Diệu vợi non nước Vũ Quang

10:03, 29/03/2018

Ngày cuối tiết đông, chợt vạt mưa vạt nắng. Chúng tôi ngược ngàn lên Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong 32 khu rừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao nhất toàn quốc hiện nay...

Ngày cuối tiết đông, chợt vạt mưa vạt nắng. Chúng tôi ngược ngàn lên Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong 32 khu rừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao nhất toàn quốc hiện nay. Khác hai Vườn Quốc gia ở tỉnh Lâm Đồng, nơi tôi lội mấy chục năm nay, Vũ Quang có một hồ nước ngay vùng lõi, diện tích hồ lớn thứ ba ở Việt Nam (chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đại), với 4.000 ha, sức chứa 775 triệu m3, vừa tích nước mấy tháng nay.  
 
Hệ thống đập hạ lưu ngăn dòng tích nước của hồ. Ảnh: T.X
Hệ thống đập hạ lưu ngăn dòng tích nước của hồ. Ảnh: T.X
Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ sắp xếp cử 3 cán bộ kiểm lâm đưa chúng tôi khẩn trương thâm nhập Vườn theo đường thủy, bởi thuyền máy đi hơn một giờ rồi đi đường bộ mới thấu tới những địa danh cần đến: Khe Trấp, Rào Vền, Rào Rồng và khe Thuồng Luồng, thành cổ Phan Đình Phùng - Thanh Lù xưa, đỉnh núi Vụ Quang… Chủ, trưởng trạm Nguyễn Sang Trang, cán bộ khoa học Nguyễn Việt Hùng, kiểm lâm viên Phùng Tư; khách, tôi và hai người bạn đồng nghiệp nhà báo, văn nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Vượng, Lê Văn Vỵ. Đây cũng chỉ là một tuyến du thám, bởi Vườn Quốc gia Vũ Quang có tổng diện tích bảo vệ quản lý hơn 57.038 ha, gồm 49 tiểu khu, trải dài cả 3 huyện: Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê. Vườn còn có tới 13 xã vùng đệm, 105 thôn bản với hơn 50.000 người dân sinh sống xung quanh, có 63 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. 
 
Mênh mang non nước hữu tình. Ai cũng có cảm xúc đặc biệt khi đắm đuối hồn mình trong hơn một giờ du thuyền trên vô vàn ngọn cây, đỉnh cột điện, cột cáp cầu… Phía dưới mấy chục mét nước kia là con sông Ngàn Trươi trầm tích ngàn mùa bồi lở, là nơi quần tụ nương bên nhau đời nối đời của hàng ngàn hộ dân xã Hương Điền và Hương Quang. Sau tám năm thi công, tháng 10 năm 2017, trong lòng Vườn Quốc gia Vũ Quang với diện tích ngập nước gần 4.000 ha, tạo ra trên 32 hòn đảo lớn nhỏ; cao trình đỉnh lũ được thiết kế ở cos +53,9 m; con hồ này cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân Hà Tĩnh thuộc 8 huyện phía bắc với diện tích 32.500 ha đất nông nghiệp, gắn liền với du lịch sinh thái, đồng thời có chức năng ngăn lũ cho vùng hạ du gồm 4 huyện và cung cấp nước phục vụ công nghiệp luyện thép cho mỏ sắt Thạch Khê; cùng đó một nhà máy thủy điện có công suất 16 MW. Từ khi đập thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang hoàn thành và tích nước, khai sinh đời hồ cũng là khai tử một phần đời sông mà xưa được gọi là “ác giang”, lắm thác nhiều ghềnh, hun heo chướng khí. Trong muôn vàn thảm thực vật khô khắt của tre, của cọ, của cau,… giữa hồ và bên hồ dường như vẫn còn đó vương vấn nhịp sống của cư dân vùng lâm cùng thủy tận ngày nào. Cuộc đại di dân xa hàng chục km rời khỏi mép sông dường như vẫn nhiều bịn rịn và cơ man lưu luyến. Những ngôi nhà ngập trong nước còn nguyên các khung cửa sổ khép hờ, với từng mảng tường mỗi ngày lở lói do sóng nước, những thành giếng nước bên đồi, chiếc giường treo mắc ngọn tre… như một lời tự sự thật sâu với chúng tôi… Đó là những xóm Đăng, Kiều, Móc, Thị, những Tân Điền, Kim Thọ, Tùng Quang, Tân Quang, Kim Quy…Trong 4.000 ha mặt nước, hồ Ngàn Trươi có tới hơn 30 đảo lớn nhỏ, nơi sâu nhất hơn 50 mét nước. Cao trình của hồ thiết kế 57 mét so với mặt nước biển Đông. Khác với chúng tôi, Nguyễn Sang Trang mỗi lần du thuyền qua khu vực này trong anh lại thêm một lần xốn xang. Bởi bố mẹ anh là dân lâm nghiệp định cư vùng đất này. Anh chỉ tay và nói: “Hồi xưa, nhà em chỗ kia kìa. Hàng ngày học cấp một ra tận phía bên này, phải đi bộ 5 cây số đó anh…!”. 
 
