Hội thi tay nghề giỏi cấp tỉnh lần thứ 10 (năm 2018) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại các trường dạy nghề ở Ðà Lạt và Bảo Lộc trong tháng 3, với các ngành nghề nhưng mảng du lịch đã diễn ra sôi nổi và bài bản nhất.
Hội thi tay nghề giỏi cấp tỉnh lần thứ 10 (năm 2018) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại các trường dạy nghề ở Ðà Lạt và Bảo Lộc trong tháng 3, với các ngành nghề nhưng mảng du lịch đã diễn ra sôi nổi và bài bản nhất.
|
Một góc cuộc thi bếp. Ảnh: M.L |
Hội thi là bước sàng lọc để chọn ra những ứng viên tiêu biểu nhất của 9 ngành nghề/ tổng số 26 ngành nghề do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quy định - hiện đang được tổ chức đào tạo tại Lâm Đồng để chuẩn bị tham gia các kỳ thi cấp khu vực và quốc gia. Theo đó, có 11 thí sinh thuộc ba đội thi của các trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Cao đẳng Nghề Du lịch Đà Lạt đã bước vào hội thi dịch vụ - nhà hàng và chế biến món ăn một cách hào hứng, nghiêm túc suốt cả ngày trời. Đề thi được tổ chức theo đúng module của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mà theo nhận xét của hai ban giám khảo là khá thử thách, nhưng phần lớn các em đều nỗ lực vượt qua và thể hiện khá tốt năng lực thực hành của bản thân.
Ở nội dung dịch vụ nhà hàng, 6 bạn trẻ lần lượt trải qua 10 nội dung thi chi tiết. Bao gồm: Boxing bàn buffet và gấp khăn ăn, chuẩn bị món ăn, pha chế và nhận biết các loại đồ uống, đặt bàn và chuẩn bị phục vụ fine dining, phục vụ fine dining. Dưới sự giám sát của các thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo là các nhân sự có tay nghề - kinh nghiệm lâu năm trong các khách sạn cao cấp ở Đà Lạt, mỗi một nội dung thi đều được chấm điểm - nhận xét - đánh giá rất chi tiết. Một số thí sinh chưa thuần thục kỹ năng hoặc chưa làm tốt đều được hướng dẫn, góp ý rất chân tình. Hoàng Trọng Phú - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: “Tuy chưa đạt điểm cao trong kỳ thi này nhưng em đã rất nỗ lực không bỏ cuộc, em được học hỏi rất nhiều điều từ những cái “chưa được” của bản thân mà các giám khảo đã chỉ ra, điểm số với em không quan trọng bằng kiến thức và kinh nghiệm mà mình rút tỉa được”. Thí sinh Trần Thị Thủy - K4 - Quản trị khách sạn Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Đà Lạt là người đạt điểm số chung cuộc cao nhất, bộc bạch: “Điều thu hoạch lớn nhất của em chính là người làm du lịch phải tạo được phong cách - thần thái trong phục vụ. Mình cần phải biết cách tương tác nhiều hơn với du khách bằng chính nụ cười, cái tâm và cái hồn của một người làm du lịch có văn hóa”. Giám khảo Trương Văn An (hiện đang hoạt động tại Khách sạn La Sapinette) đúc kết: “Kỹ năng nghiệp vụ là điều phải trau dồi nhưng theo tôi, sự tự tin và nụ cười chân thành luôn cần phải có ở đội ngũ làm du lịch”. Sau buổi thi kéo dài cả ngày trời, mỗi thí sinh được Ban Giám khảo gọi vào để chất vấn lần cuối cùng, trước khi đưa ra những lời nhận định, lời khuyên hoặc tư vấn cần thiết cho việc định hướng - chọn lựa lâu dài trong nghề nghiệp. Có dịp bám sát tất cả các phần thi này, chúng tôi cho rằng vượt xa khuôn khổ của một hội thi tay nghề thuần túy, các thí sinh đã có một cơ hội quý báu để định vị cho chọn lựa của bản thân mình đối với nghề nghiệp tương lai. Giám khảo Trương Văn An ngoài nhận xét, đánh giá còn đưa ra động tác thị phạm cụ thể để chỉnh sửa cho thí sinh về dáng điệu đi đứng - cách thức tiếp cận phục vụ - cách dọn dẹp hoặc thu xếp đồ vật trên bàn. Giám khảo Minh Hòa thì đưa ra những nhận xét hóm hỉnh mà tế nhị, những câu hỏi tình huống hoặc những góp ý bổ sung ngắn gọn mà sát sườn. Giám khảo Đặng Thái Hồng (quyền Giám đốc điều hành Khách sạn LaDaLat) thì bám sát chặt chẽ từng biểu hiện hành xử của thí sinh qua mỗi phần thi để có lời khuyến khích hoặc nhắc nhở rất sắc sảo, theo anh: “Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, thái độ tận tâm phục vụ và cách ứng xử kịp thời, thông minh rất cần thiết cho mỗi thí sinh”.
Có phần lặng lẽ mà khiêm tốn hơn chính là phần thi chế biến món ăn. Ông Nguyễn Hữu Hường - Chủ nhiệm CLB Bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng nhận xét: “So với các năm, bản lĩnh và tay nghề của các em khá vững, mặc dù đề thi rất khó”. Ông Nguyễn Thanh Tùng - thành viên Ban Giám khảo bếp, cho biết thêm: “Nội dung thi bám sát theo chương trình thi tay nghề của quốc gia 2018, bài thi 8 tiếng gồm 5 module: món súp gà trong, thịt thăn cừu ăn kèm với một loại nước sốt, bánh phô mai lạnh, mứt trái cây, món đường đi-sô-mát. Trải dài trong suốt cuộc thi, Ban Giám khảo sẽ căn cứ vào các tiêu chí để chấm giải như: vệ sinh - thao tác kỹ năng sử dụng dụng cụ - phương pháp nấu nướng và kỹ năng chọn nguyên liệu để làm thành phẩm. Tất nhiên, sản phẩm sau cùng phải dựa trên các nguyên tắc về màu sắc - mùi vị - sự sáng tạo và trạng thái của từng món ăn. Thí sinh Huỳnh Ngọc Đức - sinh viên K9 Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đạt số điểm cao nhất, khiêm tốn nói: “Em rất biết ơn Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cùng các bạn phụ trợ đã giúp em hoàn thành phần thi. Cuộc thi rất lý thú và bổ ích vì giúp cho chúng em được giao lưu, cọ xát và học hỏi nhiều kỹ năng quý!”.
Hội thi tay nghề giỏi cấp tỉnh chính là cơ sở để các nhà đào tạo du lịch, các thí sinh và các nhà hoạt động kinh doanh du lịch tìm thấy tiếng nói chung trong việc góp phần nâng cao tính chuyên môn trong phục vụ du lịch theo hướng chuẩn hóa của khu vực và quốc tế. Khi ý thức tự hào về nghề nghiệp được nâng cao thì đội ngũ hành nghề du lịch dịch vụ sẽ có cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mỗi lúc mỗi nâng cao của du khách. Theo ông Lê Bá Chu - Trưởng phòng Nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Ở những lần thi tới, nếu huy động được lực lượng du khách đông hơn, kêu gọi được nhiều sự tài trợ hoặc đồng hành của doanh nghiệp địa phương, chắc chắn sẽ là động lực tác động tích cực hơn cho hoạt động đào tạo và cung ứng nhân sự đắc lực của địa phương...”.
MINH LÂN