(LĐ online) - "Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng "Văn minh - Thân thiện - An toàn" là nội dung hội thảo cùng tên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thành phố Đà Lạt diễn ra vào sáng nay 20/7.
(LĐ online) - "Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng "Văn minh - Thân thiện - An toàn" là nội dung hội thảo cùng tên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thành phố Đà Lạt diễn ra vào sáng nay 20/7. Đây được xem là một trong những động thái tích cực nhằm tìm ra các giải pháp để phát huy những giá trị đặc sắc vốn có của người Đà Lạt trong thời điểm phát triển hiện nay. Ô
ng Trần Văn Hiệp - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bà Nguyễn Thị Nguyên - TUV, Giám đốc Sở VH-TT-DL và ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cùng chủ trì hội thảo.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh nạn kinh doanh du lịch chụp giựt đang diễn ra phổ biến, làm xói mòn truyền thống hiền hòa, thanh lịch, mến khách của người Đà Lạt. Ông Nguyễn Hữu Tranh, một trong những người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về Đà Lạt cho rằng, đây là hệ quả khó tránh của việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong khi thiếu những giải pháp nhằm giữ gìn bản sắc. Để cải thiện được tình hình hiện nay, phát huy được văn hóa ứng xử truyền thống của người Đà Lạt, cần bắt đầu từ các nhà trường: "Nhiều tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế xã hội đã dẫn đến một số người dân Đà Lạt thiếu ý thức, làm xói mòn phong cách người Đà Lạt, nếu không hiền hòa, thanh lịch, mến khách, chân thật thì ngành du lịch của Đà Lạt bị tai tiếng. Trong giai đoạn hiện nay, nhà trường cần dành vài tiết ngoại khóa để học sinh được nghe giảng về phong cách người Đà Lạt, học cách giao tiếp với du khách người nước ngoài. Nhân các buổi họp bà con tiểu thương, các tổ chức du lịch, người lái xe taxi, xe ôm thì lồng ghép để diễn giả nhắc nhở về phong cách người Đà Lạt, nhất là phong cách ứng xử với du khách"
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để có thể đề ra được giải pháp tuyên truyền, giáo dục từ cấp độ gia đình, trường học đến các môi trường tương tác xã hội khác, cần phải xác lập rõ nội hàm của đặc tính phong cách cụ thể của người Đà Lạt. Cùng với đó, chính quyền địa phương phải có chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các giá trị phong cách vào lĩnh vực phát triển kinh tế văn hóa, nhất là môi trường thực hành du lịch...
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng: Các nội dung được nêu ra tại hội thảo là nền tảng quan trọng để ngành du lịch và chính quyền tỉnh Lâm Đồng sớm hoàn thiện các nội dung và giải pháp, triển khai có hiệu quả việc phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng "Văn minh - Thân thiện - An toàn như chủ đề hội thảo đã đặt ra.
Từ hội thảo này đúc kết được những giải pháp có tính khả thi, như về công tác tuyên truyền, vận động như thế nào để nâng cao nhận thức trong toàn dân, làm sao để chúng ta tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cố gắng xây dựng được hình ảnh và giữ được nét đẹp của người Đà Lạt theo hướng thân thiện, hiền hòa, mến khách. Đồng thời, ngành du lịch cũng cam kết sẽ có những biện pháp, những chương trình kết hợp tốt với thành phố Đà Lạt trong triển khai, vận động cộng đồng dân cư để cùng với các cấp, các ngành triển khai tốt về ứng xử văn minh du lịch, xây dựng hình ảnh Đà Lạt ngày càng đẹp hơn.
Diễm Thương