Thấy Em Ơi là thấy Hội An

09:03, 08/03/2018

Mộc mạc và ấm áp, được làm nên bởi bàn tay của người con phố Hội đó là những gì dễ thấy được ở Em Ơi - quán nhỏ xinh của hai cô gái Hội An xa xứ. Em Ơi có Cao lầu, Mỳ Quảng, Bánh Ðập, Bánh tráng Ðại Lộc… và những món người Quảng chỉ ăn vào dịp lễ, tết hay nhà có khách quý. 

Mộc mạc và ấm áp, được làm nên bởi bàn tay của người con phố Hội đó là những gì dễ thấy được ở Em Ơi - quán nhỏ xinh của hai cô gái Hội An xa xứ. Em Ơi có Cao lầu, Mỳ Quảng, Bánh Ðập, Bánh tráng Ðại Lộc… và những món người Quảng chỉ ăn vào dịp lễ, tết hay nhà có khách quý. Và ở đó tất nhiên không thể thiếu màu vàng đặc trưng và cả sự yên tĩnh rất riêng của Hội An để người ta có cảm giác muốn kể với nhau chuyện “Một nghìn chín trăm hồi đó”.
 
Ở Em Ơi, nét Phố Hội đã hiện diện ở Phố núi. Ảnh: Ngọc Ngà
Ở Em Ơi, nét Phố Hội đã hiện diện ở Phố núi. Ảnh: Ngọc Ngà

“Anh về nơi xứ Quảng, thăm người em phố Hội…”, những câu hát quen thuộc về phố Hội cất lên cũng là khi chúng tôi đang có cuộc trò chuyện với Huỳnh Thị Út Hậu - Cô chủ của Em Ơi. 29 tuổi, cô con gái út trong một gia đình ở miền quê Đại Lộc đã từng tốt nghiệp Đại học Đà Lạt ngành Điện tử viễn thông, nhưng vì đam mê nấu ăn và cũng bởi những khó khăn về tìm một công việc phù hợp với chuyên môn nên Hậu đã cùng bạn kinh doanh quán ăn ngay từ lúc ra trường. Với cái cách chầm chậm của người phố Hội, trong giọng nói có nhiều nét đặc trưng của người Quảng, Hậu kể: Ngày đó Hậu và cô bạn khởi đầu với hàng xiên nướng vỉa hè. Vì bán vỉa hè nên mỗi ngày đều đặn chiều chở hàng ra, đêm lại chở về. Ngày bình thường thì không sao, nhưng những đêm mưa, Đà Lạt lạnh hai chị em loay hoay mãi mới dọn được hàng về phòng trọ. Có hôm về khuya, trời lại mưa, trên đường về không biết bao nhiêu lần hết rơi cái này đến rơi cái khác, mà xe chất đồ nhiều quá nên không thể cúi xuống nhặt lên được. Chỉ biết trông chờ vào người đi đường, nhờ họ nhặt giúp. “Có lúc mệt quá, khóc ngon lành. Mỗi lần như thế mình lại tự động viên “em ơi cố lên, Út Hậu ơi cố lên. Rồi cái tên Em Ơi cũng ra đời từ đó”. Ngày đó có không ít lời cười chê rằng: “ăn học tử tế rồi đi bán vỉa hè”, “khổ thân, kiếm được bao nhiêu tiền chứ”… Ban ngày hai cô gái vẫn đi làm tour guide, làm lễ tân khách sạn, chiều về tranh thủ dọn hàng bán đến khuya. Gom góp từ bán vỉa hè, hai cô gái cũng thuê được cái quán nhỏ trong hẻm cụt. Quán nhỏ thôi nhưng ấm áp vì có những vị khách thân thương. Để rồi quán càng ngày càng đông, muốn mở rộng để phục vụ được nhiều khách hơn thì ngay lúc đó chủ nhà lấy lại mặt bằng. Hai chị em lại lặn lội đi tìm được căn nhà nhỏ trên đường Đồng Tâm. “Hai chị em tự tay trang trí theo kiểu một ngôi nhà đặc trưng của phố Hội, nên Em ƠI - một Hội An thu nhỏ ra đời từ đó”. 
 
