Luật Du lịch mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, với phạm vi bao quát hầu hết các đối tượng có liên quan như: khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; khu - điểm du lịch; cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; các dịch vụ du lịch khác; quỹ hỗ trợ phát triển du lịch v.v...
Luật Du lịch mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, với phạm vi bao quát hầu hết các đối tượng có liên quan như: khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; khu - điểm du lịch; cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; các dịch vụ du lịch khác; quỹ hỗ trợ phát triển du lịch v.v... Một trong những khía cạnh có liên quan tới lữ hành và hướng dẫn viên (HDV) du lịch đang được nhiều người trong ngành quan tâm.
|
Nụ cười hướng dẫn viên. Ảnh: M.Lân |
Góc nhìn lữ hành
Theo quy định mới của luật, doanh nghiệp (DN) lữ hành nội địa chỉ được hoạt động khi có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của địa phương cấp, trong đó có bổ sung một số yếu tố như: điều kiện hoạt động, thành phần hồ sơ, kí quỹ hoạt động tại ngân hàng, cấp chứng chỉ hoạt động...
Luật Du lịch 2018 điều chỉnh mức kí quỹ kinh doanh lữ hành được quy định như sau: kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (100.000.000), kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (250.000.000), kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài (500.000.000), kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài (500.000.000). Việc điều chỉnh này không nằm ngoài mục đích bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi có xảy ra rủi ro khi tham gia du lịch, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của DN trong quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh. Ông Phan Văn Chung - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thử Thách Việt bình luận: Những qui định có tính ràng buộc này là cần thiết nhằm gắn kết trách nhiệm của DN với du khách. Đặc biệt, việc chuyên môn hóa đối tượng HDV quốc tế, HDV nội địa và HDV tại điểm là điều cần hiện nay nhằm nâng cao tay nghề lẫn trách nhiệm hành nghề của từng đối tượng. Tuy nhiên, việc qui định người quản lý DN lữ hành quốc tế phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành trở lên, trường hợp tốt nghiệp các chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ quản lý lữ hành (khoản C điều 31 chương 5) là một khó khăn đối với nhiều người, vì đòi hỏi phải có thời gian để hoàn thiện dần. Luật có nêu vấn đề quản lý HDV du lịch theo hình thức câu lạc bộ trực thuộc hiệp hội trung ương - điều này đề nghị Hiệp hội du lịch địa phương cần phải nêu cao vai trò chức năng tác động của mình nhiều hơn nữa tới doanh nghiệp thành viên, như bồi dưỡng đào tạo cũng như quản lý nói chung. Khâu quản lý nhà nước phải tăng cường thanh tra chế tài xử phạt để tránh tái diễn những trường hợp vi phạm.
Ông Trần Duy Thắng - Giám đốc Công ty Thiên Nhân Travel tâm tư: Luật cần sớm có chế định đối với trường hợp đăng kí kinh doanh lữ hành nội địa nhưng lại đưa khách ra nước ngoài mà không bị xử phạt nghiêm minh. Mặt khác, khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp lữ hành hiện nay đó là việc đào tạo và sử dụng hướng dẫn viên quốc tế.
Góc nhìn hướng dẫn viên
Trong Luật Du lịch 2018, điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch được quy định chặt chẽ hơn vì ngoài việc có kí kết hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, HDV cũng có thể hành nghề hướng dẫn - nếu có hợp đồng lao động với DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch (như Câu lạc bộ HDV du lịch Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) chẳng hạn. Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của HDV du lịch quốc tế được điều chỉnh từ trình độ cử nhân thành trình độ cao đẳng nghề để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của khách du lịch, của người lao động và yêu cầu của công tác quản lý. Về thời hạn thay đổi thẻ hành nghề được kéo dài tới 5 năm tạo thuận lợi cho người làm HDV nói chung.
Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Trung tâm điều hành hướng dẫn viên du lịch Việt Nam - đơn vị trực thuộc Vietravel Vietnam (thành lập cuối 2017) đưa ra một số ý kiến rất xác đáng rằng: HDV du lịch vốn là ngành nghề hoạt động tự do, họ có thể làm việc cùng lúc cho nhiều công ty mà không bị ràng buộc, nhưng theo quy định mới họ buộc phải tuân thủ những cam kết hành nghề để giữ gìn hình ảnh của một đại diện thương hiệu, một đại sứ văn hóa đúng nghĩa khi tiếp xúc và phục vụ du khách nước ngoài. Sự lúng túng của họ khi vận hành quy định mới của Luật là điều hiển nhiên phải xảy ra. Ví dụ như HDV phải tham gia vào hiệp hội du lịch địa phương và ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, miền Trung, miền Tây Nam Bộ thực hiện khá tốt điều này. Tuy nhiên, điều họ lăn tăn khi tham gia các câu lạc bộ HDV du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đó là các khoản phí mà họ phải đóng thường khá nhiều nhưng được quản lý và chi tiêu như thế nào cho minh bạch nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ thì đang là mối quan tâm chung của khá nhiều người hiện nay. Nếu tham gia đăng kí hoạt động ở các chi hội tại địa phương với họ sẽ dễ dàng hơn khi nhận được sự quan tâm cụ thể hơn về nhiều phương diện, trong lúc đặc thù công việc buộc họ phải di