Ý tưởng mở thú vị (Kỳ 1)

09:07, 12/07/2018

Thay vì xuất khẩu ra nước ngoài, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sẽ xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua việc khách nước ngoài đi du lịch, dựa trên nguyên lý về nhu cầu mua sắm là hoạt động tự nhiên. Cùng với thương hiệu du lịch, Ðà Lạt - Lâm Ðồng có thể thực hiện xuất khẩu hàng hóa tại chỗ một cách rộng rãi và thu ngoại tệ nhờ vào việc nâng tầm các sản vật địa phương.

[links()] Thay vì xuất khẩu ra nước ngoài, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sẽ xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua việc khách nước ngoài đi du lịch, dựa trên nguyên lý về nhu cầu mua sắm là hoạt động tự nhiên. Cùng với thương hiệu du lịch, Ðà Lạt - Lâm Ðồng có thể thực hiện xuất khẩu hàng hóa tại chỗ một cách rộng rãi và thu ngoại tệ nhờ vào việc nâng tầm các sản vật địa phương.
 
Mua sắm hàng hóa là nhu cầu tự nhiên của du khách, đặc biệt, ai cũng muốn có một món hàng lưu niệm. Ảnh: N.Q
Mua sắm hàng hóa là nhu cầu tự nhiên của du khách, đặc biệt, ai cũng muốn có một món hàng lưu niệm.
Ảnh: N.Q

Thuật ngữ “lạ”
 
Xuất khẩu hàng hóa tại chỗ - nghe có vẻ hàn lâm, nhưng thực ra là hoạt động tiêu dùng vẫn diễn ra hằng ngày của du khách khi đi du lịch, thăm thú thắng cảnh, vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực. Đó là việc mua đồ ăn, thức uống, hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gốm sứ, tranh nghệ thuật, quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, hoa quả... để sử dụng tại chỗ hoặc mang về nước...
 
Các sản phẩm được ưu chuộng nhất để họ mang về sau chuyến du lịch tại Việt Nam thường là những sản phẩm khác lạ, có tính lưu niệm, hoặc có giá trị sử dụng, không phân biệt là nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ, dễ kiểm duyệt hải quan tại sân bay, như: lụa tơ tằm, thổ cẩm, gốm sứ, đồ giả cổ, tranh tượng nghệ thuật, áo dài, ví…
 
Vì vậy, thuật ngữ “xuất khẩu hàng hóa tại chỗ” nghe thì lạ, nhưng là hoạt động song hành với ngành du lịch, diễn ra hằng ngày ở các cửa hàng lưu niệm, cơ sở dịch vụ du lịch, các quầy đặc sản, các khách sạn, khu - điểm du lịch, trung tâm vui chơi giải trí...
 
Tiềm năng và lợi thế của Ðà Lạt - Lâm Ðồng
 
Tiềm năng du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng thì không cần bàn cãi. Và đi cùng với tiềm năng ấy là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, với nhiều sản vật độc đáo và hàng hóa có giá trị sử dụng cao, như: chè, cà phê, ca cao, mắc ca, rau củ sấy, mứt trái cây, lụa tơ tằm, tranh thêu, tranh gỗ, hoa tươi sấy khô, khăn thổ cẩm... Các sản vật, hàng hóa này vừa có thể được sử dụng hằng ngày, vừa có sự độc đáo khác biệt.
 
Lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng tăng, với khoảng 10% là khách quốc tế. Theo thống kê của ngành du lịch, từ năm 2011-2016, lượng khách đến Lâm Đồng tăng trưởng từ 9-10%/năm. Riêng năm 2017, Lâm Đồng đón và phục vụ 5,9 triệu lượt khách, với khoảng 4 triệu lượt khách qua lưu trú, trong đó có khoảng 400 ngàn lượt khách quốc tế, với số ngày lưu trú bình quân là 2,1 ngày, đem lại tổng doanh thu về dịch vụ du lịch hơn 10 ngàn tỷ đồng.
 
