Nhà thờ Mằng Lăng: Điểm đến của khách du lịch

08:08, 30/08/2018

Trong chuyến công tác Phú Yên, đoàn những người trẻ chúng tôi chỉ mải miết theo đuổi những ưu ái của tạo hóa dành riêng cho vùng đất này: Là hoa vàng trên cỏ xanh, là Ghềnh Đá Đĩa, là Hòn Én... May thay có đồng nghiệp Báo Phú Yên - một người con sinh ra trên mảnh đất này đã giới thiệu với chúng tôi một công trình kiến trúc mà ở đó nét đẹp sinh ra từ bàn tay kiến tạo của con người. 

Trong chuyến công tác Phú Yên, đoàn những người trẻ chúng tôi chỉ mải miết theo đuổi những ưu ái của tạo hóa dành riêng cho vùng đất này: Là hoa vàng trên cỏ xanh, là Ghềnh Đá Đĩa, là Hòn Én... May thay có đồng nghiệp Báo Phú Yên - một người con sinh ra trên mảnh đất này đã giới thiệu với chúng tôi một công trình kiến trúc mà ở đó nét đẹp sinh ra từ bàn tay kiến tạo của con người. 
 
Du khách nhiều nơi tìm về với kiến trúc và những câu chuyện rất riêng của Nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: H.Thắm
Du khách nhiều nơi tìm về với kiến trúc và những câu chuyện rất riêng của Nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: H.Thắm
Rời thành phố Tuy Hòa chừng 35 km, xe rẽ vào địa phận xã An Trạch, huyện Tuy An, nơi tọa lạc của nhà thờ Mằng Lăng. Tôi vội vàng lên mạng, tìm kiếm thông tin về nơi này.
 
Theo Wikipedia, Nhà thờ Mằng Lăng là một nhà thờ Công giáo thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên - một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Nhà thờ hiện nay cũng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên và thánh lễ cầu cho giới trẻ Công giáo Việt Nam. Nhà thờ cổ Mằng Lăng được xây dựng vào năm 1892 do linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng. Ông là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này. Công trình được xây dựng kéo dài tới 15 năm. Với lịch sử hơn 120 năm tồn tại, Nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ (dân địa phương gọi là sông Cái), vượt qua sự băng hoại của thời gian, Mằng Lăng đứng sừng sững như một vị lão nhân trăm tuổi, một chứng nhân lịch sử trên mảnh đất duyên hải miền Trung yên bình và xinh đẹp này. 
 
Tò mò về cái tên lạ Mằng Lăng, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Phú Yên giải thích: Cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này.
 
Bằng những gì mắt thường có thể thấy, Nhà thờ Mằng Lăng có quy mô khiêm tốn hơn nhiều nhà thờ khác trong toàn quốc. Tuy nhiên, ở nơi này vẻ cổ xưa với sơn phủ ngả màu và rêu phong bám đầy trên vách mà nhìn vào đó người ta như thấy được những bước đi của thời gian. Nhà thờ Mằng Lăng nhỏ thôi. Nhưng lý giải về quy mô Nhà thờ của đồng nghiệp báo Phú Yên rằng trong con đường truyền đạo của các giáo sỹ phương Tây đến với đất nước này từ hàng trăm năm về trước, dọc những vùng ven biển là nơi những con tàu dừng chân. Và mảnh đất ven biển Phú Yên ngày đó cũng được chọn. Tàu truyền đạo dừng chân ở đâu, nơi đó có nhà thờ, đó là lý do suốt dặm dài đất nước Việt Nam nhiều nhà thờ mọc lên ở miền biển. Xứ Nẫu ngày ấy chắc còn nghèo nàn lắm nên một nhà thờ như Mằng Lăng có lẽ đã là hạnh phúc lớn lao cho người dân nơi này. 
 
