Chú trọng các giá trị văn hóa thay vì chỉ quan tâm đến thương mại

09:12, 06/12/2018

Các khu, điểm du lịch đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh thu hút khách, nhưng các yếu tố văn hóa, con người chưa được chú trọng khai thác. 

Các khu, điểm du lịch đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh thu hút khách, nhưng các yếu tố văn hóa, con người chưa được chú trọng khai thác. 
 
Con người “hiền hòa - thân thiện - mến khách” cũng chính là sản phẩm du lịch. Ảnh: N.Quân
Con người “hiền hòa - thân thiện - mến khách” cũng chính là sản phẩm du lịch. Ảnh: N.Quân

Nhiều nỗ lực trong kinh doanh
 
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay, theo đánh giá của du khách vẫn còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, họ luôn có sự so sánh và băn khoăn khi chọn lọc, nhưng lại không vui nếu chọn cả hai phương án. Chẳng hạn, nếu chọn đi vào Khu Du lịch (KDL) Thung lũng Tình Yêu, thì có nên vào Vườn Hoa thành phố nữa không? Hoặc, mô hình du lịch canh nông đi Cầu Đất Farm hay KDL Rau và Hoa. Ngay cả tuyến du lịch canh nông tại Làng Du lịch canh nông Hồ Xuân Hương, với vườn hoa, vườn lan, vườn dâu, vườn rau… cũng khiến du khách băn khoăn vì có quá nhiều mô hình vườn hoa, vườn lan, vườn dâu, vườn rau tương tự nhưng không gian lại rộng lớn hơn nhiều.
 
Theo ghi nhận của ngành Du lịch, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 35 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, trong đó có 13 khu, điểm là danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp sản phẩm dịch vụ - du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách du lịch, như Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng đầu tư 30 tỷ đồng với các hạng mục tại KDL thác Datanla, Langbiang, Cáp treo; KDL Rừng Madagui đầu tư 22 tỷ đồng để nâng cấp đầu tư mở rộng các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe; KDL Sao Đà Lạt: đầu tư 2 tỷ đồng hoàn thành bãi đậu xe, nâng cấp sản phẩm dịch vụ; KDL Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ đầu tư 25 tỷ đồng; KDL thác Prenn (2 tỷ đồng), Biệt thự Hằng Nga (2 tỷ đồng) đầu tư nâng cấp sản phẩm, bổ sung dịch vụ, tôn tạo cảnh quan phục vụ khách du lịch…
 
KDL Tuyền Lâm đã được công nhận là KDL quốc gia tại Quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 15/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 12/39 dự án đi vào hoạt động kinh doanh, góp phần tạo thêm sản phẩm phục vụ du khách khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng, và đã khẳng định định thương hiệu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn có những đơn vị trong KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm sai phạm trong quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, môi trường... gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động chung của KDL này. Ông Phạm Văn Dân - Giám đốc Ban Quản lý KDL hồ Tuyền Lâm cho biết: Đứng về góc độ quản lý nhà nước, Ban quản lý KDL hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ban Quản lý KDL đang tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành và UBND thành phố Đà Lạt tổ chức quản lý tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại KDL hồ Tuyền Lâm.
 
Trong năm 2018, điểm du lịch Hoa Sơn Điền Trang (TP Đà Lạt) được đưa vào khai thác, với các sắc thái riêng, bước đầu cũng khẳng định thương hiệu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ khách. Các khu, điểm du lịch trong năm 2018, đã tích cực tham gia các chương trình quảng bá xúc tiến trong và ngoài tỉnh như: Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE-HCM, Festival Biển Nha Trang...; đồng thời, đã quan tâm, tạo điều kiện đón tiếp và hướng dẫn các đoàn famtrip, presstrip từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... và các tỉnh, thành phố trong cả nước đến khảo sát du lịch tại địa phương...
 
Con người - yếu tố quyết định
 
Các khu, điểm du lịch cố gắng tổ chức tốt nhiều chương trình, sự kiện để khai thác khía cạnh văn hóa, như Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương (KDL thác Prenn), Lễ hội Hóa trang - Halloween, Lễ hội Tình yêu (KDL Thung lũng TìnhYêu - Mộng Mơ), Lễ hội Rằm tháng Giêng (KDL thác Pongour)... với nhiều hoạt cảnh sân khấu, ca nhạc, hay tái hiện đời sống dân dã thời xưa... Nhiều doanh nghiệp nhận thức được vai trò nguồn nhân lực trong hoạt động, nên đã tích cực tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng thuyết minh viên, từng bước chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch, điển hình như Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV, Công ty XQ - Sử quán Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng, KDL Dinh III...
 
Ngược lại, nhiều khu, điểm du lịch chưa chủ động đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, để danh lam thắng cảnh xuống cấp, ô nhiễm, bị xâm lấn, như: Các KDL thác Cam Ly, thác Hang Cọp, thác Gougah, thác Voi... Một số khu, điểm du lịch khác chưa được quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, để hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách xuống cấp, như tại thác Hang Cọp, hồ Than Thở bị bồi lắng, thác Ankroet, thác Voi, thác Gougah; thác Cam Ly bị ô nhiễm nặng mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, thác Pongour và Gougah bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn nước và cảnh quan thác từ tác động của công trình hồ thủy điện Đại Ninh... tạo nên hình ảnh xấu của khu, điểm du lịch trong mắt du khách.
 
Theo ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: Con người là yếu tố quan trọng trong hoạt động du lịch, con người cũng chính là sản phẩm du lịch. Xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch là trách nhiệm của doanh nghiệp và cần đồng hành với mục tiêu chung của thành phố và cộng đồng dân cư về nét đẹp của người Đà Lạt, chính là “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”; về văn minh đô thị với phong cách riêng của Đà Lạt là “nhà nhà trồng hoa, người người trồng hoa”. Đó là trách nhiệm nâng cao giá trị của Đà Lạt, cùng với rất nhiều nội dung liên quan đến sản phẩm du lịch. Doanh nghiệp phải đồng hành cùng chính quyền và cộng đồng xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành điểm đến thân thiện. 
 
Chính quyền có trách nhiệm phải bảo đảm an ninh an toàn cho du khách và đang rất nỗ lực làm nhiều công việc, như đặt camera an ninh để xử lý vi phạm giao thông và môi trường; tập trung cho hạ tầng, như nâng cấp và đầu tư hệ thống đối ngoại ở QL20, cao tốc Dầu Giây, đường Đà Lạt - Nha Trang, đường đi Phan Thiết... Giao thông đối nội là đường vành đai, quy hoạch bãi đậu xe 5-10 ha và đầu tư dịch vụ trung chuyển, khôi phục tuyến đường xe lửa từ Phan Rang lên Đà Lạt... Đặc biệt, thành phố đã thành lập đội chống “cò” và đã xử phạt từ đầu năm đến nay 202 triệu đồng, nhưng vấn đề cò kéo, chặt chém, hàng kém chất lượng vẫn còn đeo bám dai dẳng, cần sự phối hợp của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư...
 
NHẬT QUÂN