Chúng tôi ấn tượng khi về Phú Yên không chỉ bởi vùng đất của nắng và gió biển, những con người hồn hậu, chân chất mà ở đó còn là không gian cổ kính của nhà cổ Quảng Ðức Xưa bên bờ sông Cái...
Chúng tôi ấn tượng khi về Phú Yên không chỉ bởi vùng đất của nắng và gió biển, những con người hồn hậu, chân chất mà ở đó còn là không gian cổ kính của nhà cổ Quảng Ðức Xưa bên bờ sông Cái...
|
Ấn tượng nhà cổ bên dòng sông Cái |
Dòng sông Cái có chỗ hẹp dòng, nước chảy xiết nhưng khi về gần biển bỗng hiền hòa mênh mang, lãng mạn và đẹp như tranh thủy mặc - người dân địa phương kể cho chúng tôi như vậy. Một sự đối xứng tình cờ mà không ngẫu nhiên, bên kia sông là làng lụa Tân Châu nổi tiếng một thời, bên này sông là làng gốm cổ Quảng Đức một thời vang danh.
Theo những ghi chép còn lại, làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Khi xưa, làng gốm thịnh vượng, lò gốm trong làng quanh năm đỏ lửa, trên bến dưới thuyền tấp nập thương nhân. Những sản phẩm bình dân từ cái trã kho cá, cái lu, đến những sản phẩm cao cấp đòi hỏi kỹ thuật cao, thể hiện tính mỹ thuật như bình, lọ, chum, chóe, nậm rượu, bình vôi, chậu cá… được làm từ làng gốm Quảng Đức phân phối khắp tỉnh, cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả ở Nam Bộ, thậm chí theo người Pháp xuất dương.
Nét đặc biệt của gốm Quảng Đức nếu nhìn kỹ sẽ thấy một lớp vỏ sò sần sùi được người thợ nung để tiến vua khi xưa. Do gốm được kết hợp với vỏ sò để kích thích nhiệt độ trong lò, nên khi ở nhiệt độ trên 1.000 độ C người thợ sẽ tráng một lớp men tươi lên trên, biến đổi màu sắc cho ra một gam màu khá độc lạ, màu sắc của gốm Quảng Đức không bao giờ trùng lắp. Đây là minh chứng cho hiện tượng gốm tráng men tươi một thời, được người dân sưu tập và chủ nhân nhà cổ Quảng Đức Xưa sưu tầm được trên 10 năm nay.
Khác với những dòng gốm khác của Việt Nam là ở khuôn đúc gốm, do người thợ sử dụng màu sắc tự nhiên đưa vào khuôn nên họa tiết không bị xê dịch nhiều. Mặt khác, do xuất phát điểm của gốm Quảng Đức là của người Chăm, nên thường không bị đóng rong rêu.
Căn nhà cổ Quảng Đức Xưa được xây dựng, tôn tạo và đưa vào hoạt động du lịch nhằm giúp du khách có thêm một hoài niệm về một làng quê trù phú xa xưa. Đồng thời để lưu giữ, bảo tồn di sản của cha ông để lại và đó cũng chính là ý tưởng chủ đạo của chủ nhà cổ Quảng Đức Xưa tại Phú Yên.
|
Thiếu nữ Quảng Đức với trang phục cổ |
Bước vào ngôi nhà gỗ thứ nhất là nhà một gian hai chái, được bài trí với khung dệt cổ của người làng nghề lụa Ngân Sơn cùng những vật dụng đánh bắt cá ven sông như: nôm, lộng, chấn, đăng; những vật gia dụng: khuôn bánh thuẫn, bánh kẹp, bánh in, chát, lu gốm, cối xay lúa, quạt giê lúa, đôi nừng, cày bừa và những chiếc máy may cũ kết hợp làm bàn cà phê, máy điện thoại cổ…
Ngôi nhà cổ thứ hai là nhà ba gian hai chái được trạm trổ tinh vi, cầu kỳ khẳng định tay nghề cao của thợ cung đình xưa. Ngôi nhà được bài trí với những cổ vật của làng gốm Quảng Đức, với những sản phẩm thuộc dòng gốm Quảng Đức cao cấp. Một số đồ cổ bằng đồng thau mà theo chủ nhân của nó là vô giá. Đó là những chậu kiểng trồng hoa, hồ cá kiểng cho dòng gốm không tráng men. Trong số này có một chiếc chậu còn khá nguyên vẹn và khắc rõ dòng chữ “1934 Village Quang Duc”. Họa tiết tinh tế trên đất nung đã minh chứng dòng gốm nổi tiếng của Việt Nam đã được các thương nhân người Pháp sử dụng và mang sang châu Âu.
Nội thất bên trong cổ kính như bàn thờ, bộ tràng kỷ đều được làm bằng gỗ gõ và gỗ ké, chủ yếu là gỗ gõ mộc nên có màu đen như gỗ mun, tạo vẻ huyền bí sang trọng cho căn nhà.
Căn nhà cổ với nhiều bức vách ngăn được trạm trổ hai mặt mang tính nghệ thuật cao và khẳng định tay nghề của thợ cung đình xưa. Những họa tiết được gắn với nét văn hóa người Việt xưa như Chuột sa hũ nếp, long ly quy phụng, mong muốn về cuộc sống ấm no đủ đầy cho người dân.
|
Nét đẹp gốm Quảng Đức thu hút khách tìm hiểu, nghiên cứu |
Anh Phạm Võ Quốc Bảo - người trông coi, quản lý tại điểm du lịch nhà cổ Quảng Đức Xưa với vẻ hiếu khách, niềm nở, thanh lịch, trẻ trung hướng dẫn cho đoàn chúng tôi cho biết thêm: Do đam mê đồ cổ, thích sưu tầm cổ vật lưu giữ, đó là: gốm Quảng Đức, một dòng gốm được đánh giá là độc đáo trong các dòng gốm cổ của người Việt nên chủ nhân của nhà cổ đã xây dựng nhà cổ Quảng Đức. Mong muốn du khách sẽ được hoài niệm về một làng quê trù phú và cũng lưu giữ, bảo tồn di sản của cha ông là ý tưởng chủ đạo để mở cửa nhà cổ Quảng Đức Xưa với mục đích giới thiệu đến công chúng về một làng nghề nổi tiếng cũng như để lưu giữ những sản phẩm bình dị mà độc đáo của cha ông. Chủ nhân của nhà cổ Quảng Đức Xưa chính là nhà báo Phạm Lê Quốc Cường - Lê Xuân Tựu và cũng là một người con của Tuy An, Phú Yên và của chính làng lụa Ngân Sơn và gốm Quảng Đức giàu bản sắc văn hóa.
Trải nghiệm ngắm nhà cổ, du khách còn được thưởng thức bánh ít dừa, uống cà phê, giải khát trà xanh, nước trái cây giữa tiết trời nóng bức sẽ cho bạn một cảm giác thư thái khi ngồi nghỉ chân dưới tán cây, bên ngôi nhà cổ. Cùng với những điểm đến không thể bỏ qua trong tuyến du lịch phía bắc tỉnh Phú Yên như gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, Thành An Thổ, chùa Đá Trắng…Nhà cổ Quảng Đức Xưa thực sự là điểm dừng chân thú vị đối với du khách trong hành trình khám phá và tìm hiểu văn hóa Phú Yên.
NGUYỆT THU