Tọa đàm "Phát triển du lịch canh nông": Cần nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ để phát triển

05:12, 14/12/2018

(LĐ online) - Tọa đàm do Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 14/12/2018 tại Đà Lạt, thu hút hơn 80 đại biểu là các nông hộ, doanh nghiệp đang tổ chức kinh doanh loại hình du lịch canh nông (DLCN); các đơn vị lữ hành; các nhà quản lý và đại diện chính quyền các địa phương có loại hình DLCN phát triển (Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đến dự.

(LĐ online) - Tọa đàm do Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 14/12/2018 tại Đà Lạt, thu hút hơn 80 đại biểu là các nông hộ, doanh nghiệp đang tổ chức kinh doanh loại hình du lịch canh nông (DLCN); các đơn vị lữ hành; các nhà quản lý và đại diện chính quyền các địa phương có loại hình DLCN phát triển (Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đến dự.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu tại Tọa đàm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu tại Tọa đàm
Năm 2017, theo những quy định tại Bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 23 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong tháng 10/2018, Đoàn đã kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, hộ nông dân đã được công nhận mô hình DLCN; thông qua việc kiểm tra đã tư vấn các mô hình DLCN trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả lợi thế du lịch gắn với nông nghiệp, tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút khách du lịch; đồng thời hỗ trợ quảng bá, xúc tiến cho các đơn vị thông qua video clip, tập gấp…  
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 5 tổ chức, cá nhân. Nhìn chung các mô hình được công nhận đều đảm bảo những quy định tại Bộ tiêu chí, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng; có bảng tên của mô hình, bảng chỉ dẫn đường; các sản phẩm của mô hình có sự đặc trưng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có bảng niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, đảm bảo chất lượng theo quy định chung. Một số Điểm DLCN đã tích cực đầu tư các trang thiết bị, bổ sung sản phẩm du lịch dịch vụ để quảng bá thu hút khách như Khu du lịch canh nông Green Box (Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm), Khu du lịch Canh nông Đạ Lạch Noah, Long Đỉnh Farm, Cầu Đất Farm, Kiến Huy Farm, Trang trại Rau và Hoa, Điểm du lịch canh nông Đà Lạt Thiên nhiên, Thiên đường Cà phê Arabica Thúy Thuận Đà Lạt, Phúc Bồn Tử Huỳnh Trung Quân, Vườn trái cây Nam Nhi…
 
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình DLCN trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn do: Một số mô hình thiếu dịch vụ bổ trợ thêm cho du khách như khu vực trải nghiệm, mua sắm, nhà vệ sinh…; thiếu đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách; chưa có phương pháp vận hành các mô hình liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan; chưa bố trí khu vực riêng cho du khách tìm hiểu quy trình trồng và chế biến sản phẩm…
 
Các chủ nông hộ hay đại diện các đơn vị tham gia hoạt động DLCN trao đổi những kinh nghiệm hay những khó khăn của đơn vị trong khi vận hành hoạt động DLCN thời gian qua. Trong đó, các ý kiến đề xuất để DLCN phát triển, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, hộ cá thể cần có sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế chính sách đặc biệt, như vốn (vốn nông nghiệp và vốn hoạt động du lịch canh nông), cơ sở hạ tầng và giao thông (được đậu xe ở khu vực gần đường giao thông, được xây dựng đường đi, công trình vệ sinh trên đất nông nghiệp…) và chính sách quảng bá cho du lịch canh nông… 
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: Có rất nhiều hoạt động hỗ trợ từ phía đơn vị quản lý nhà nước, với mong muốn, các nông hộ hay doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của mình lên và liên tục đổi mới sản phẩm để thu hút khách. Thời gian tới, ngành sẽ tổ chức đào tạo nhân lực du lịch, như thuyết minh, hướng dẫn viên... Các chương trình, hội nghị như thế này là cơ hội các đơn vị có sự kết nối với các đơn vị lữ hành thu hút du khách. 
 
Mô hình DLCN ở KDL Green Box rất thu hút du khách
Mô hình DLCN ở KDL Green Box rất thu hút du khách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, yêu cầu ngành VHTT&DL và các đơn vị kinh doanh hoạt động DLCN cần bám vào các quy định trong Bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để thúc đẩy loại hình DLCN phát triển và quảng bá hình ảnh của DLCN. Với lợi thế trên 54 ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nhiều loại nông sản quý, chất lượng sạch, tạo điều kiện cho DLCN Lâm Đồng đứng đầu cả nước về thu hút khách DLCN với con số 600 ngàn đến 1 triệu lượt khách/năm. Mỗi đơn vị hoạt động DLCN cần tự nâng cao chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng du lịch của mình để phục vụ du khách tốt hơn và tổ chức thực hành nông nghiệp sạch để xuất khẩu hàng hóa tại chỗ cho khách du lịch, chính là cách để quảng bá và tiêu thụ tốt sản phẩm. 
 
LÊ HOA