Nhân lực ngành Du lịch có vai trò quyết định không chỉ cho phát triển du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nhiều năm qua, công tác phát triển nhân lực ngành Du lịch Lâm Đồng mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn bất cập với yêu cầu nâng cao chất lượng du lịch.
Nhân lực ngành Du lịch có vai trò quyết định không chỉ cho phát triển du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nhiều năm qua, công tác phát triển nhân lực ngành Du lịch Lâm Đồng mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn bất cập với yêu cầu nâng cao chất lượng du lịch.
Những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực du lịch
Thế kỷ 21 hoạt động du lịch có nhiều thay đổi buộc đội ngũ nhân lực ngành du lịch phải nâng cao, cập nhật các tri thức mới có liên quan để tạo được thế cạnh tranh trong môi trường hoạt động nghề nghiệp hiện nay; trong đó có một số yêu cầu rất quan trọng như: (1) Luôn nắm vững, học hỏi những tri thức mới, bởi yêu cầu nhận thức của du khách ngày càng cao; sản phẩm du lịch ngày càng phong phú và mang tính tri thức, tính khoa học ngày càng nhiều. (2) Hoạt động du lịch xuất hiện nhiều loại hình du lịch chuyên môn, du lịch chuyên biệt, đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch phải có tri thức và kỹ năng chuyên sâu mới đáp ứng được nhu cầu. (3) Sản phẩm du lịch ngày càng ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ cao, đòi hỏi nhân viên du lịch phải biết ứng dụng thành thục các kỹ thuật, công nghệ đó (mạng internet, những tính năng của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông...) để nâng cao hiệu quả công việc. (4) Hiểu biết sâu sắc về du khách, biết được sự khác biệt trong cá tính tiêu dùng, sinh hoạt và nhu cầu du lịch không giống nhau của du khách để cung cấp các dịch vụ tương ứng, làm cho mỗi du khách có được tâm lý hài lòng nhất. (5) Con người đi du lịch không chỉ để trải nghiệm, nâng cao kinh nghiệm sống mà còn muốn đi tìm và cảm thụ cái hay, cái đẹp, khám phá những điều mới lạ...; từ đó, đòi hỏi nhân viên du lịch phải tạo được hình ảnh đẹp đối với bản thân và trong công việc, phải biết tìm - cảm thụ - thể nghiệm cái đẹp, để giúp du khách cảm hứng được các vẻ đẹp đó sau mỗi chuyến đi.
Đối với Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, sản phẩm du lịch khá đa dạng và tích hợp nhiều yếu tố; do đó, những thông tin về yêu cầu mới của nguồn nhân lực du lịch là căn cứ để các cơ sở đào tạo nhân lực, các cơ sở dịch vụ du lịch xác định mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động du lịch.
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh
Trong thời gian qua, nguồn nhân lực trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch của tỉnh có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ lao động được đào tạo, đào tạo lại, bố trí đúng ngành nghề, lao động có kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ được nâng lên. Hơn 80% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các địa phương, các đơn vị sự nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn du lịch. Nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của nguồn nhân lực du lịch có nhiều chuyển biến rõ nét; công tác bồi dưỡng, sử dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực đã được coi trọng. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình quản lý, tuyển chọn nguồn nhân lực tiên tiến. Tuy nhiên, do sự phát triển của ngành du lịch, nhất là du lịch chất lượng cao, nên nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; cơ cấu lao động, chất lượng đào tạo, trình độ ngoại ngữ còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp…
Định hướng phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đề ra chỉ tiêu: đến năm 2020, thu hút khoảng 13.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ; trong đó có 80% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc; đến năm 2025, thu hút khoảng 15.000 lao động trực tiếp, trong đó có 85% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc.
Để nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đảm bảo số lượng và chất lượng; hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ; có tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cần chú trọng một số nội dung sau đây:
Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nhân lực du lịch; xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế và cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật về bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch ở địa phương theo hướng tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nhân lực và thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phát triển nhân lực. Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động du lịch phục vụ nắm bắt nhu cầu, dự báo và gắn kết cung - cầu về nhân lực du lịch. Cải cách hành chính trong quản lý phát triển nguồn nhân lực du lịch, xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các thành phần tham gia vào phát triển nhân lực du lịch; đổi mới kiểm tra, thanh tra công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực du lịch.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng, đa tầng của hoạt động du lịch; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tiếp cận chuẩn mực quốc tế và phù hợp với yêu cầu phát triển ngành Du lịch của địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học với thực tiễn hoạt động của ngành Du lịch Lâm Đồng.
Tăng cường hợp tác, liên kết trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch và cơ sở nghiên cứu du lịch của địa phương mở rộng liên kết hợp tác với trung tâm đào tạo, nghiên cứu trong nước, nước ngoài, nhất là những nơi có điều kiện tương đồng, nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về phát triển nhân lực du lịch.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tổ chức về phát triển và sử dụng nhân lực ngành Du lịch; coi trọng giáo dục cộng đồng dân cư về du lịch trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp trong hệ thống giáo dục phổ thông để định hướng học sinh lựa chọn nghề, lựa chọn trường theo học du lịch; thay đổi nhận thức việc đào tạo, dạy nghề du lịch và sử dụng nhân lực du lịch theo hướng tăng cường độc lập, tự chủ và hoạt động theo cơ chế thị trường lao động, đẩy mạnh liên kết.
Huy động các nguồn lực cho phát triển nhân lực du lịch, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và địa phương) cần chú trọng tăng nhanh các nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp (các thành phần kinh tế), ngoài ra còn tranh thủ huy động từ các tổ chức xã hội...; đặc biệt là phát triển hệ thống dạy nghề du lịch trong các doanh nghiệp du lịch. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút chuyên gia giỏi, lao động tay nghề cao, các nghệ nhân, các nhà quản lý giỏi… để tăng thêm lực lượng tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Đà Lạt có lợi thế đặc trưng về tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác và phát huy các loại tài nguyên đó có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào khả năng, cách thức đầu tư và nguồn nhân lực có chất lượng. Điều đó càng đòi hỏi phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.