Cùng với sự gia tăng của lượng khách du lịch, xã hội cũng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong cộng đồng dân cư đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, dịch vụ, hay liên kết để tạo nên chuỗi sản phẩm hàng hóa, làm tăng giá trị của thương hiệu địa phương, cũng như kích thích sự tiêu dùng của du khách...
[links()]
Cùng với sự gia tăng của lượng khách du lịch, xã hội cũng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong cộng đồng dân cư đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, dịch vụ, hay liên kết để tạo nên chuỗi sản phẩm hàng hóa, làm tăng giá trị của thương hiệu địa phương, cũng như kích thích sự tiêu dùng của du khách...
|
Du khách ngoại quốc chăm chú tìm hiểu quá trình tạo nên những sợi tơ từ con nhộng tằm ở điểm du lịch Cường Hoàn Silk. Ảnh: N.Q |
Lợi ích của việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ
Xuất khẩu hàng hóa là hoạt động đưa hàng hóa hoặc dịch vụ ra nước ngoài dựa vào lợi thế so sánh của quốc gia, thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyên môn hóa, giảm chi phí, thu ngoại tệ… Xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thì người bán không phải làm thủ tục hải quan, không phải thuê vận chuyển, không phải mua bảo hiểm và thu về ngoại tệ mà không phải vượt qua biên giới; người mua tự tìm đến nhờ tìm hiểu trước, hoặc ngẫu hứng trên đường du lịch, do thích mua mang về nước hoặc có nhu cầu để dùng ngay.
Như vậy, du khách nước ngoài chính là đối tượng chủ yếu của hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại chỗ bằng việc mua hàng đặc sản, hoặc hàng thủ công mỹ nghệ ở những nơi họ đi qua, hoặc hàng miễn thuế tại cửa khẩu, sân bay... Hoạt động mua sắm, tiêu dùng trong du lịch kích thích sự phát triển và lưu thông một số loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng mang tính truyền thống, vì có những đặc trưng khác biệt. Do đó, việc xuất khẩu hàng hóa tại chỗ còn góp phần quảng bá sản phẩm, quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương ra nước ngoài, thông qua các sản phẩm, hàng hóa được du khách lựa chọn.
Theo khảo sát của ngành Du lịch, mức chi tiêu bình quân của du khách đến Lâm Đồng đã tăng khoảng 2-3 lần so với 10 năm trước, từ khoảng 600 ngàn đồng (năm 2007) đến nay là 1,8 triệu đồng/tour, trong đó, chi cho mua sắm và vui chơi giải trí chỉ chiếm dưới 30%; chi cho lưu trú, ăn uống và tham quan, vận chuyển gần 80%. Cũng theo ghi nhận của ngành Du lịch Lâm Đồng, du khách nữ theo tour mua sắm nhiều hơn; du khách nam thường mua sắm khi đi công tác... Còn theo điều tra của ngành Thống kê, đối tượng chi tiêu cao nhất là khách đi thăm họ hàng, bạn bè; rồi đến khách đi dự hội nghị, hội thảo và thấp nhất là người đi chữa bệnh, hội hè hoặc sinh viên...
Các mô hình tiêu thụ hàng hóa qua du lịch
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hường - Sở Công thương Lâm Đồng, dịch vụ bán lẻ là một phần quan trọng và không thể tách rời với dịch vụ du lịch. Những cửa hàng bán lẻ có thương hiệu, quầy đặc sản, cơ sở sản xuất; hoặc, các quầy bán hàng, showroom tại các trạm dừng chân, chợ, siêu thị hay sân bay cũng là điểm đến thu hút du khách mua sắm và trải nghiệm văn hóa địa phương, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội.