Trạm trưởng Nguyễn Sang Trang giới thiệu vùng ba cá thể Voi mới xuất hiện. Ảnh: T.X
Trạm trưởng Nguyễn Sang Trang giới thiệu vùng ba cá thể Voi mới xuất hiện. Ảnh: T.X
Nhà thơ Lê Văn Vỵ là người bản địa huyện này. Săm soi phía mạn tây nam con thuyền, anh Vỵ hỏi Nguyễn Sang Quang về mấy con voi đá tại vực Thành để rồi chạnh lòng vì nó đã chìm khuất dưới sâu kia. Theo hồi ức của chiều sông nước Ngàn Trươi đi nhặt những câu hò, những hình ảnh của đoàn quân chở máy móc, dụng cụ trên thuyền bè về Hương Điền thành lập An toàn khu, anh Vỵ kể: “Nơi đây bây giờ bốn bề mênh mông nước, nhưng ngày xưa là nơi giấu những đoàn quân, những lò rèn vũ khí, binh đao, những kho lương thực, những nhà máy in giấy bạc cụ Hồ cung cấp cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên và Liên khu 5 đánh thắng giặc Pháp. Cho nên nói Ngàn Trươi là “ác giang” chỉ đúng một phần, còn Ngàn Trươi thấm đẫm yêu thương, như vòng tay mẹ hiền che chở cho nghĩa quân cho cán bộ”. Còn Nguyễn Ngọc Vượng thì lại thả hồn lần tìm về oai hùng của nghĩa quân 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa kháng Pháp cuối thế kỷ XIX do Phan Đình Phùng và Cao Thắng chỉ huy để hơn một lần chiêm nghiệm và cồn cào trắc ẩn. Mẹ rừng Cha núi nơi đây mãi mãi được lưu danh vùng đất thiêng cho hậu thế. Khi chúng tôi rẽ cây rừng giăng mắc lối đi để đến với Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Vụ Quang thì trời bắt đầu đổ mưa lộp bộp. Một cảm giác hồi hộp về nguồn với cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Khi đặt những bàn chân mình lên lũy thành được tiền nhân xây dựng cách 130 năm trước, không thể bồn chồn. Với tổng chiều dài 8.010 m, rộng 150 m, độ cao trung bình 30 m, được tạo bằng đá tự nhiên giờ rừng che khuất hầu hết. Nơi chúng tôi đứng là trên đỉnh thành. Hun hút dưới vách đá là hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Rêu phong vách đá là thông điệp về tấm lòng yêu quê hương đất nước của cha ông gửi về muôn hậu thế!          
 
