Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé, lần đầu đi từ Vinh về Đô Lương (Nghệ An), qua đường 15 về quê thăm ông bà. Đó là con đường xộc xệch những dốc những đèo, vắng lặng. Hoa mua, hoa sim và cỏ lau tím hoang hoải ven đường...
Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé, lần đầu đi từ Vinh về Đô Lương (Nghệ An), qua đường 15 về quê thăm ông bà. Đó là con đường xộc xệch những dốc những đèo, vắng lặng. Hoa mua, hoa sim và cỏ lau tím hoang hoải ven đường. Thi thoảng gặp những người dân ống thấp ống cao vác cày đi theo con trâu, gặp những đứa nhỏ ngang tuổi mình cùng bà, cùng mẹ bưng rổ bán sim, táo, ổi... Và địa danh Truông Bồn lúc ấy, nơi 13 cô gái chàng trai TNXP nằm giữa vắng lặng thinh không...
|
Tổ quốc mãi mãi ghi công. Ảnh: V.T.H |
Truông Bồn xa ngái như chính tên gọi của mình. Ấn tượng về địa danh ấy trong tôi là những lưng đồi bạt ngàn hoa sim, hoa mua mọc lên trên những đất sỏi cằn cỗi. Bố vẫn dừng chân ngang đường, hái cho con gái những nắm sim tươi rói, còn phủ đầy lông tơ, và kể chuyện về những chàng trai cô gái đã hy sinh trong những trận bom cuối cùng của Mỹ đổ vào miền Bắc. Hoa mua, hoa sim vẫn thắm nhưng vẫn nhắc lòng người thấy chùng chình mênh mông, nơi niềm vui không có mặt.
Cách đó không xa, chỉ vài chục cây số là Ngã Ba Đồng Lộc, tượng đài cao luôn nghi ngút khói hương, luôn thoảng hương bồ kết, hương hoa của du khách thăm viếng gửi lại 10 cô gái đã hy sinh… Dẫu rằng mọi sự so sánh là khập khiễng và không thể nào đi so sánh về giá trị sau những hy sinh, nhưng người dân ở Truông Bồn hay bất cứ ai từng đến hai địa danh này đều không khỏi gợn lên những suy nghĩ ấy.
Những năm gần đây, con đường ngang Truông Bồn đã phẳng lì áo lụa, tượng đài uy nghi giữa xanh thẳm đại ngàn. Những hoa đại, hoa sim rung rinh rộn rã reo giữa những thông những tràm trong khu di tích. Lược gương, bồ kết tỏa hương dịu dàng dành cho những cô gái thanh xuân. Và câu thơ “Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp/Em không về vắng cuộc đưa dâu” của nhà thơ Trần Tuấn cứ vương cứ níu những nhớ thương trở nên gần gũi chi lạ.
* * *
Trong tiếng Nghệ, “Truông” là danh từ để chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5 km, nằm trên dãy núi Thung Nưa trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 - đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Truông Bồn bị ném bom ác liệt suốt nhiều năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những trận bom cuối cùng vào ngày 31/10/1968, trước khi Mỹ chấm dứt ném bom toàn miền Bắc Việt Nam. |
Người bạn miền Nam lần đầu về xứ Nghệ, đi những đảo chè Thanh Chương - khu du lịch sinh thái mới mở thu hút nhiều du khách, về thăm quê Bác, ngày kia biết đến Truông Bồn - địa danh chỉ cách những điểm đến kia 20, 30 cây số, không khỏi ngạc nhiên hỏi tôi: “H. ơi, sao một địa danh bi hùng đến thế mà tới giờ mình mới biết?”. Những chàng trai cô gái nằm lại Truông Bồn hay bất cứ địa danh bi hùng nào trên đất nước mình, chắc chẳng trách chi những sự vô tình không biết ấy. Mục đích sự hy sinh là để giữ màu xanh Tổ quốc chứ không phải để “nhớ mặt đặt tên”.
Bà cụ gặp đã lâu tôi không thể nhớ tên vẫn năm này qua năm khác, ngày này qua tháng nọ ra mộ đặt lên nhành hoa tươi, thắp hương chào những cô gái chàng trai “người quen” cũ. Đám cháu nhỏ theo chân bà, hồn nhiên nói cười bên những mộ chí, gần gũi như thể người trong nhà với người khuất mặt. Bà kể, ngày xưa còn sống, nhà bà ở “đằng nớ”, cách vài chục bước chân, các o vẫn ghé vô chơi khi rảnh rỗi. Các o đi sửa đường về đói bụng còn mở chạn (tủ bếp) lục xin cơm nguội ăn ngon lành. Giờ chỉ nhắm mắt nghĩ lại bà vẫn còn nhớ tiếng nói tiếng cười của các o. Và ai ngang qua khi nhìn hình ảnh bà cụ còng lưng đặt nhành hoa rừng, dăm ba trái cây vườn nhà vừa hái lên mộ những “o nớ, chú nớ” cũng thấy lòng mình ngân lên những giai điệu đầy ấm áp, yêu thương.
Truông Bồn khi xưa là con đường độc đạo huyết mạch, cũng là “túi bom” của giặc thù. Chỉ từ năm 1964 - 1968, Mỹ đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, Truông Bồn ghi lại nhiều chứng tích hào hùng, bất hủ và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân trong cuộc đấu tranh vệ quốc. Chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi vẫn khắc mãi những bi hùng ca về một thời hoa lửa. “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” - “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh hùng bám đất, bám cầu, bám đường đến giây phút cuối, hy sinh ở Truông Bồn thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. Đa số những cô gái chàng trai thanh xuân nằm lại giữa những mênh mông đồi hoa sim này đều đã nhận quyết định phục viên, họ làm nốt phần việc cuối cùng trước khi chuẩn bị về nhà đi học, đi làm, có người còn chuẩn bị đám cưới…
Truông Bồn hôm nay gắn với nhiều câu chuyện như là huyền thoại. Người ta vẫn kể có tiếng hát trong lành thanh xuân vang vọng giữa rừng sim sau nhiều năm bom đạn trút xuống. Những cô cậu học sinh vẫn thắp hương trước kì thi để thấy lòng mình tự tin hơn. Có cả những cặp đôi vào khu tưởng niệm chụp hình đám cưới… Cảm giác thiêng liêng vẫn neo giữ trong lòng người đi ngang qua những đèo những dốc núi Truông Bồn.
* * *
Mỗi khi về quê, tôi vẫn thường dừng lại thắp nén hương lên mộ những chàng trai cô gái đã sống mãi tuổi 18, 20 để làm nên một Truông Bồn như là huyền thoại ấy. Không cầu xin một điều gì, chỉ muốn nói với vong linh các anh chị rằng, cảm ơn người nằm xuống, để đất trời thêm xanh.
VÕ THU HƯƠNG