Lâm Đồng cùng với sự phát triển của du lịch và sự gia tăng lượng khách du lịch, cũng ngày càng có nhiều cửa hàng bán lẻ và nhiều hình thức bán lẻ được hình thành đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó, hầu như tất cả các điểm du lịch ở Lâm Đồng đều có các quầy hàng bán đặc sản, với đặc điểm là người bán không phải người sản xuất và hàng hóa từ nhiều nguồn, xuất xứ khác nhau, nên người bán không tạo được thương hiệu riêng cho mình.
Cũng là cửa hàng bán lẻ, nhưng có sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu, tọa lạc ở vị trí đắc địa, như các cửa hàng: L’ang Farm, Ngọc Duy...; trong đó, người sản xuất và người bán lẻ khác nhau, nhưng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, có sự liên kết tạo nên nhãn hàng, với bao bì, thời hạn sử dụng, hóa đơn, có khu vực thưởng thức trải nghiệm sản phẩm tại chỗ...
Nhưng mô hình tạo nên sự tin cậy và thích thú của du khách hơn cả, có lẽ là các điểm bán hàng ngay tại cơ sở sản xuất. Khách du lịch vừa đến tham quan vừa tìm hiểu quy trình sản xuất và trực tiếp thưởng thức sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Mô hình này khá phổ biến ở Lâm Đồng, với các nhãn hàng như: Cường Hoàn Silk, Trà Long Đỉnh, Cầu Đất Farm, Cà phê Là Việt, XQ Sử quán...
Tạo ra sản phẩm du lịch được nhận định là rất dễ. Nhưng, để duy trì và được khách hàng quan tâm lâu dài mới là vấn đề then chốt. Bất kể mô hình du lịch nào, sản phẩm phải tinh, dịch vụ phải chất lượng, hàng hóa phải độc đáo mới được du khách ưa chuộng. Du khách có mua hay tiêu dùng nhiều thì mới tạo ra sự phát triển nhất định cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Cơ chế nào xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch?
Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Tơ - Lụa & dịch vụ du lịch Cường Hoàn (Cường Hoàn Silk), ở thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà), được phát triển thành doanh nghiệp từ một cơ sở nhỏ, có quy mô gia đình, chuyên thu mua kén của bà con nông dân và chế biến tơ lụa từ năm 1990. Doanh nghiệp có quy trình sản xuất khép kín từ khâu ươm tơ, dệt lụa, tẩy nhuộm màu, may, thêu tranh lụa. Là doanh nghiệp sản xuất ngành nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam, với các sản phẩm: tơ các loại, lụa tơ tằm, quần áo và các thành phẩm từ lụa, tranh thêu tay..., mỗi năm, Cường Hoàn Silk đón khoảng 30.000 - 40.000 lượt khách quốc tế và khách trong nước đến thăm, trong đó, có khoảng 70% là khách quốc tế, nhưng, chưa tới 5% lượng khách đến tham quan có mua sắm tại chỗ.
Ông Phạm Văn Cường, Chủ Doanh nghiệp Cường Hoàn Silk cho biết, điểm đến Cường Hoàn Silk rất được du khách ngoại quốc ưa chuộng, vì mô hình ươm tơ - dệt lụa không có ở các nước phương Tây và rất hiếm ở châu Á. Nhưng, cơ sở của Cường Hoàn Silk chỉ có 2.000 m
2, bao gồm cả một dây chuyền khép kín từ đầu đến cuối để tạo ra sản phẩm có thể sử dụng luôn (là khăn hay quần áo bằng tơ lụa), không thể mở rộng hơn và ở địa thế khá xa trung tâm du lịch...
Ông Cường cho rằng, nếu có thể phát triển theo hướng xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch, riêng đối với ngành dâu tằm tơ, sẽ tạo động lực để giá kén ổn định, tạo thu nhập tốt cho người trồng dâu, nuôi tằm; giữ được nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống và phát triển được du lịch. Tuy nhiên, cần có sự quan tâm sát sao của chính quyền, sự hỗ trợ của các sở, ngành chủ quản như: Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Công thương, Nông nghiệp... hiệu quả mang lại sẽ rất cao.
NHẬT QUÂN