Lâu nay, nạn "cò" đặc sản Đà Lạt quấy nhiễu du khách đã ít nhiều làm xấu hình ảnh du lịch của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Để triệt phá, hạn chế tối đa loại "cò" đặc sản, thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã mở nhiều đợt ra quân chấn chỉnh, lập lại an ninh - trật tự, khôi phục uy tín thương hiệu du lịch Đà Lạt trong mắt du khách.
Lâu nay, nạn “cò” đặc sản Đà Lạt quấy nhiễu du khách đã ít nhiều làm xấu hình ảnh du lịch của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Để triệt phá, hạn chế tối đa loại “cò” đặc sản, thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã mở nhiều đợt ra quân chấn chỉnh, lập lại an ninh - trật tự, khôi phục uy tín thương hiệu du lịch Đà Lạt trong mắt du khách.
|
78 xe gắn máy của “cò” đặc sản bị Công an TP Đà Lạt đang tạm giữ. Ảnh: C.T |
Công khai cơ sở vi phạm
Động thái mới nhất cho thấy thành phố Đà Lạt mạnh tay dẹp “cò” đặc sản là việc lần đầu tiên Công an thành phố Đà Lạt quyết định công khai 7 cơ sở bán hàng đặc sản từng nhiều lần thuê “cò” chèo kéo, ép buộc du khách mua hàng lên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Sáng ngày 4/7, trung tá Đỗ Việt Hùng, Trưởng Đội xây dựng Phong trào và Quản lý Bảo vệ Dân phòng, Công an xã - Công an thành phố Đà Lạt thông tin, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt, Công an thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đội nghiệp vụ đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên, đặc biệt trong dịp cao điểm du lịch hè 2018.
7 cơ sở kinh doanh hàng đặc sản vi phạm nhiều lần
Theo Công an thành phố Đà Lạt, 7 cơ sở kinh doanh mứt, các loại nông sản Đà Lạt vi phạm thuê “cò” tiếp thị, chèo kéo khách du lịch nhiều lần, gồm: cơ sở Tấn Phát (437, đường Nguyên Tử Lực, P.8; cơ sở Trung Thành (426 Nguyên Tử Lực, P.8); cơ sở Dâu Rừng (423 Nguyên Tử Lực, P.8); cơ sở Quỳnh My (82, đường Mai Anh Đào, P.8); cơ sở Bảo Uyên (82 Mai Anh Đào, P.8); cơ sở Bảo Nghi (270 Phù Đổng Thiên Vương, P.8); cơ sở Bảo Khanh (190, Phù Đổng Thiên Vương). Trong số 7 cơ sở trên, có nhiều cơ sở bị xử phạt hành chính tới 12 lần (cơ sở Tấn Phát) và nhiều cơ sở vừa nhiều lần thuê “cò” tiếp thị chèo kéo khách vừa kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
|
“Một trong số biện pháp mạnh của Công an thành phố Đà Lạt là lập các tổ chốt trực liên tục tuần tra khu vực các “cò” đặc sản tụ tập chèo kéo du khách. Thứ 2 là lần đầu tiên đơn vị cho công khai địa chỉ, chủ cơ sở kinh doanh nhiều lần vi phạm bị xử lý hành chính liên quan tới việc thuê “cò” tiếp thị, chèo kéo du khách và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” - ông Hùng nói và cho biết thêm với các biện pháp nêu trên, đơn vị tin tưởng sẽ kéo giảm tối đa các hành vi vi phạm liên quan tới vấn nạn nêu trên.
Trong sáng cùng ngày, ghi nhận của chúng tôi tại các điểm “nóng” mà cò đặc sản lộng hành thời gian qua tại thành phố Đà Lạt, như: khu vực đường Nguyên Tử Lực, Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Khu Du lịch (KDL) Thung lũng Tình Yêu, Vườn hoa thành phố Đà Lạt... tình trạng cò mồi tiếp thị du khách mua đặc sản đã tạm lắng. Tuy nhiên, tại khu vực đường Mai Anh Đào nối đường Phù Đổng Thiên Vương (Phường 8), chúng tôi vẫn bắt gặp một số “cò” chạy xe máy áp sát một số du khách để đưa bưu thiếp.
