Thân thiện và cởi mở, già A Biu còn là một nghệ sĩ vừa có thể chơi các nhạc cụ truyền thống của người dân Tây Nguyên, vừa chơi tân nhạc, hát và sáng tác… Ông cũng là nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng.
Thân thiện và cởi mở, già A Biu còn là một nghệ sĩ vừa có thể chơi các nhạc cụ truyền thống của người dân Tây Nguyên, vừa chơi tân nhạc, hát và sáng tác… Ông cũng là nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng.
|
Cùng khách hòa tấu những bản nhạc Tây Nguyên. Ảnh: N.Q |
Đam mê và yêu từ máu thịt...
Ông A Biu là người Ba Na gốc An Khê (Gia Lai - quê mẹ), hiện ở thôn Plei Klăch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Từ nhỏ, ông sống trong gia đình mang đậm bản sắc người Tây Nguyên, nhà nào cũng có cồng chiêng, ghè ché… Cha ông (người Kon Tum) vui buồn đều chơi chiêng, nên ông cứ theo đó tự nhiên mà thấm vào máu thịt. Khi trẻ ông đã thích thành lập dàn nhạc, nhưng sức khỏe và cuộc sống không cho ông điều kiện để thực hiện. Sau này, khi đi sưu tầm, ông chú tâm vào cồng chiêng, chú trọng vào thế đánh, cách cầm dùi, nâng chiêng, gõ tay... để tấu lên những giai điệu vui tươi, rộn rã, hay u buồn, sâu lắng; hoặc tùy từng bài và cảm xúc của người đánh mà thanh âm có độ vang khác nhau, khi thì ầm ầm như thác chảy, khi tí tách như nước rơi, khi lách chách như tiếng chim chuyền cành... giàu bản sắc.
Ông kể: Cồng chiêng đối với người Tây Nguyên rất quý. Vào những năm 2000, mỗi bộ chiêng có giá khoảng một con bò (từ 1,5 - 2 cây vàng). Đến tận năm 2006, ông lén vợ mang con bò duy nhất của gia đình đi bán được hơn 7 triệu đồng và thêm ít tiền, mới mua được một bộ chiêng. Đó là bộ chiêng Đại Bàng vô cùng quý của người Ba Na ở An Khê. Bộ chiêng có 12 lá, trong đó, có chiêng mẹ dày và nặng khoảng 12 kg, được khắc vân nổi trên mặt chiêng giống cánh chim đại bàng đang xòe rộng, đánh lên âm rung đều, tiếng vang khắp không gian...
Dần dần, người dân biết ông mê cồng chiêng, nên hình thành mối, có ai bán là giới thiệu đến ông. Còn ông, ngoài chịu khó sản xuất để nuôi sống gia đình, ông tích cóp tiền, rồi bán bò và bán các vật dụng giá trị trong nhà để mua cồng chiêng… Cứ thế sau hơn 10 năm, ông sưu tầm tổng cộng 12 bộ chiêng, nhưng, đến nay ông chỉ còn giữ 7 bộ. Ông A Biu có tiếng là người đam mê và am hiểu cồng chiêng ở Kon Tum. Ông còn có tài năng đặc biệt trong thẩm âm, nắm nhịp và chỉnh chiêng.
Ông A Biu cho biết, ông bắt đầu học chỉnh chiêng từ khi trong bộ chiêng ông mua có một chiếc chiêng bị bể, ông nhờ già A Jing ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) sửa, chỉnh hộ. Gần 3 năm sau đó, hễ già A Jing đi đâu chỉnh chiêng là ông lại đi theo học, rồi về mày mò... Cứ thế, ông biết chỉnh, chỉnh tốt, rành nhiều loại chiêng khác nhau và trở thành người nổi tiếng trong lĩnh vực chỉnh chiêng. “Tiếng chiêng muốn vang, muốn rền thì người chỉnh chiêng không chỉ nắm vững về kỹ thuật gò hàn, mà còn bằng sự hiểu biết, đam mê, và tình yêu làm sống dậy hồn chiêng!” - ông A Biu tự hào cho biết.
