Màu thời gian trên tháp Po Klon Garai

10:02, 14/02/2019

Nằm trên ngọn đồi Trầu, giữa không gian bát ngát, trải tầm mắt nhìn khắp thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, ngọn tháp Po Klon Garai sừng sững, trầm mặc giữa những gốc cổ thụ sần sùi. 

Nằm trên ngọn đồi Trầu, giữa không gian bát ngát, trải tầm mắt nhìn khắp thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, ngọn tháp Po Klon Garai sừng sững, trầm mặc giữa những gốc cổ thụ sần sùi. 
 
Tháp Po Klon Garai. Ảnh: D.Quỳnh
Tháp Po Klon Garai. Ảnh: D.Quỳnh
Ngọn tháp cổ mang trong mình cả huyền tích của một dân tộc, một nhân chứng im lặng giữa những thăng trầm của lịch sử. Po Klon Garai vẫn sống, vẫn tồn tại trong trái tim người Chăm và trong điệu múa bất diệt của vị thần Shiva.
 
Nằm cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 7 km về hướng Tây Bắc, cụm tháp Po KlonGarai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để thờ vua Po Klon Garai (1151-1205), vị vua có công lớn trong việc dẫn thủy nhập điền ở địa phương. Tài Công Thùy Diễm, cô hướng dẫn viên người Chăm mang họ thuộc một trong năm họ hoàng tộc Chăm bắt đầu câu chuyện khi dẫn khách tham quan cụm tháp bằng công tích của vua Po Klon Garai. Cô bảo, ngài là vị vua có công mở mang nông nghiệp, dẫn thủy nhập điền giúp cư dân Chăm có nước cấy lúa. Và đến hiện nay, dấu vết của hai con đập Nha Trinh và Sông Cấm vẫn còn tồn tại là minh chứng cho công tích của Po Klon Garai. Đến vua Shihavaman III lên ngôi, ông này đã cho lập đền thờ ngài và đó chính là cụm đền - tháp Po Klon Garai còn tồn tại đến hôm nay. 
 
Đường lên Po Klon Garai. Ảnh: D.Quỳnh
Đường lên Po Klon Garai. Ảnh: D.Quỳnh
Mang đặc điểm rất rõ của nền văn hóa Bà-la-môn giáo, tôn giáo phổ biến của người Chăm thuở ấy, tháp Po Klon Garai gồm ba tháp tạo thành một cụm tháp. Tháp Cổng là lối đi dành cho các vị thần luôn hướng về hướng đông, hướng mặt trời mọc. Tháp Lửa nằm chếch hướng nam thờ thần lửa Agni. Tháp chính là nơi thờ vua Po Klon Garai với tượng thần Shiva múa điệu Tandava, điệu múa Vũ trụ, biểu trưng cho sự trường tồn ngay trên cửa ra vào. Như tất cả các tháp Chăm khác, tháp Po Klon Garai được xây bằng gạch Chăm với kỹ thuật đặc biệt, không cần vữa, các viên gạch được xếp khít chặt với nhau bằng một chất kết dính mà cho tới giờ đã bị thất truyền. Thùy Diễm rất tự hào chia sẻ, so với nhiều đền - tháp Chăm đã bị thời gian hủy hoại nhiều, cụm tháp Po Klon Garai còn gần như nguyên vẹn. Và đặc biệt, tháp Po Klon Garai vẫn là một ngôi tháp “sống” với người Chăm Ninh Thuận.
 
Gọi Po Klon Garai là tháp “sống” bởi theo Tài Công Thùy Diễm, nhiều tháp Chăm đã bị hủy hoại, bị lãng quên ngay trong lòng lịch sử Chăm, chỉ còn là phế tích hoang hoải. Nhưng Po Klon Garai vẫn giữ nguyên chức năng đền - tháp từ khi được xây dựng cho tới ngày hôm nay. Đặc biệt, một vài đền - tháp Chăm được người Chăm tới cúng tế vào dịp lễ Ka Tê, lễ hội nổi tiếng nhất của người Chăm. Nhưng ở Ninh Thuận, mỗi năm người Chăm đều tới Po Klon Garai để cúng tế vào bốn dịp lễ trọng đại trong Chăm lịch. Đó là lễ Zoan zang (lễ cầu đạo) vào tháng 4 Chăm lịch, lễ Ka Tê tháng 7 Chăm lịch cúng các vị nam thần, lễ Ka Bun cầu các vị nữ thần tháng 9 Chăm lịch và lễ mở cửa tháp vào tháng 11 Chăm lịch. Tới những dịp lễ này, những chức sắc người Chăm Bà ni mang theo lễ vật, đi theo đường mòn tới chân tháp Po Klon Garai dâng lễ tới các vị thần. Người Chăm ở làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc, ở những làng Chăm quanh Ninh Thuận đều đổ về ngọn đền - tháp linh thiêng này. Thùy Diễm Bảo, đền - tháp Po Klon Garai có thể coi là trung tâm tín ngưỡng của người Chăm theo Bà-la-môn giáo ở Ninh Thuận.
 
Nghệ nhân dệt vải Chăm dưới chân tháp Po Klon Garai. Ảnh: D.Quỳnh
Nghệ nhân dệt vải Chăm dưới chân tháp Po Klon Garai. Ảnh: D.Quỳnh
Tỉnh Ninh Thuận đã làm hết sức để bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc biệt cũng như tín ngưỡng tâm linh của người Chăm với Po Klon Garai. Dưới chân đồi Trầu là Bảo tàng lịch sử văn hóa Chăm, với những nghệ nhân biểu diễn văn hóa Chăm, trống Gineng rộn rã, là những khung dệt lách cách dưới bàn tay nghệ nhân. Tháp được giữ gìn khá tốt và những người làm công tác trùng tu cũng hết sức giữ gìn nguyên trạng vẻ trầm mặc của tháp cổ. Tới thăm Po Klon Garai, du khách như được tiếp cận một phần tới lịch sử của người Chăm, tới những nét văn hóa phổ biến nhất của một tộc người đi qua suốt chiều dài lịch sử cho tới ngày hôm nay. 
 
Diệp Quỳnh