Theo Đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an thành phố Đà Lạt, số lượng “cò” đi xe máy rà theo du khách chèo kéo đã giảm rõ rệt so với thời gian trước đó. Trong đó có một số “cò” hoạt động di động, manh mún, các trinh sát không thể đeo bám, xử lý hết nhưng nhìn chung, nhóm “cò” hoạt động lâu nay không còn dám tụ tập, chèo kéo khách công khai. Để có được kết quả như trên, Công an thành phố Đà Lạt đã lập hai tổ túc trực (5 người 1 tổ) gồm các trinh sát hình sự mặc thường phục, chiến sỹ Đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, kết hợp với lực lượng CSGT thành phố liên tục túc trực, rà soát xử lý các đối tượng tại các KDL thường xuyên, liên tục vào những giờ cao điểm.
Số liệu mới nhất từ Đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ cung cấp, từ cuối năm 2017 tới nay, Công an thành phố đã xử lý 89 đối tượng “cò” đặc sản, tạm giữ 78 xe gắn máy, xử phạt hành chính trên 108 triệu đồng; xử lý 42 cơ sở kinh doanh đặc sản Đà Lạt có hành vi thuê “cò”, phạt hành chính và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với trị giá trên 200 triệu đồng.
Lợi nhuận “30%”
Trung tá Phạm Văn Huấn, Phó Trưởng đội Đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an thành phố Đà Lạt, người trực tiếp xử lý nhiều cơ sở kinh doanh, “cò” đặc sản Đà Lạt thời gian qua cho biết, lợi nhuận “khủng” chính là yếu tố khiến vấn nạn “cò” đặc sản diễn biến phức tạp thời gian qua.
Quá trình triệu tập, lấy lời khai các đối tượng cho biết thường được các chủ cơ sở kinh doanh chia hoa hồng từ 20 tới 30% trên hóa đơn du khách mua hàng đặc sản Đà Lạt. Lợi nhuận quá cao chính là một trong những yếu tố chính khiến nạn “cò” đặc sản chưa thể triệt phá triệt để.
Theo ông Huấn, các điểm kinh doanh các mặt hàng đặc sản thường đẩy giá lên cao so với giá trị thực sản phẩm để kiếm lãi và có chi phí chi trả hoa hồng cao cho “cò” hay tài xế, hướng dẫn viên xe khách... dẫn khách vào cơ sở mua hàng. Ngoài hoa hồng, các chủ cơ sở kinh doanh đặc sản còn nuôi ăn uống hằng ngày nên các “cò” chỉ cần chèo kéo khoảng 10 khách vào cửa hàng là có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
“Nhiều lần các trinh sát Công an thành phố bắt quả tang “cò” chèo kéo thì họ bỏ lại xe gắn máy tháo chạy. Nhiều đối tượng bị giữ xe, xử phạt hành chính 2 tới 3 triệu đồng nhưng lợi nhuận làm “cò” cao nên lại tiếp tục vi phạm. Trong hầu hết 78 xe gắn máy “cò” sử dụng Công an thành phố tạm giữ, các đối tượng gần như không tới nộp phạt, chấp nhận bỏ luôn xe” - ông Huấn thông tin về khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng.
“Ngoài “cò” đặc sản, chúng tôi muốn nhấn mạnh nhiều tài xế, hướng dẫn viên các tua du lịch khi lên Đà Lạt trên thực tế đều nhận phần trăm hoa hồng khá cao khi khách mua hàng đặc sản ở các cơ sở. Thậm chí các tài xế, hướng dẫn viên chỉ cần dẫn khách tới, chủ cơ sở sẽ chi ít nhất 500.000 đồng mỗi người. Trong khi đó, với những giao dịch chi hoa hồng dẫn khách ngầm như trên chúng tôi gần như không có cơ sở để xử lý, du khách vẫn là người chịu thiệt thòi nhất” - ông Huấn nhấn mạnh.
|
Sáng ngày 4/7, chúng tôi ghi nhận các “cò” đặc sản vẫn hoạt động, chèo kéo du khách rải rác trên đường Mai Anh Đào và Phù Đổng Thiên Vương. Ảnh: C.T |
|
2 trong 7 cơ sở kinh doanh hàng đặc sản vi phạm nhiều lần. Ảnh: C.T |
C.THÀNH