để chụp hình. Những em bé người Mông vẫn với váy hoa rực rỡ mang những gùi, đan những vòng hoa dại hái từ triền núi cho khách du lịch thuê. Người ta mua về xuôi hạt Tam giác mạch để gieo trồng, gạo Tam giác mạch để làm bánh và vài ba hũ rượu Tam giác mạch để đãi bạn bè miền xuôi thứ “đặc sản” vùng biên ải. Không chỉ có khách trong nước, khách ngoại quốc đến với Hà Giang ngày một đông. Những em bé người Mông, Dao, Lô Lô cũng từ đó mà sử dụng tiếng Anh thành thạo. Và nhờ thế mà mỗi ngày người dân nơi đây có thêm được nguồn thu “nho nhỏ”, đời sống dần được cải thiện.
Không chỉ có những chiếc váy hoa len qua rừng mà những triền núi đầy Tam giác mạch khoe màu cũng làm nên sức sống cho cả vùng Cao nguyên đá. Những sắc hoa trên núi đá ấy như đã sưởi ấm cho cả vùng cao nguyên đá xám xịt.