Ðộng lực mới từ Luật Du lịch 2017

09:02, 12/02/2018

Luật Du lịch năm 2017 bao gồm 9 chương 78 điều đã được Quốc hội thông qua ngày 19/8/2017 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Phóng viên (PV) Báo Lâm Ðồng có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở  Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc triển khai Luật Du lịch trên địa bàn tỉnh, để bạn đọc, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ và du khách có thêm nhiều thông tin cụ thể hơn.

Luật Du lịch năm 2017 bao gồm 9 chương 78 điều đã được Quốc hội thông qua ngày 19/8/2017 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Phóng viên (PV) Báo Lâm Ðồng có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở  Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc triển khai Luật Du lịch trên địa bàn tỉnh, để bạn đọc, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ và du khách có thêm nhiều thông tin cụ thể hơn.
 
PV: Xin bà cho biết về tình hình triển khai Luật Du lịch năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng?
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Các quy định của Luật Du lịch năm 2017 được xây dựng dựa trên cơ sở của Luật Du lịch 2005, đồng thời, bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ. Về cơ bản, bước đầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ đã tiếp thu và tuân thủ các quy định mới của Luật Du lịch năm 2017. Nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh hiểu và thực hiện đúng các quy định của Luật Du lịch năm 2017, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Du lịch năm 2017 trên cổng thông tin điện tử của Sở VH-TT&DL; trong các cuộc họp, văn bản chỉ đạo của ngành; công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh hoạt động du lịch của các đơn vị.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: 
 
Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ VH-TT&DL mới chỉ ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 về Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, trong đó chủ yếu quy định chi tiết về lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn du lịch. Điều này dẫn đến Sở VH-TT&DL Lâm Đồng gặp khó khăn  trong quá trình hướng dẫn phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ triển khai thực hiện các quy định của Luật.
 
Trong thời gian này, Sở VH-TT&DL vẫn tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định, xếp hạng của các cơ sở lưu trú du lịch; hồ sơ đề nghị cấp (mới, đổi lại) thẻ hướng dẫn viên du lịch (quốc tế, nội địa); hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa... của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ theo quy định của Luật. Nhưng, chưa thể triển khai mức thu phí, lệ phí thẩm định, cấp phép theo quy định vì Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định và cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; phí thẩm định... trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành, hướng dẫn du lịch.
 
PV: Vướng mắc cụ thể trong hơn 1 tháng triển khai Luật Du lịch tại Lâm Đồng là những gì, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các hãng hàng không mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp từ Vũ Hán (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc) đến Lâm Đồng. Thông qua các đường bay, thị trường khách quốc tế đến Lâm Đồng được mở rộng; nhiều công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng, tổ chức khai thác các chương trình du lịch trong và ngoài nước phục vụ nhu cầu của du khách quốc tế và người dân địa phương. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (inbound, outbound), các công ty không thể thực hiện ký quỹ lữ hành tại ngân hàng theo quy định, vì chưa có thông tư quy định về mức ký quỹ cũng như hướng dẫn về quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh.
 
Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, hướng dẫn viên sau khi được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (quốc tế và nội địa) phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch thì mới đủ điều kiện hành nghề, nhưng hiện tại, Hiệp hội Du lịch của tỉnh đang gặp lúng túng trong quá trình thành lập Chi hội Hướng dẫn viên du lịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
 
Khi áp dụng các quy định về thẩm định và xếp hạng cơ sở lưu trú theo quy định của Luật, Sở VH-TT&DL chưa thể triển khai thực hiện thẩm định, xếp hạng đối với loại hình Biệt thự du lịch từ 1 sao - 5 sao; kiểm tra để đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động kinh doanh đối với loại hình nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, do chưa có bộ tiêu chí và các điều kiện để làm cơ sở đánh giá, xếp hạng, kiểm tra đối với các loại hình cơ sở lưu trú này. 
 
PV: Luật Du lịch đã có hiệu lực rồi, nhưng còn thiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai sâu rộng tại địa phương, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng khắc phục vấn đề này như thế nào?
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong khi chờ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Du lịch năm 2017; trong năm 2018, Sở VH-TT&DL sẽ triển khai một số nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của Luật Du lịch dưới nhiều hình thức trên tinh thần hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch - dịch vụ thực hiện các nội dung quy định của Luật; tiếp tục ủy quyền cho phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố thẩm định điều kiện hoạt động kinh doanh đối với loại hình nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
 
Sở cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt thành lập Chi hội Hướng dẫn viên Lâm Đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng dẫn viên gia nhập Hội và hành nghề; tổ chức đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, kiểm tra nghiệp vụ và cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch tại điểm; tổ chức các khóa cập nhật kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên (3 khóa/năm); thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch (cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch); phối hợp với các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ về nghiệp vụ điều hành du lịch (nội địa, quốc tế); nghiệp vụ hướng dẫn du lịch (nội địa, quốc tế)…
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà! Kính chúc ngành Du lịch Lâm Đồng sẽ ngày càng phát triển với những động lực mới từ Luật Du lịch năm 2017!
 
LÊ HOA (thực hiện)