Thì thứ làm chủ khả dĩ có chăng là tạo ra một không gian sống hợp với tâm hồn mình và bằng tinh thần biết thân biết phận, theo điều kiện "sức khỏe" túi tiền và sức lực cơ thể. Đây, giữa xứ trà B'lao mênh mông, căn nhà này dạt ra bên lề thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, nghĩa là lọt ra khỏi tính "phố", nên chỉ thẳng nó là "nhà quê", mà gọi là "nhà vườn" lại càng đúng.
Những cây phượng vàng cao chót vót mùa rụng lá. Ảnh: N.H.T |
Giữa một phối cảnh trời ban phước như thế, căn nhà trở thành “chấm” kiến trúc le lói giữa muôn xanh. Đã thế, căn nhà lại sơn màu tím, thế có “chết người” không chứ. Ánh mắt nào mà không thèm thuồng để được vào đó ở, cho dù một ngày. Nhưng phải nói ngay, rằng nó là nhà ở, nhà của người ta, chứ không phải “Nhà nghỉ”(!). Cả không gian lẫn căn nhà rất ơ hờ, tự nhiên, lỏng, mềm. Nhưng nhiều người ở Bảo Lộc không thường dám bước vào không gian này, vì chỗ của nó quá hẻo, thơ dại, thơ dại đến “là lạ” - mà cũng có thể vì người B’lao vốn ý tứ, tôn trọng cõi riêng của “Người ta” - như coi trọng chỗ ở của mình. Xứ nông quê, người ta tranh thủ từng thẻo đất để cắm cho được cây trà, cây sầu riêng, cây cà phê kiếm nguồn thu, thì ở căn nhà này người ta dành những chỗ đẹp nhất của nó để trồng hoa, tạo cảnh viên, mở những lối đi lại thưởng ngoạn. Con suối kia chảy qua hai vực thung lũng được khoét rộng ra để tạo một lúc hai bậc hồ nước lớn (thượng, hạ) nhằm tạo sinh thái, thả cá, và cất những căn nhà nổi. Cỏ hoa vòng quanh bờ hồ, nhiều khi như cố tình “bỏ bê” cho liếm ra mặt nước. Cá thì luôn đầy trong hai cái hồ mà nước là nguồn tự nhiên đó. Dĩ nhiên, những chiếc ghế ngồi, bàn để bình trà Oolong luôn có mặt trong những căn nhà nổi kia. Ngồi đây mà ôm cây đờn bất kỳ thì âm nhạc cũng bò liêu phiêu lên những sườn đồi trà, và không nốt nhạc nào thoát ra khỏi thung lũng được. Còn đọc sách thì ắt độc giả (người đọc) sẽ mang sắc thái của thiền sư tịnh độ. Còn tỏ tình với người yêu thì cho dù mai này có ly hôn vẫn khó mà quên kỷ niệm lúc ngồi bên nhau ở đây. Không gian sống mà thanh khiết đến thế này thì không còn phân biệt được nữa giữa nhà cư dân hay nơi cư sĩ tu hành. Gia chủ không phải một nhà tu, nhưng cảm hứng dựng một tượng Phật bà Quán Âm bên kia thung lũng trên mép một sườn đồi đối diện nhìn ngược về phía chỗ có căn nhà chính. Tôi ám ảnh với những cây hoa thân mộc vào mùa rụng lá ở thung lũng này. Vì nó như những cây san hô khổng lồ dựng trên mặt đất. Rất nhiều “san hô” mảnh khảnh diễm lệ như thế. Lòng người rất dễ lay động khi những tia nắng đầu ngày và chiều tà hắt vào những “rặng san hô” cao mười, mười lăm thước đó trong cái phông xanh vườn tược cao nguyên.