(LĐ online) - Tọa lạc bên bờ biển Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định), Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) là công trình do GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam sáng lập và xây dựng từ năm 2013. ICISE là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa thế hệ trẻ Việt Nam và các nước, đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
(LĐ online) - Tọa lạc bên bờ biển Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định), Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) là công trình do GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam sáng lập và xây dựng từ năm 2013. ICISE là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa thế hệ trẻ Việt Nam và các nước, đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Trên diện tích gần 20 ha nằm bên bờ biển dài 300 mét, công trình ICISE do kiến trúc sư Jean-Francois Milou và cộng sự thiết kế nằm ẩn mình giữa một rừng dừa, bên phải là vách núi, ở giữa là một dòng sông chảy quanh những ruộng lúa và các ao tôm. Với tỷ lệ xây dựng chỉ chiếm khoảng 7%, quỹ đất còn lại được sử dụng chủ yếu tạo cảnh quan và xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên giữa lòng thành phố Quy Nhơn. Công trình được Lễ hội Kiến trúc thế giới năm 2017 (World Architecture Festival 2017) đánh giá là một trong 16 công trình kiến trúc đẹp nhất dành cho khoa học và giáo dục trên thế giới.
Khởi công xây dựng ngày 18/12/2011 và được khánh thành giai đoạn I vào ngày 12/8/2013. Công trình bao gồm: không gian hội nghị với 01 hội trường lớn 350 chỗ ngồi, 01 phòng hội nghị 150 chỗ ngồi và 05 phòng 40 chỗ ngồi; không gian thư giãn gồm 01 cây cầu bắc qua sông, vườn dừa, bãi biển, sân thượng với góc nhìn toàn cảnh Trung tâm; khu văn phòng làm việc và trung tâm hội nghị trực tuyến…
Bốn mặt của toà nhà hội nghị đều có thể xem như là hướng chính, với những hàng cột bê tông thô trần, màu xám giống thân cây dừa, làm cho tòa nhà hòa vào với thiên nhiên rừng dừa xung quanh. Các bức tường đá bazan như những tấm gương mờ, phản chiếu lại khung cảnh thiên nhiên xung quanh, tạo cảm giác như chúng không tồn tại (ảo ảnh), làm cho cảnh vật trải dài liên tục.
Một yếu tố tạo nên nét đọc đáo của kiến trúc ICISE đó chính là rừng dừa, một nét đẹp rất riêng của một vùng đất yên bình, tươi mát. Con sông nhỏ uốn lượn trong khuôn viên ICISE rồi chảy ra biển lớn như một biểu tượng của Trung tâm, đưa khoa học Việt Nam hòa mình vào khoa học thế giới.
Hiện ICISE đang tiếp tục xây dựng các nhà suy ngẫm, vườn thực vật với các giống cây ăn quả Việt Nam, khu nhà khách chuyên gia… Và trong tương lai không xa, sẽ có một khu tổ hợp gồm nhà hàng, khách sạn… để tiếp đón các nhà khoa học trong thời gian diễn ra hội nghị.
Lâm Đồng Online xin giới thiệu cùng bạn đọc nét kiến trúc độc đáo của ICISE:
|
Toàn cảnh ICISE |
|
Thấp thoáng giữa rừng dừa |
|
Cây cầu bắc qua sông dẫn vào rừng dừa xanh mướt |
|
Những con đường quanh co dưới rừng dừa |
|
Những hàng cột thô ráp như thân cây dừa |
|
Những bức tường đá bazan như những tấm gương mờ |
Tứ Kiên