Dù hạn chế về giao thông khi không có đường xe lửa và đường thủy, nhưng Lâm Đồng đang phát triển mạnh về hàng không, với Sân bay Liên Khương đạt chuẩn ICAO (chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), mỗi ngày khai thác từ 28-30 chuyến bay đi các trung tâm lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng; quốc tế: Vũ Hán (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và đã thử nghiệm một số tuyến bay charter từ Singapore và Hàn Quốc.
 
Đường bộ cũng đang được xúc tiến để hoàn thiện cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt; ngoài ra, các quốc lộ 20, 28, 27, 55 thường xuyên được duy tu, nâng cấp, nối Lâm Đồng với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ... tạo điều kiện để phát triển liên kết tour tuyến du lịch với các vùng miền khắp cả nước. Lâm Đồng cũng có hạ tầng du lịch ngày một phát triển và hiện đại, với trên 1.350 cơ sở lưu trú, gồm 20.220 phòng; 63 doanh nghiệp lữ hành vận chuyển du lịch, hơn 60 điểm tham quan du lịch miễn phí.
 
Nhiều sản phẩm có nguồn gốc Lâm Đồng mang đặc trưng riêng và đã xây dựng được thương hiệu, như Chè Cầu Đất, Chuối Laba, Dứa Cayene, Tợ lụa Bảo Lộc...; được canh tác trên diện tích gần 52 ngàn ha ứng dụng công nghệ cao, chiếm 18,57% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở cho loại hình du lịch canh nông phát triển (rau, hoa, trà, rượu, atiso, ươm tơ - dệt lụa...).

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Huy - Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Ðồng:
 
Nếu thiên nhiên và khí hậu là 2 yếu tố tạo nên sự lãng mạn cho Đà Lạt để thu hút và níu chân khách du lịch; thì các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề song hành trong các loại hình du lịch đặc trưng là du lịch canh nông, du lịch mạo hiểm, bên cạnh các tiềm năng du lịch khác về di sản, lễ hội và tham quan, nghỉ dưỡng, chính là dư âm, là kỷ vật để du khách hoài niệm mãi về Đà Lạt. Vì vậy, chúng tôi luôn yêu cầu và tạo điều kiện để các đơn vị dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hàng, hình thành cơ chế giá để kích cầu du khách...
 
Ông Nguyễn Tấn Châu - Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Ðồng:
 
Lâm Đồng là một trong 15 tỉnh có điều tra về chi tiêu của khách quốc tế, mỗi 2 năm/lần. Qua điều tra khoảng 700 du khách quốc tế đến Việt Nam, nhận thấy, du khách thường bỏ ra một khoản tiền để chi tiêu chuẩn bị cho chuyến du lịch và chi tiêu trong suốt chuyến du lịch. Khoảng 10 năm gần đây, cùng với việc tăng trưởng lượng khách, thì số ngày lưu trú bình quân cũng tăng lên cùng với mức chi tiêu, bao gồm: lưu trú, ăn uống, đi lại, vui chơi. Nhưng, cơ cấu chi tiêu không có sự thay đổi lớn, chiếm tỷ lệ cao nhất là lưu trú (khoảng 25-27% tổng mức chi tiêu), ăn uống (trên 20%), đi lại (17-19%), mua hàng hóa (12-14%), tham quan (10%), vui chơi - giải trí (4%), còn lại là chi phí y tế và chi khác (6-7%)...
 
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Lạt:
 
Tâm lý của người đi du lịch hầu như đều muốn mua hàng hóa hoặc đồ lưu niệm mang về. Khách quốc tế lưu trú ở Đà Lạt chỉ chiếm khoảng 14%. Du lịch liên quan đến dịch vụ, nên chỉ cần 1 việc xấu thì bao nhiêu việc tốt khác có thể bị bỏ qua... Và Đà Lạt đã gặp phải những trường hợp cá biệt, như chèo kéo, ép giá, người bán hàng đánh du khách, rau quả không an toàn... UBND thành phố Đà Lạt đã yêu cầu tiểu thương bán hàng đặc sản và nông sản Trung Quốc phải ghi rõ nguồn gốc và nói thẳng với người mua về xuất xứ hàng hóa để giữ gìn và bảo vệ thương hiệu đặc sản, nông sản Đà Lạt.
TIỂU VÂN (ghi)
 
NHẬT QUÂN