Vẫn còn đó, vô vàn cánh cò rợp phau khung trời. Chúng mãi mãi mang theo nỗi lạ lẫm suốt đời vì mặt nước sông Ngàn Trươi rộng ra hàng chục mét, ngọn cây khô áp mặt nước mà chúng nương đậu hôm nay là cây xanh bóng mát trên tít đỉnh cao thủa nào… Vâng, Vườn Quốc gia Vũ Quang vẫn mang trong mình đa dạng sinh học. Trước chúng tôi vào, Nguyễn Sang Trang cũng dẫn đoàn nhà báo thâm nhập ghi hình dấu vết đàn voi 3 cá thể vừa qua. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng vừa đi vừa giới thiệu cho tôi một số loài thực vật đặc sắc của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Là cán bộ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, anh khá rành rõi về những con số này: Hiện Vườn đang giữ được trạng thái gần như nguyên sinh với đa dạng hệ thực vật và động vật rất cao: khoảng 1.612 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm. Đặc biệt, trong Vườn có đến 36 loài thú đặc hữu như Voọc Chà vá chân nâu, Vượn má vàng…
 
Sau cơn mưa rừng râm ran cành lá một lúc, bầu trời Vũ Quang càng cao xanh hơn. Cây lá như ngọ nguậy đâm chồi bung hoa rộ nở. Mặt nước hồ phẳng lặng như tấm gương khổng lồ soi bóng sự hợp hôn của non cao rừng thẳm hữu tình say… Chiều xuống, ánh mặt trời xiên khoai, bung những mảng mây màu vàng mỡ gà lững lờ trên những chỏm núi xanh, sà xuống vạt cây lô nhô mặt nước. Chúng tôi rời Vườn quốc gia Vũ Quang trong khoáng đạt và mãn nhãn. Tôi đưa ước mong của mình về một nền kinh tế du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa lịch sử trao đổi với Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ. Anh chia sẻ: Nếu đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc mở mang ngành nghề kinh doanh cho đơn vị thuê môi trường rừng, tăng thêm nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được đầu tư chính đáng, góp phần phục hồi và phát triển rừng nhanh hơn, giảm một phần đáng kể đầu tư ngân sách nhà nước thông qua nguồn thu từ hoạt động du lịch của vườn hàng năm. 
 
Thành lũy của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng 130 năm trước nằm trong vùng lõi Vườn Vũ Quang
Thành lũy của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng 130 năm trước nằm trong vùng lõi Vườn Vũ Quang
Dĩ nhiên, còn rất nhiều việc phải làm sắp tới. Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và bảo tồn bền vững diện tích đất ngập nước trên 4.000 ha của lòng hồ liền kề với rừng đặc dụng, theo đề nghị của Vườn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 1825/UBND-LN ngày 29/3/2017 về việc tạm thời giao Vườn quốc gia Vũ Quang quản lý toàn bộ diện tích mặt nước lòng hồ, tạo điều kiện để Vườn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nghiên cứu tìm giải pháp quản lý hệ sinh thái đất ngập nước để bảo vệ nguồn thủy sinh bền vững. Bên cạnh những cơ chế chính sách phù hợp, nhà nước cần có sự đầu tư về kinh phí để mua sắm các phương tiện tuần tra như: tàu, thuyền, xây dựng lại hệ thống nhà trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra rừng; nghiên cứu xây dựng các chương trình dự án tạo sinh kế cho người dân vùng đệm, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề để giảm sức ép vào rừng..., nguồn biên chế bảo đảm cho Vườn Quốc gia cũng là một vấn đề cần được ưu tiên cao, bởi hiện tại tổng số biên chế của Vườn mới chỉ đạt trên 50% theo quy định, rất khó đảm đương nhiệm vụ bảo vệ rừng ngày càng khó khăn như hiện nay. Và cần lắm sự hướng đến Vườn quốc gia Vũ Quang của nhiều cấp, nhiều ngành, các nhà khoa học quan tâm và giúp đỡ. 
 
Bút ký: PHAN TĨNH XUYÊN