Tài liệu tại Nhà thờ Mằng Lăng cho thấy, Nhà thờ được xây dựng trong một khuôn viên rộng hơn 5.000 m2 có nhiều cây xanh. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá. Nhỏ thôi nhưng khi đặt chân vào sân nhà thờ, đập ngay vào mắt tôi là hình ảnh mặt tiền bề thế với hai bên lầu chuông, chính giữa là thập tự giá mạnh mẽ đầy kiêu hãnh vươn mình trên nền trời xanh thẳm. Được biết, Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic. Đến Nhà thờ Mằng Lăng, Smartphone cầm trên tay tôi nhưng không phải để chụp hình checkin như bao lần khác mà để lần mò tìm kiếm thông tin. Kiến trúc Gothic vốn hưng thịnh ở châu Âu trong suốt thế kỷ 19. Lần đầu tiên xuất hiện từ khoảng 1.200 năm trước công nguyên, phong cách Gothic đã tạo nên một chút dư vị hoài cổ của nghệ thuật xưa cũ nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Phong cách ấy đã ghi lại dấu ấn của mình trên những nhà thờ, những thánh đường lớn và trở thành phong cách thịnh hành nhất ở châu Âu vào thế kỉ 18 - 19 với dấu ấn kiến trúc ở rất nhiều công trình lớn, đặc biệt là các công trình tòa thị chính, nhà thờ, trường học ở châu Âu thời bấy giờ. Không ít những công trình trên thế giới được xây dựng theo lối kiến trúc này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
 
Với lối kiến trúc Gothic, đỉnh cao của Nhà thờ Mằng Lăng là hai tháp chuông hai bên. Ở giữa là thập tự giá - biểu tượng của thánh đường. Bao bọc mặt tiền nhà thờ là những lối vào hình mái vòm, trông như những búp măng. Trần nhà thờ được lót la-phông gỗ - không còn kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic. Ở Mằng Lăng dấu ấn Gothic biểu hiện ở những lối mở thông ra hai bên gian chính giữa thánh đường, các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ... Không chỉ mang nét kiến trúc Gothic xuất xứ châu Âu, nhà thờ Mằng Lăng vẫn có những nét Việt Nam. Đó chính là những họa tiết chạm trổ tinh xảo, toát lên một chất mộc mạc rất Việt Nam trên những cánh cửa chính bằng gỗ.
 
Nơi trưng bày quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes. Ảnh: H.Thắm
Nơi trưng bày quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes. Ảnh: H.Thắm
Không chỉ gây ấn tượng với kiến trúc cổ xưa, Nhà thờ Mằng Lăng còn là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Trước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong lưu giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai đã sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Lần theo con đường trong hang, chúng tôi đến nơi đặt cuốn sách ở chiếc tủ gỗ kê sát tường. Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, sách được in vào năm 1651 tại Roma (Italia). Cuốn sách được in tại Roma năm 1651, được Tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Đây là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột. Linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660, người Pháp) là một nhà truyền giáo dòng Tên. Ông còn là một nhà ngôn ngữ học. Nhờ vào việc phổ biến Kitô giáo tại Việt Nam, ông đã hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng cách hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Cũng chính những dòng chữ này được phổ biến rộng rãi, được cải tiến nhiều để đến hôm nay trở thành chữ quốc ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam.
 
Bên trong hầm còn có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anrê Phú Yên (sinh năm 1625 - mất năm 1644) khi ông tròn 19 tuổi. Anrê Phú Yên là một nhà truyền giáo và đã tử vì đạo, ông là một trong số 117 người tử vì đạo trên thế giới đã được phong Á thánh.
 
Ghé thăm nhà thờ, du khách còn có thể ghé thăm Cô nhi viện Mằng Lăng, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc những thiên thần nhỏ cơ nhỡ. Và cũng tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều hình ảnh chụp Nhà thờ Mằng Lăng từ những năm 90 tới nay và những hiện vật giá trị với giáo xứ.
 
Đứng trước sân Nhà thờ nghĩ về khởi nguồn chữ quốc ngữ ở Việt Nam và nhìn bước thăng trầm của thời gian in hằn lên Nhà thờ Mằng Lăng mới thấy cả một hành trình thật dài. Trải qua bao cuộc bể dâu, mặc dòng chảy vô tình của thời gian có bào mòn, tất cả Nhà thờ Mằng Lăng vẫn đứng đó với bao câu chuyện đặc biệt của riêng mình.
 
NGỌC NGÀ