chuyển nhiều nơi... Mặt khác, nếu HDV đã là nhân sự chính thức của một DN hay tổ chức có tư cách pháp nhân hợp lệ thì họ không nhất thiết phải tham gia quy định này để đủ điều kiện được đi tour. HDV có hai hướng lựa chọn: một là tham gia Chi hội HDV du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, hai là trở thành thành viên chính thức của một DN nào đó nhưng với điều kiện phải đóng thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các khoản phúc lợi khác. Trong trường hợp là người đại diện cho HDV, các công ty phải căn cứ trên mức lương tối thiểu để đóng 32% các khoản thuế phí có liên quan để giúp họ được hoạt động. Áp lực này buộc các DN thường không tuyển dụng nhân viên - HDV chính thức mà chỉ hợp đồng theo công việc trên tour hay theo từng đoàn khách nhất định nào đó mà thôi. Những DN lớn có HDV cơ hữu như Vietravel, Saigontouris, Benthanhtouris... thường không nhiều mà số lượng cũng không lớn, ví dụ Vietravel có 60 - 70 HDV cơ hữu được hưởng các chính sách và chế độ như nhân viên chính thức, họ không phải lo toan tới việc phải trích lương ra để đóng bảo hiểm. Nhưng với HDV dạng cộng tác thì đây là gánh nặng hàng tháng khi phải trích tiền lương ra để đóng bảo hiểm theo quy định, chưa kể thuế thu nhập cá nhân và một số khoản khác có liên quan... Các công ty thường kí hợp đồng với HDV không theo từng tháng mà theo từng đoàn khách phục vụ. Khó khăn chung này cần được kiến nghị lên trên để có cách tháo gỡ hợp tình hợp lý hơn trong thời gian tới. Yêu cầu HDV phải tuân thủ các quy định chung khi hành nghề là điều cần thiết tất yếu, song hiện tại cộng đồng HDV trong nước cũng đã hình thành nên những group, những fanpage, những trang kết nối giao dịch trên mạng với mức độ lan tỏa thông tin rất nhanh chóng và chặt chẽ. Chính vì vậy, khi tham gia tour họ ý thức rất rõ việc giữ gìn hình ảnh, thương hiệu cá nhân để đảm bảo uy tín và có được công ăn việc làm thường xuyên và ổn định từ các công ty du lịch lữ hành nói chung. Mối quan hệ tương tác hai chiều này buộc HDV và các công ty du lịch phải quan tâm tới việc làm tốt trách nhiệm của mình đối với khách, đồng nghĩa với duy trì mức độ công ăn việc làm thường xuyên. Trước đây việc đóng bảo hiểm xã hội có mức căn cứ khác so với hiện nay (kí hợp đồng lao động từ 6 tháng tới 1 năm không phải đóng bảo hiểm, nhưng hiện thời với hợp đồng lao động kí từ 1 tháng trở lên phải đóng thuế) điều bất cập này cũng gây khó khăn cho nhiều HDV và DN - giữa lúc nghề HDV rất cần tới sự linh hoạt trong việc nhận và bàn giao công việc. Còn việc ràng buộc HDV khi đi tour về mặt đạo đức, tư cách, trách nhiệm phục vụ hết mình với khách hiển nhiên đã nằm trong biên bản kí kết hợp đồng riêng với từng công ty. Hiếm có trường hợp HDV bị các công ty quay lưng, trừ khi họ vi phạm hợp đồng hoặc sai phạm với khách, bị khách khiếu nại than phiền…
Trao đổi tiếp xoay quanh những mối quan tâm này, ông Hoàng Ngọc Huy - chuyên viên du lịch thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng rất tán đồng quan điểm nói trên của bà Việt Hương. Đồng thời bình luận thêm: Chúng ta cần nhận diện lại cách nhìn đúng đắn về người làm HDV hiện nay. Có rất nhiều người tự nhận mình là HDV nhưng thực chất chỉ là người - dẫn - đường thuần túy mà thôi. Một HDV chuyên nghiệp thực thụ phải là người xây dựng cho riêng mình một thương hiệu cá nhân, giá trị hành nghề cá nhân và chính các công ty phải mời gọi họ về để phục vụ. Còn người dẫn đường thuần túy thì thường đứng ngoài sự chi phối quản lý chung của xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, họ thường chỉ biết tới quyền lợi cá nhân. So với nhiều DN khác trong lĩnh vực du lịch, DN lữ hành chịu sự chi phối của điều kiện kinh doanh đặc thù cũng như từng tour tuyến khai thác cụ thể nên trong cùng một lúc họ không thể kí quá nhiều hợp đồng với HDV cơ hữu được mà phải mời HDV cộng tác viên tham gia dẫn dắt tour. Các HDV theo diện cộng tác này cũng phải là người nắm rõ luật, có thẻ hành nghề hợp pháp, có lương tâm nghề và có trách nhiệm với công việc, đồng thời phải tuân thủ quy định về thời hạn cấp - đổi thẻ trong quá trình hoạt động nói chung.
Để luật đi vào đời sống
Luật Du lịch mới 2018 có nét ưu việt nổi bật đó chính là lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Chính vì vậy, để luật thực sự đi vào cuộc sống, ngoài biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tinh thần chung của luật trong phạm vi toàn xã hội (vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên ngành - liên vùng), chúng ta cần tạo ra các hành lang pháp lý có liên quan khác nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của các bên tham gia (từ du khách, người dân địa phương cho tới DN và người lao động trực tiếp đang làm việc trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ nói chung). Trên cơ sở trưng cầu các kiến nghị cụ thể xuất phát từ tình hình thực tế ở địa phương, Hiệp hội du lịch nói riêng - cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch nói chung cần có đề xuất để Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch v.v... có hướng giải quyết tháo gỡ phù hợp trong lúc chờ ban hành các văn bản dưới luât khác. Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cho nên tiến trình hiện thực hóa luật pháp hiện hành đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ hơn của mọi giai tầng trong toàn xã hội.
MINH LÂN