Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, có một người con của quê hương Quảng Trị đưa cả gia đình "hành phương Nam" đi kinh tế mới vào lập nghiệp trên mảnh đất Đạ Tẻh - Lâm Đồng. Dù rằng đã "neo đậu" trên quê hương thứ 2, nhưng trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê da diết...
Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, có một người con của quê hương Quảng Trị đưa cả gia đình “hành phương Nam” đi kinh tế mới vào lập nghiệp trên mảnh đất Đạ Tẻh - Lâm Đồng. Dù rằng đã “neo đậu” trên quê hương thứ 2, nhưng trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê da diết... Và rồi, sau gần 40 năm cất công sưu tầm, ông đã cho ra đời một “Bảo tàng làng quê Quảng Trị” thu nhỏ trên đất Lâm Đồng trong sự ngưỡng mộ của nhiều người. Ông là Trương Thái Anh Quốc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
|
Không gian bên ngoài “Bảo tàng làng quê Quảng Trị” thu nhỏ của ông Trương Thái Anh Quốc ở số 25 Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh. Ảnh: L.Trọng |
Ông cha ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Do đó, để có được một góc nhìn cận cảnh hơn về bảo tàng làng quê nơi đây cũng như được gặp gỡ “nhà sưu tầm” đáng quý này, chúng tôi đã tìm đến nhà riêng của ông Trương Thái Anh Quốc ở số 25 Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh trong một tâm trạng đầy phấn khích. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà rường 3 gian mang dáng dấp cổ xưa của quê hương Quảng Trị trông khá bề thế, cùng với đó là nhiều loại nông cụ mà ông đã cất công tìm kiếm, sưu tầm suốt gần 40 năm qua.
Rót ly nước trà nghi ngút khói mời “những vị khách không mời mà đến”, ông Trương Thái Anh Quốc đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng xa quê hương Quảng Trị đi kinh tế mới vào lập nghiệp trên đất Lâm Đồng từ những năm 1980 với vô vàn gian khó, cùng với đó nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Có lẽ, chính vì nhớ nơi “chốn nhau cắt rốn” của mình nên ngay từ những ngày đầu xa quê ông muốn làm một điều gì đó, tạo lập một cái gì đó mang hình bóng quê hương tại vùng đất mới Đạ Tẻh. Thế rồi, đến năm 1984, khi còn làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đạ Tẻh, ý tưởng về một “Bảo tàng làng quê Quảng Trị” thu nhỏ đã dần được ông phác họa trong đầu. Nhưng mãi cho đến năm 1993, trong chuyến về thăm quê hương lần đầu ông mới rong ruổi đi khắp làng trên xóm dưới sưu tầm các loại vật tư nông nghiệp để chuyển vào Đạ Tẻh - Lâm Đồng. Đến nay, sau 38 năm âm thầm sưu tầm các loại vật tư nông nghiệp, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân lúa nước, “nhà sưu tầm” Trương Thái Anh Quốc đã có một “gia tài” khá đồ sộ với hơn 60 loại nông cụ như: Giàn xe đạp nước và các dụng cụ dùng để tát nước lên ruộng; các loại cày, bừa, cuốc, xẻng; giàn xay lúa, cối giã gạo, cối tre, cối đá; bộ giần, sàng, thúng, mủng, rổ, rá bằng tre nứa; bộ dụng cụ dùng để bắt cá; hay như các vật dụng dùng để nấu nướng, sinh hoạt… đặc biệt là chiếc cày chìa vôi và cối xay lúa bằng tre được sưu tầm phần lớn tại Quảng Trị, kể cả một số vật dụng của đồng bào Châu Mạ, đồng bào Chăm đang được ông trưng bày tại tư gia đã “tự nói về mình” với những thông điệp mang dấu ấn văn hóa riêng.
|
“Nhà sưu tầm” Trương Thái Anh Quốc bên chiếc cày chìa vôi và cối xay lúa bằng tre mà ông tâm đắc nhất trong bộ sưu tập của mình. Ảnh: L.Trọng |
Theo ông Quốc, để hiện thực hóa ý tưởng của mình từ khâu sưu tầm các loại nông cụ, đầu tư xây dựng nhà rường cho đến khâu bố trí, sắp đặt các vật dụng; diễn giải công năng của các hiện vật, ông đã phải mất khá nhiều thời gian và tâm sức cho công việc thầm lặng này để có thể hoàn tất không gian trưng bày theo đúng như ý tưởng ban đầu. Ngôi nhà rường khá khang trang mà ông cất công đầu tư xây dựng là một ngôi nhà với “mô tuýp” phần trên theo kiểu “nhà quê”, phần dưới theo kiểu nhà sàn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vừa là nơi để ở, sinh hoạt vừa trưng bày các vật dụng, hiện vật sưu tầm được đã thực sự làm nên một không gian văn hóa sinh động với những nét tương đồng, giao thoa văn hóa và mang dấu ấn riêng, không lẫn vào đâu được. Việc làm ý nghĩa này cũng đã được người dân cũng như ngành Văn hóa - thông tin địa phương ghi nhận: “Tôi là người quê gốc Quảng Trị nhưng chưa được tiếp cận với các loại vật dụng này vì xa quê từ khi còn nhỏ nên việc làm này của anh Quốc là rất ý nghĩa. Có dịp đến tìm hiểu bảo tàng thu nhỏ của anh Quốc tôi mới thấy được giá trị của nó… Đây là những hiện vật vô cùng sinh động giúp cho những người làm văn hóa, những thanh niên trẻ, kể cả các em học sinh có dịp nhìn thấy thực tế để hiểu được giá trị văn hóa mà ông cha ta đi trước đã để lại, đặc biệt là đối với những người con Quảng Trị xa quê hương. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, các trường học trên địa bàn huyện nên tổ chức các buổi ngoại khóa đưa các em học sinh đến đây tham quan, tìm hiểu thì sẽ tốt hơn những bài học lý thuyết ở trên trường, trên lớp” - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Đạ Tẻh Lê Quang Thiện chia sẻ. Rõ ràng, được tận mắt chứng kiến ngôi nhà rường bề thế và bộ sưu tập độc đáo không chỉ phong phú về mặt chủng loại với nhiều hiện vật cổ xưa, mà còn hàm chứa những giá trị văn hóa phản ánh đậm nét phong tục, tập quán sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng quê Quảng Trị tại đây là một điều hết sức thú vị. Đây thực sự là một “địa chỉ văn hóa” góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về những giá trị cổ xưa mà nền văn minh lúa nước và cư dân nông nghiệp đã mang lại.
|
Ông Lê Quang Thiện - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Đạ Tẻh (ngoài cùng bên trái) trong một dịp đến thăm, tìm hiểu về “Bảo tàng làng quê Quảng Trị” thu nhỏ. Ảnh: L.Trọng |
Với tâm niệm “Ly hương bất ly tổ”, “Ôn cố tri tân”, có thể nói việc giáo dục các thế hệ con cháu trong gia đình thông qua những hình ảnh trực quan sinh động từ mô hình “Bảo tàng làng quê Quảng Trị” thu nhỏ tại gia, cùng với đó là việc lưu giữ hồn quê trên vùng đất mới của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh Trương Thái Anh Quốc là rất ý nghĩa và rất đáng trân trọng, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới như hiện nay.
LÊ TRỌNG