"Hàng hóa bán cho khách nước ngoài phải là sản phẩm hiếm, độc đáo, "tinh", gọn nhẹ, mang tính truyền thống và có giá trị sử dụng".
[links()]
“Hàng hóa bán cho khách nước ngoài phải là sản phẩm hiếm, độc đáo, “tinh”, gọn nhẹ, mang tính truyền thống và có giá trị sử dụng”.
|
Nhãn hàng K’Ho Coffee được du khách quốc tế ưa chuộng, nhưng đang gặp vấn đề về hàng nhái và thương hiệu độc quyền. Ảnh: N.Quân |
Cơ sở pháp lý cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa thông qua du lịch
Ý kiến trên là lời đúc kết của ông Phạm Văn Cường - Chủ cơ sở Cường Hoàn Silk (Nam Ban - Lâm Hà). Ông cũng giải thích thêm rằng, những sản phẩm du khách quốc tế lựa chọn theo các tiêu chí trên để không ảnh hưởng đến quy định hàng cấm và cân nặng hàng hóa của họ khi đi qua cửa khẩu hay sân bay. Đồng thời, phải là sản phẩm được trau chuốt kỹ lưỡng, đạt đến độ tinh xảo; không phải là hàng hóa được bày bán tràn lan, là các sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo và có thể dùng hằng ngày hay trưng bày.
Nhưng, các loại hàng hóa như vậy ở Việt Nam không nhiều. Rất nhiều hàng hóa, sản phẩm bày bán ở các cửa hàng đặc sản, quầy hàng lưu niệm, nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc gắn nhãn hàng địa phương. Chẳng hạn, nhãn hàng tơ lụa Khaisilk nổi tiếng của Việt Nam đã sụp đổ gần một năm trước vì bị người tiêu dùng phát hiện đã sử dụng nhãn mác gắn trên sản phẩm có xuất xứ không phải của Việt Nam. Hoặc ngay tại các quầy hàng đặc sản gắn mác Đà Lạt không phải của Đà Lạt...
Với những hàng hóa đã có tên tuổi và uy tín thì phải đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu, hoặc hàng giả, hàng nhái đã từng xảy ra đối với Vinataba, Võng xếp Duy Lợi hay Cà phê Buôn Ma Thuột... Còn ở Lâm Đồng, nhãn hàng K’Ho Coffee ở buôn B’Nơ C (huyện Lạc Dương) thường được khách du lịch ngoại quốc ghé thăm và uống cà phê. Đây là doanh nghiệp sản xuất cà phê với tiêu chí tuyển chọn từng hạt chất lượng, canh tác sạch, thu hái ở thời điểm thích hợp nhất để có “độ” cà phê tốt nhất; cà phê hạt mang ra nước ngoài chấm điểm... Nhưng, như bà Rolan Colieng - chủ nhãn hàng cho biết, “khách chủ yếu tới check in, chớ rất hiếm khi có người mua cà phê bột mang về”.
Nhãn hàng K’Ho Coffee cũng lận đận mấy năm nay để làm hồ sơ bảo hộ thương hiệu, vì liên tục bị nhái hàng và phải chịu sự phàn nàn không ít về chất lượng cà phê. Nhưng, chỉ những người nào trực tiếp đặt nghi vấn, được chủ nhãn hàng phân tích, giải thích và hướng dẫn cách nhận biết thương hiệu và các chỉ dẫn địa lý... thì mới vỡ lẽ là họ đã dùng hàng nhái...
Hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam không có quy định cụ thể nào về xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch tại Việt Nam, mà chỉ có các quy định xuất, nhập khẩu hàng hóa tại chỗ giữa các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất. Vào năm 2007, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Chính sách khuyến khích xuất khẩu tại chỗ qua du lịch”, nhưng chỉ dừng ở mức trao đổi về hệ thống pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Cũng có một vài đề tài cấp vụ viện, bộ nghiên cứu về xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, nhưng, chưa có số liệu thuyết phục riêng cho các thống kê về xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch; hay các phân tích từ việc ghi nhận, đánh giá từ các mô hình du lịch có xuất khẩu hàng hóa tại chỗ. Ngay cả những ghi nhận về kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch của nước ngoài cũng chỉ là những vấn đề liên quan thu hút khách du lịch, quảng bá sản phẩm, liên kết tour tuyến, bán hàng miễn thuế...
Giải pháp nào thì phù hợp?
Nhiều người Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore..., thậm chí là Thái Lan, Trung Quốc... khi ra đến sân bay chuẩn bị về nước đã mong còn nhiều tiền hơn trong người “vì mua hàng miễn thuế ở sân bay “đã” lắm”. Trong khi các số liệu thống kê của Việt Nam lại đưa ra nhận định “Khách du lịch đến Việt Nam chưa tiêu hết số tiền họ mang theo và có nhu cầu chi dùng”.
|
Đà Lạt là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Ảnh: P.Nhân |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 8 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu là đi đường hàng không (gần 6,4 triệu), nhiều nhất là khách Trung Quốc (hơn 2,5 triệu), Hàn Quốc (1,7 triệu), khách châu Âu (hơn 1 triệu). Tổng mức thu từ bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay, ước đạt 2,120 triệu tỷ đồng, tăng 10,7%; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính 19,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 19,5%.
Như vậy, dù lượng khách đến Việt Nam tăng cao, nhưng mức tăng của doanh thu dịch vụ du lịch lại không cao. Giải pháp chung cho tăng thu dịch vụ du lịch là làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt hơn về du lịch Việt Nam. Khi đó mới thúc đẩy mức tăng chi tiêu cho mua hàng tại chỗ. Số liệu của Cục Thống kê Lâm Đồng cho biết, mức chi tiêu của du khách khác nhau, như thương gia chi tiêu khoảng 117 USD, nhân viên 114 USD, sinh viên 73 USD và lụa tơ tằm được đánh giá là sản phẩm xuất khẩu tốt nhất, ngoài ra, còn có tranh thêu tay, cưa lọng...
Hình thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ nói chung được nhận định là phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Showroom xuất khẩu (Saigon Expo) ở TP Hồ Chí Minh hoạt động từ tháng 7/2015, với các nhóm hàng: lương thực - thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, nước giải khát - bánh kẹo, may mặc, trà - cà phê, nước chấm - gia vị... là nơi có nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu sản phẩm; trong đó có đại diện của các tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam, các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước... Đây được xem là nơi tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng để quảng bá, xúc tiến giao thương...
Khi mà du lịch được xác định là ngành công nghiệp không khói mũi nhọn và lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, thì các món hàng đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng miễn thuế... tại nơi khách đến tham quan, làng nghề, trạm dừng chân, sân bay... sẽ là các món hàng thu hút khách. Vì vậy, ngoài các giải pháp khuyến khích, kích cầu và phát triển du lịch, cần có thêm các giải pháp hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch, như chính sách của nhà nước về hoàn thuế GTGT cho du khách nước ngoài tại Việt Nam, chính sách hải quan quy định rõ ràng những món hàng không được mang ra khỏi Việt Nam.
Ngoài ra, còn cần có các chính sách khuyến khích làng nghề phát triển, chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ du khách quốc tế, chính sách khuyến khích nghiên cứu sản phẩm mới... Các nội dung về quy hoạch xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông cũng là giải pháp cần thiết để kích cầu du lịch và bán hàng cho khách du lịch... Như thế, mới có cơ sở thực tiễn để xác định khung pháp lý và giải pháp cho xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch, để kích cầu du khách quốc tế mua hàng hóa, thu ngoại tệ và thúc đẩy doanh nghiệp địa phương phát triển...
NHẬT QUÂN