Quy Nhơn: Dấu xưa còn đấy

09:01, 25/01/2018

Quy Nhơn cũng như bao đô thị khác của dải đất Trung Trung Bộ, đến mùa giáp tết trời trở gió, se lạnh, những cơn mưa phùn, gió bắc thổi vào tê tái thịt da. Nhưng Quy Nhơn vốn dĩ như cái tên của nó - đất lành. 

Quy Nhơn cũng như bao đô thị khác của dải đất Trung Trung Bộ, đến mùa giáp tết trời trở gió, se lạnh, những cơn mưa phùn, gió bắc thổi vào tê tái thịt da. Nhưng Quy Nhơn vốn dĩ như cái tên của nó - đất lành. 
 
Tác giả bên mộ Hàn Mặc Tử. Ảnh: P.T
Tác giả bên mộ Hàn Mặc Tử. Ảnh: P.T

Đất lành nhờ dãy Đông Trường Sơn kéo dài tiếp giáp với biển cả, dãy núi ấy đã ngăn chặn những cơn thịnh nộ của gió Lào và gió Bắc. Phải chăng đất lành đã sản sinh ra những bậc tiền nhân hào kiệt của xứ đàng trong kéo dài qua nhiều thế hệ. Từ vua Chế Mân xây dựng cơ đồ (lập đồ bàn) đến nhà Tây Sơn - Quang Trung - Nguyễn Huệ đứng lên phất cờ khởi nghĩa, kéo quân ra Bắc dẹp loạn, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh vào mồng năm Tết Kỷ Dậu (1789) cách nay hơn hai thiên niên kỷ. Và còn đấy các bậc thi sĩ Xuân Diệu, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... để lại cho hậu thế hàng trăm tác phẩm lay động lòng người. Những ai đến Quy Nhơn mà không viếng thăm những di tích - nơi cổ nhân để lại cho đời là một thiếu sót và tôi cũng vậy...
 
Chiều mưa, phố vắng thưa người, biển không muốn đón khách lữ hành. Những luồng gió từ khơi xa đẩy từng cơn sóng vào bờ vỗ về, tôi thả bộ lang thang theo bờ cát vàng về phía nam thành phố đụng xóm Gánh Ráng gần Trại cùi, dưới chân núi Xuân Vân. Gặp gỡ, trò chuyện với những cư dân còn sót lại của làng chài thuở trước nay bỏ nghề chài lưới để làm lụng sinh kế bằng nhiều việc, lao công, buôn bán nhỏ… Nhưng cái chất dân dã nguyên sơ vẫn còn đó khi giao tiếp, mua bán trao đổi hàng hóa với lữ khách. Trước khi leo lên dốc đá đồi Thi Nhân, chúng tôi ghé một quán hàng xén vỉa hè cuối đường xóm chài. Tôi bất ngờ với những món ăn dân dã tươi sống, ngon miệng. Càng bất ngờ hơn khi trả 110 ngàn đồng cho 10 người ăn, bình quân 11 ngàn đồng cho một suất ăn đủ món: bánh xèo, bánh nậm, bún chả giò, bánh hỏi quê... Tôi thắc mắc hỏi chị bán hàng, chị hồn nhiên trả lời: Ở đây từ xóm làng lên phố phường mà anh! Đường rộng nhà mới, nhưng lòng người không thay đổi, bán hàng cho dân bản xứ hay cho du khách vẫn vậy, đồng giá. Hơn nữa hàng ăn uống phục vụ dân địa phương là chính; dạo này vắng du khách đến viếng nhà thơ Hàn Mặc Tử, buồn lắm anh ơi!.
 
Nghe chị bán hàng buông một câu, tôi bất giác nhìn lên hòn Thi Nhân, khói núi quyện với mưa sương từ biển thổi vào hình thành như hồn phách của Hàn Mặc Tử từ đất trỗi dậy...” Máu đã khô rồi thơ cũng khô... từ nay trong gió, trong mây gió”...
 
Tôi lẽo đẽo theo chân các chàng trai trẻ leo lốc lên núi Thi Nhân, viếng mộ Hàn, đầu nghĩ bâng quơ: “Lá cây hứng nước, đầu đội mưa? Đôi chân mỏi mệt, hồn leo dốc… Nhưng đi một đoạn lên núi gặp phải hàng rào chắn đành quay lại hỏi cô gái bán nước dưới dốc, cô bé nói tỉnh bơ: “Họ rào chắn để làm khu du lịch gì đó chú à!”. Lùi thêm một đoạn lại gặp quán “Người giữ Hồn thơ Hàn Mặc Tử.” Cô gái xinh xắn bán thơ đon đả mời chào khách lạ, bên cạnh anh chàng có mái tóc thướt tha bụi trần, ngả màu, ngồi đăm chiêu lả lướt đường bút trên mảnh gỗ tạo ra bức tranh bút lửa. Tôi nhận từ tay cô gái bán sách: “Hành trình đến với Hàn Mặc Tử”. Cô gái vừa trao thơ vừa nói: Giá bìa 108 ngàn đồng, chú mua hộ. Người giữ “hồn Thơ” xen vào: Bớt tám ngàn! Anh nói thêm: Sách này chỉ bán tại đây, các nhà sách không có!?
 
Trước khi rời quán tôi lướt qua trang sách thấy tên tác giả: nghệ sỹ sưu tầm Dzũ Kha. Dzũ Kha chính là anh chàng say sưa ngồi chạm tranh bút lửa. Anh cũng là người nhiều năm kiên nhẫn ngồi ở cái quán trống trơn này, quyết chí giữ “Hồn thơ” của thi nhân quá cố 80 năm trước. Trời đất ơi, trên cõi đời này cũng còn có những con người như thế? Anh ta sống bằng nghề giữ “Hồn thơ” bên cạnh những sân si thực dụng của người đời bởi đời sống kim tiền. 
 
Xây cầu, Công ty FLC đến làm khu nghỉ mát, bộ mặt Quy Nhơn thay đổi nhiều. 
 
Tạm biệt Quy Nhơn, Bình Định, mong sao cho vùng đất - con người xứ này phát triển, phát tích như cái danh vốn có Quy Nhơn đất lành, anh hùng, hào kiệt.
 
PHẠM THÁI