Có ai đó đã từng nói với tôi về những con người ở nhiều vùng đất khác nhau đến với phố núi này để sinh sống. Trong danh sách những người Quảng, người Nghệ Tĩnh, người Hà Nội… người Quảng được nhắc đến đầu tiên. Ngày ấy họ vào làm phu đường, bởi thế nơi này vẫn còn những cụ già trên cả trăm tuổi làm phu đường một thủa. Ở xứ Đà Lạt tiếng Quảng của người Quảng vẫn còn đậm đà. Bởi người ta vẫn luôn muốn giữ những nét đặc trưng của quê hương dù xa xứ. Và hôm nay, khi Đà Lạt đã bước qua năm 125 hình thành và phát triển vẫn còn những người Quảng trẻ như Út Hậu muốn mang nét đặc trưng của quê hương đến với nơi này. Út Hậu nói tiếp, “Mình nghĩ trong kinh doanh phải thật am hiểu việc mình làm và có nét gì đó đặc biệt. Bởi thế mình chọn phong cách đến món ăn đều đậm chất Hội An, có thế Em ơi mới không lẫn vào đâu được. Và có lẽ chỉ có người Quảng Nam mới làm được những gì đặc trưng nhất của phố Hội”.
 
Thực đơn ở  Em Ơi phục vụ các món đặc sản Hội An - Đà Nẵng ngay tại thành phố Đà Lạt thơ mộng này. Bạn Nguyễn My - du khách đến từ Sài Gòn đã nói về Em Ơi rằng: “Quán nhỏ nhưng ấm cúng. Cảm giác như bước vào ngôi nhà ngày xưa. Có ấm trà nóng, có tò he, quang gánh, thúng... Vẫn một màu vàng vàng của tường, của những bóng đèn thùng, của rổ rá bằng tre, đặc biệt nơi đây còn có nhiều đèn lồng, cuốn menu lớn được đặt trên khung gỗ ngay trước quán và trên sân thượng là cây nêu treo đầy đèn lồng được thắp sáng mỗi đêm. Em Ơi như Hội An thiệt sự”.
 
Với cái đứa mê mẩn Hội An như mình, sợ không khách quan nên mình đã dẫn cô bạn là người Quảng đi ăn Mỳ Quảng để cô ấy đưa đồ ăn vào miệng, mắt tròn xoe và đưa tay ra hiệu ra điều “rất tuyệt”. Trong cuốn “Người Quảng đi ăn mỳ Quảng” nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có viết: “Mỳ Quảng dễ nấu còn ở chỗ nó là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tất nhiên một số “chi tiết” căn bản phải tuân thủ: lá mỳ phải thoa dầu phộng, rau sống phải có bắp chuối, tô mỳ phải rắc đậu phộng, phải có bánh tráng bẻ rôm rốp, có quả ớt cắn lụp bụp, không có những thứ này sẽ “bất thành mỳ Quảng”. Trong tô mỳ Quảng của Em Ơi có tất cả những điều trên. Kể cả trái ớt xanh cũng đúng vị quê hương. Sợi mì trắng mềm do người Quảng làm, đảo đũa mấy lần vẫn không bị nát. Tương ớt được đưa từ Hội An vào. Bánh tráng lấy tại các làng ở huyện Đại Lộc. Vị mỳ có phảng phất một chút hương củ nén….Tô mỳ Quảng được người Quảng Nam nấu với tất cả tình cảm quê hương. “Được nấu đúng vị quê hương cảm giác vui lắm”, Út Hậu cười nói. Có lẽ điều đó đúng, bởi như chính tôi, một người con xứ Nghệ chỉ cần bắt gặp trên đường chiếc xe máy mang biển số quê hương, nghe cái giọng thân thương sẽ hỏi ngay “ở huyện mô đó” và vui đến ngây ngất khi ăn những món ăn quê nhà. Có lẽ đó là cảm giác chung của những người con xa xứ. 
 
Hậu sinh ra ở huyện Đại Lộc - cái vùng đất mà người người, nhà nhà làm bánh tráng. Ở cái xã Đại Đồng của cô, nhà nào cũng làm bánh tráng thuần thục. Tuổi thơ của những đứa trẻ như Út Hậu, như cô bạn tôi là mỗi lần ngoại tráng bánh là chị em tớ xúm xụm bên bếp lửa. Chờ những mẻ bánh ướt nóng hổi để kẹp vào bánh tráng nướng. Nhà luôn có sẵn mắm nêm mà mẹ chuẩn bị để mấy đứa con có cái chấm khi ngồi quanh chờ ngoại tráng bánh. Để rồi giờ đây, bánh tráng của ngoại đã được cô cháu gái mang vào bán tận Đà Lạt. 
 
Ngoại đã già, tay ngoại tráng bánh không còn nhanh nên mẹ tráng đỡ để “Cái Hậu có bánh ngon mà bán”. Không chỉ có bánh tráng của ngoại mà nhiều thức đồ khác của người Quảng Nam cũng được Út Hậu mang vào Em Ơi. Để nơi đây thực sự là Phố Hội ở Phố Núi.
 
NGỌC NGÀ