Nam Lâm Đồng gồm các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc, vùng đất có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khảo cổ, du lịch văn hóa kết hợp với nghiên cứu tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm...
Nam Lâm Đồng gồm các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc, vùng đất có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khảo cổ, du lịch văn hóa kết hợp với nghiên cứu tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm... Tuy nhiên, trên con đường khai thác những tiềm năng thành thế mạnh vốn có của vùng đất Nam Lâm Đồng còn đó không ít khó khăn.
|
Đồi trà Bảo Lộc để trải nghiệm cũng là lựa chọn của du khách. Ảnh: Mai Văn Bảo |
Theo ông Lê Đức Cương, chủ Khách sạn Tứ Hưng, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục Quốc lộ 20, cách TP Đà Lạt 110 km, TP Hồ Chí Minh 190 km, TP Vũng Tàu 200 km, TP Biên Hòa 150 km và TP Phan Thiết 120 km, là vùng chuyển tiếp giữa Đà Lạt và các huyện, thành phía Nam tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lộc hội tụ đủ điều kiện cho ngành công nghiệp dịch vụ - du lịch cất cánh. Thế nhưng, trên bản đồ du lịch của tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lộc vẫn chỉ là trạm dừng chân chứ chưa phải là điểm đến. “Tới đây, khi đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành, số lượng người lưu thông trên Quốc lộ 20 sẽ giảm, kéo theo số lượng du khách đến với Bảo Lộc giảm. Do đó, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Bảo Lộc cần sớm tính đến chuyện này để có phương án đầu tư phù hợp”, ông Cương cho biết.
Ông Giang Đức Thắng, Khách sạn Memories cho rằng: Những đồi trà ở Bảo Lộc và Bảo Lâm là những điểm thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí lý tưởng đối với du khách. Mà việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng công nhận Nông trường Tâm Châu là mô hình du lịch canh nông đầu tiên ở Bảo Lộc cho thấy sức hút ngày càng lớn của du lịch canh nông. Ngoài ra, ở Bảo Lộc, du khách còn có thể trải nghiệm vườn ổi (xã Đam B’ri), vườn bơ (xã Lộc Thanh)... Bên cạnh đó, những nhà máy ươm tơ dệt lụa, những nương dâu... cũng là những điểm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với Bảo Lộc. “Tuy nhiên, tự vấn đề lại đẻ ra vấn đề, chúng ta đang thiếu những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng kể, trong dịp Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng năm 2017, một số du khách liên hệ chỗ ông để đặt tour tham quan đồi trà. Sau đó, tour tham quan đồi trà bị hủy, chỉ vì các doanh nghiệp trồng và chế biến trà không hợp tác. “Ở đây, cần có vai trò của Nhà nước. Nếu để một mình doanh nghiệp làm thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thắng nói. Ông Lê Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Khu Du lịch thác Đam B’ri chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách trong 3 ngày 2 đêm. Còn như du khách có nhu cầu lưu trú lâu hơn thì quả thật chúng tôi không biết cho du khách chơi cái gì để giữ chân du khách”. Ông Giang Văn Nhi, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Nam Lâm Đồng nhìn nhận: Phần lớn những người làm du lịch ở Nam Lâm Đồng là những đơn vị kinh doanh nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế, chưa có chiến lược kinh doanh lâu dài. Vì vậy, Nhà nước cần tạo các hành lang pháp lý thuận lợi, cũng như cần có những cơ chế ưu đãi và các giải pháp hỗ trợ đối với những doanh nghiệp thật sự tâm huyết, có mục tiêu kinh doanh dịch vụ du lịch lâu dài.
Ông Nguyễn Đình Hoàn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Bảo Lộc, trao đổi: “Chi hội Du lịch Nam Lâm Đồng cần quan tâm hơn đến việc phát triển hội viên đa ngành nghề để tạo ra nhiều sự kết nối. Cùng với đó, Chi hội Du lịch Nam Lâm Đồng nên xây dựng, hình thành các tour, tuyến du lịch trong vùng nhằm đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch”.
Theo ông Phùng Quý Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng Đà Lạt, tiềm năng về du lịch của Nam Lâm Đồng là rất lớn, bao gồm các khu, điểm như: Khu di tích khảo cổ Cát Tiên (xã Quảng Ngãi), Khu ủy Khu VI (xã Đức Phổ và thị trấn Phước Cát) của huyện Cát Tiên; Khu Du lịch thác Bo Bla (xã Liên Đầm), Khu Du lịch Liêng Liang (xã Gung Ré), hồ Ka La và núi Brăh Yang (xã Bảo Thuận) của huyện Di Linh; Khu Du lịch rừng Madagui của huyện Đạ Huoai; Khu căn cứ kháng chiến Lộc Bắc - Lộc Bảo của huyện Bảo Lâm... Do vậy, sự liên kết giữa các điểm này cần được xác định như một định hướng chiến lược, để một mặt tạo ra sự đa dạng các loại hình và mặt khác tạo nên sự phong phú về sản phẩm du lịch.
Cũng theo ông Ngọc, mô hình homestay hiện đang trống ở vùng đất Nam Lâm Đồng. “Đây là mô hình nên đầu tư”, ông Ngọc nhấn mạnh.
|
Cần quan tâm đến lễ hội truyền thống của người bản địa để phát triển thành một loại hình du lịch độc đáo. Ảnh: T.Chu |
|
Du khách tham quan Khu di tích khảo cổ Cát Tiên cấp Quốc gia đặc biệt. Ảnh: T.Chu |
|
Căn nhà dài ở bon Bơ Đăng (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) cũng có thể khai thác du lịch. Ảnh: T.Chu |
TRỊNH CHU