Truyền dạy và quảng bá hồn chiêng…
Không chỉ sưu tầm, lưu giữ và sáng tác, ông A Biu còn truyền dạy cho con cháu, các em học sinh và đón khách du lịch. Ngôi nhà sàn nhỏ, xinh xắn của gia đình ông A Biu được xây dựng từ năm 2002, trên mảnh đất rộng gần 2 sào ở vị trí thoáng, đẹp trong thôn Plei Klăch, trong khu vườn rợp mát bởi nhiều loại cây, cùng với những cồng, chiêng treo khắp từ trong nhà sàn ra đến vườn. Gia chủ cũng bài trí những vật dụng đặc trưng đời sống sản xuất, văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na một cách ấn tượng như cây nêu, rìu, rựa, dao; đàn tơ rưng, sáo, trống...
Thỉnh thoảng, ngôi nhà sàn ấm áp của ông A Biu lại được du khách gần xa tìm đến. Khách vừa bước xuống xe, đã được hòa mình vào không gian âm nhạc tưng bừng, rộn rã của giai điệu chào khách và những nụ cười tươi rói của đội cồng chiêng gia đình... Khách cũng nhanh chóng được hỗ trợ “nhập vai” để trở thành thành viên trong ban nhạc đón khách một cách hào hứng và điệu nghệ. Sau bài hòa tấu chào đón, mọi người mới bắt đầu làm quen, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa dân gian, cồng chiêng và thưởng thức, giao lưu âm nhạc truyền thống, âm nhạc hiện đại với gia đình chủ nhân.
Trong dàn nhạc mà gia đình ông A Biu trình diễn, ngoài cồng chiêng, còn có trống Táp (loại trống nhỏ dùng tay vỗ hai đầu) có mặt trống da bò và nhạc cụ phụ họa như lắc tay, chập cheng... vô cùng độc đáo. Du khách rất dễ sử dụng để hòa âm vào nhịp điệu cồng chiêng thêm sinh động và vui nhộn. Nhà ông A Biu còn có những cây guitar và guitar điện. Ông, cô em gái và con cháu cùng đánh đàn, hát những bài tình ca bằng tiếng Ba Na, tiếng Việt, tiếng Pháp và cả những bản bolero lưu luyến, mượt mà…
Với ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông A Biu say sưa kể về cuộc đời với niềm đam mê âm nhạc và cồng chiêng. Ông tâm sự: Với ông - chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Chiêng ngày xưa có rất nhiều công dụng, nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay, để hồn chiêng còn sống mãi thì những thế hệ kế cận cũng phải đam mê chiêng, yêu chiêng và giữ chiêng như chính cha ông họ. Đây cũng là lý do mà ông A Biu đang cần mẫn truyền dạy cồng chiêng cho con cháu cũng như các học sinh. Ông thành lập được đội cồng chiêng - xoang cho lũ trẻ các trường tiểu học, trung học cơ sở ở xã Ngọc Bay, tham gia biểu diễn mừng năm mới và trong các dịp lễ, tết truyền thống của dân làng, hay các sự kiện của xã...
Để tiếng cồng, tiếng chiêng vang xa, gia đình ông A Biu còn như một bảo tàng cồng chiêng thu nhỏ, là nơi lan tỏa tình yêu và ý thức giữ gìn những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc ở Bắc Tây Nguyên đến du khách, qua những câu chuyện và số phận, giá trị của những bộ chiêng mà ông sưu tầm và giữ được. Ông cũng là cầu nối để tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu xoang, lời hát và những vật dụng truyền thống mà người đồng bào dân tộc Ba Na vẫn thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày gợi trí tò mò về cội nguồn, về truyền thống văn hóa đặc sắc không chỉ của riêng người Ba Na mà còn của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
NHẬT QUÂN