Nơi gọi là Ðà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên...

09:03, 15/03/2018

Măng Ðen (thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) được ví là Ðà Lạt thứ hai trên cao nguyên không chỉ bởi khí hậu, rừng nguyên sinh, thác nước, suối - hồ...

Măng Ðen (thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) được ví là Ðà Lạt thứ hai trên cao nguyên không chỉ bởi khí hậu, rừng nguyên sinh, thác nước, suối - hồ...
 
Đến Măng Đen du khách có thể nhìn thấy những loài cây đặc trưng tưởng như riêng có của Đà Lạt, như liễu rũ, phượng tím, mai anh đào..., đặc biệt là hơn 4.000 ha là rừng thông cổ được người Pháp khảo sát đưa vào trồng trên cao nguyên từ những thập niên đầu thế kỷ trước khiến du khách không thể không liên tưởng đến những con đường dẫn vào nội ô Đà Lạt.
 

Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.200 m so với mặt nước biển. Khí hậu ở Măng Đen mát mẻ quanh năm, nhiệt độ thường dưới 22 độ C. Rừng nguyên sinh trùng điệp bao bọc, rộng hơn 100.000 ha tạo nên độ che phủ của rừng cao nhất nước, tới 65% diện tích đất đai, đan cài cùng với sông, hồ, suối, thác... và dân cư vẫn còn thưa thớt làm ruộng bậc thang, trồng cây, chăn nuôi... đã tạo cho Măng Đen một tiềm năng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng lý tưởng.
 

Người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) gọi Măng Đen là T’măng Deeng, nghĩa là vùng đất tiên cảnh. Măng Đen còn được gọi là mảnh đất “bảy hồ - ba thác” gắn liền với truyền thuyết thần Yang Pling tạo ra nơi này sau một cơn giận dữ 7 người con. Nhưng, có thể đây là vùng đất có núi lửa, tạo thành 7 cái hồ lớn nhỏ và đất đỏ bazan. Trong đó, thác Pa sỹ là dòng thác đẹp nhất ở Măng Đen, thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn gộp lại và đổ xuống thành dòng thác, cái tên Pa Sỹ cũng bắt nguồn từ đó.
 

Măng Đen có 5 dân tộc là Mơ Nâm, Ca Dong, Xê Đăng, Hre và người Kinh cùng nhau sinh sống, chan hòa. Ngoài khám phá phong cảnh thiên nhiên, du khách có thể đến thăm các buôn làng còn giữ nguyên những tập tục và nét hoang sơ của vùng quê xa phố thị; chơi đùa những đứa trẻ vô tư nghịch ngợm với cây cỏ và ngơ ngác nhìn người lạ.
 

Du khách dừng chân để ngồi thưởng thức những món ăn đặc sản trứ danh vùng Kon Tum như cơm lam, heo quay Măng Đen, gà nướng Măng Đen, rượu cần...; hay đắm mình trong vũ điệu cồng chiêng mênh mang giữa vùng rừng nguyên sinh rộng lớn.
 
 
Cũng như nhiều vùng đất ở Tây Nguyên, Măng Đen có rất nhiều công trình tôn giáo ấn tượng. Trong đó, có tượng Đức Mẹ Măng Đen - là điểm được phép tổ chức hành hương tôn giáo, với những truyền thuyết về sự linh thiêng và quyền năng của hai bàn tay cụt. Đức Mẹ Măng Đen ban đầu được tạc theo hình tượng Đức Mẹ Fatima từ năm 1971, gặp biến cố chiến tranh, bị bỏ hoang phế trong rừng rậm. Cho đến năm 2004, thi công tuyến Quốc lộ 24, tượng Đức Mẹ được tìm thấy, được phục chế phần đầu với khuôn mặt mang dáng dấp phụ nữ Tây Nguyên, nhưng hai cánh tay không thể phục chế được...
 

Măng Đen không ngập tràn sự lãng mạn và quyến rũ khắp nơi nơi như Đà Lạt; nhưng, một chút mộng mơ với hoa đào, liễu rủ, thông reo của Đà Lạt; một chút hùng vĩ của núi rừng, một chút hoang dại của cồng chiêng, một chút huyền thoại của sử thi, một chút dân dã của người đồng bào đậm chất Tây Nguyên... tạo nên một Măng Đen đẹp hoang sơ và kỳ ảo. Và, có một minh chứng, vì yêu, vì say Măng Đen mà một người đàn ông tài hoa đã đưa cả gia đình từ Lâm Đồng đến Măng Đen sinh sống, mở một quán cà phê Mandenla (người Măng Đen), say sưa với những khúc gỗ, ngẫu hứng với những nốt nhạc, cùng 5 cô con gái tung tẩy lời ca, tiếng hát tặng những người khách lạ đến thưởng thức cà phê sạch đúng chất Măng Đen.
 

TIỂU VÂN