Tiếp tục xây dựng "Thành phố du lịch sạch ASEAN"

08:11, 01/11/2018

Trong quá trình phát triển, thành phố Đà Lạt từng được cộng đồng các nước ASEAN vinh danh: "Thành phố có không khí sạch - thành phố bền vững về môi trường", "Thành phố du lịch sạch". Đầu năm 2018, Diễn đàn du lịch Đông Nam Á tại Thái Lan tiếp tục công nhận Đà Lạt cùng thành phố Huế, Hội An đạt danh hiệu "Thành phố du lịch sạch ASEAN".  

Trong quá trình phát triển, thành phố Đà Lạt từng được cộng đồng các nước ASEAN vinh danh: “Thành phố có không khí sạch - thành phố bền vững về môi trường”, “Thành phố du lịch sạch”. Đầu năm 2018, Diễn đàn du lịch Đông Nam Á tại Thái Lan tiếp tục công nhận Đà Lạt cùng thành phố Huế, Hội An đạt danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.  
 
Giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” có giá trị từ năm 2018-2020. Để được bầu chọn, các thành phố có tên trong danh sách đề cử cần phải đáp ứng bảy tiêu chí liên quan đến các hoạt động quản lý môi trường chung; đảm bảo yếu tố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý tốt vấn đề chất thải... Các thành phố phải là những điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh, nét văn hóa đặc sắc cùng đặc trưng vùng miền độc đáo, các thành phố còn là những đơn vị đi đầu trong việc định vị thương hiệu du lịch xanh.
 
Để dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, những năm gần đây, Đà Lạt đã tập trung xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch - dịch vụ và thương hiệu du lịch; khuyến khích đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tạo sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đà Lạt cũng thu hút xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch canh nông; đa dạng hóa các loại hình du lịch, mở rộng liên kết tour đến các điểm du lịch... Xây dựng môi trường du lịch Đà Lạt “văn minh, thân thiện, an toàn”, thành phố đã triển khai bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh, thân thiện; phối hợp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án… Văn hóa trong du lịch có chuyển biến tốt, phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - thanh lịch - mến khách” được phát huy trong giao tiếp và ứng xử. Số lượng khách du lịch đến hàng năm tăng bình quân 12%.
 
Năm 2016, Đà Lạt có trên 4,4 triệu luợt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, trong đó có trên 12% khách quốc tế. Năm 2017, đón trên 5,1 triệu lượt khách và khách quốc tế đạt gần 18%. 6 tháng đầu năm nay đón 2,85 triệu lượt (có đăng ký lưu trú 2,24 triệu lượt) đạt 50,8% KH năm, tăng 20,7% so cùng kỳ (khách quốc tế 423 ngàn lượt, chiếm 14,9% tổng lượng khách). 
 
Du lịch - dịch vụ Đà Lạt phát triển khá (chiếm tỷ trọng khoảng 65,5% cơ cấu kinh tế thành phố), tuy nhiên để khai thác và phát triển tiềm năng, thế mạnh, nhất là tiếp tục khẳng định vị thế “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, Đà Lạt cần chú trọng một số việc trọng tâm: Tăng cường phối hợp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; khuyến khích các cơ sở du lịch - dịch vụ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ theo hướng chất lượng cao, tạo sản phẩm du lịch mới. Phát triển dịch vụ theo hướng uy tín, chất lượng; xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn. Quan tâm công tác xúc tiến du lịch, thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù địa phương và hình ảnh thành phố du lịch “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” văn minh - thành phố Festival Hoa. Tuyên truyền, vận động các cơ sở tham gia chương trình “Nhãn hiệu xanh”, “Điểm mua sắm chất lượng cao”, “Điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao”. Đẩy mạnh thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phục vụ nhân dân và du khách. Triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại - dịch vụ. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu trú, giá cả; tập trung xử lý, chấn chỉnh các biểu hiện tiếp thị không lành mạnh; quan tâm đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
LAN HỒ