Thành phố Đà Lạt đủ duyên lành có được Thiền viện Trúc Lâm, một trong bốn thiền viện lớn nhất của Phật giáo Thiền tông ở Việt Nam. Nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh hàng đầu tại thành phố và mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến chiêm bái Phật và tham quan, vãn cảnh.
Thành phố Đà Lạt đủ duyên lành có được Thiền viện Trúc Lâm, một trong bốn thiền viện lớn nhất của Phật giáo Thiền tông ở Việt Nam. Nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh hàng đầu tại thành phố và mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến chiêm bái Phật và tham quan, vãn cảnh.
|
Du khách đến lễ bái Phật tại Chánh điện và chiêm ngưỡng lầu trống |
Thiền phái Trúc Lâm là dòng thiền đậm chất văn hóa Việt Nam, hình thành cuối thế kỷ XIII, do vua Trần Nhân Tông sáng lập và hai vị nhị tổ, tam tổ Pháp Loa, Huyền Quang nối tiếp. Khả năng dung hợp và tiếp biến văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm luôn đồng hành với dân tộc, trở thành “điểm tựa tinh thần” đoàn kết và độc lập tự chủ trước mọi khó khăn của dân tộc Việt. Bởi đây là pháp môn chủ trương nhập thế, xây dựng và phát triển đất nước bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo. Cùng phong cách kiến trúc - nghệ thuật văn hóa Việt, công trình thiền phái Trúc Lâm nêu cao ý nghĩa lưu niệm danh nhân, ghi nhận cuộc đời và sự nghiệp của các bậc cao tăng, danh nhân văn hóa của đất nước…
Mùa hè năm 1987, Hòa thượng Thích Thanh Từ lên Đà Lạt tịnh dưỡng và đã nhận ra đây chính là nơi hữu duyên nhất để chúng tăng ni tu thiền. Hòa thượng đi khảo sát, đã chọn ngọn núi Phụng Hoàng và được chính quyền Lâm Đồng chấp thuận cấp tổng diện tích đất 24 ha. Với ý tưởng phác thảo thiết kế và quy hoạch của Hòa thượng, bản thiết kế do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ (tác giả công trình Dinh Thống Nhất, Chợ Đà Lạt…) và hai kiến trúc sư Vũ Xuân Hùng, Trần Đức Lộc vẽ. Ngày 8/4/1993, lễ đặt đá và khởi công xây dựng. 8 tháng sau, Thiền viện xây dựng xong phần cơ bản, gồm 3 khu vực: ngoại viện, nội viện tăng và nội viện ni. Ngày 8/2/1994, Thiền viện Trúc Lâm cử hành lễ khánh thành và khóa thiền bắt đầu. Ngoài chánh điện, lầu trống, gác chuông, tham vấn đường, nhà tổ, thiền đường, nhà khách, khuôn viên Thiền viện tiếp tục được nâng cấp và xây dựng mới nhiều hạng mục khác như hồ Tĩnh Tâm, tịnh thất Hòa thượng, thư viện, nhà kinh sách, nhà khách Hương Vân, tượng Phật ngọc, tháp Bảo Xá lợi Phật,… Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm được Viện trưởng Thích Thanh Từ tín nhiệm chọn là Thượng tọa Thích Thông Phương, cùng lúc trụ trì 2 thiền viện lớn khác ở Việt Nam là Yên Tử (Quảng Ninh) và Chánh Giác (Tiền Giang).
Cũng như những năm trước, Xuân Di Lặc 2019, cả 3 thiền viện này đều đón du khách rất đông. Trúc Lâm Yên Tử từ ngày 28 đến ngày 6 Tết đón hơn 140.000 lượt người; Trúc Lâm Chánh Giác riêng ngày 3 Tết đón tới 40.000 người, còn Trúc Lâm Đà Lạt đến ngày 6 Tết đón khoảng hơn 60.000 người. Sáng ngày đầu năm Kỷ Hợi, một đoàn phật tử và du khách là Việt kiều trong màu áo choàng lam nhà Phật du lịch tour, gồm nhiều quốc gia: Nga, Canada, Belarus, Úc… đã có mặt tại Thiền viện Trúc Lâm. Đoàn đăng kí với Thầy tri khách Tĩnh Đàm được diện kiến đảnh lễ và chúc tết Thầy trụ trì Thích Thông Phương. Tại khu vực tiếp khách ở nội tăng, đoàn nghiêm cẩn bạch Thầy với lòng kính mộ. Đặc biệt, phật tử Helen đến từ Belarus trình diễn solo nhạc cụ Handpan một bản nhạc du dương thánh thót càng đưa không gian nhà Thiền đến diệu vợi…Helen đang chuyên tu tại chùa ở Thái Lan nói với tôi: “Ở bên Thái, chúng tôi chỉ thiền theo từng giờ, còn ở đây rất đặc biệt là được thiền mọi giờ trong ngày. Điều đó sẽ rất thuận lợi giúp người tham thiền tiến bộ nhanh hơn”. Cùng sự giúp đỡ của các bậc trí huệ tăng, Thiền viện Trúc Lâm có nhiều công dân của các nước trên thế giới đến xin tu tập. Dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, anh Pierre Laurent là giảng viên trường đại học ở Pháp đã tu tập cùng các cư sĩ, phật tử người Việt hơn 3 tuần. Hằng ngày nhìn anh hoan hỉ tham gia sám hối, tọa thiền, công tác, phổ trà, tiểu thực… mới biết anh đang thực sự an lạc đến mức nào. Chiêm ngưỡng những mái ngói của chánh điện, nhà tổ, nhà khách uốn nhẹ với nét khiêm cung của người Việt rồi đến lầu chuông chạm khắc tinh xảo những phù điêu sâu sắc của Phật giáo và bên trong treo đại hồng chung nặng 1,1 tấn với những bài kệ thấm đẫm chất đạo lý, hai đoàn du khách người Nga hết lời khen đẹp và đặc sắc. Anh Vasilyev Pukoi nói: “Chúng tôi đã đến khá nhiều vùng đất của Việt Nam, trong đó có những công trình tôn giáo, nhưng ở đây quả là đặc biệt, từ khung cảnh đến kiến trúc và khí hậu, thiên nhiên”…
Tôi cũng gặp nhiều đôi vợ là người Việt chồng là người ngoại quốc như Hoa Kỳ, Úc, Đan Mạch, Thụy Điển, Hàn Quốc… cùng gia đình đến chiêm bái thưởng lãm. Họ về quê ngoại để thụ hưởng sự an lạc bình yên toát lên từ sắc xuân khí tết đặc biệt của Việt Nam ngàn năm văn hiến. Tôi cũng bắt gặp một đoàn du khách đến từ Malaysia bước chậm rãi lên dốc theo 140 bậc tam cấp bằng đá giữa những hàng thông cao vút, vừa đi vừa tìm hiểu các loài cây trong khuôn viên thiền viện. Họ đều biểu lộ sự cảm nhận với chúng tôi về cái đẹp, sự quang sạch và hấp dẫn. Thiền viện Trúc Lâm ngoài những rặng thông xanh cao vút, những khóm tre Làng Nga vàng óng, những rặng liễu mềm mại, những bonsai sanh, si, cần thăng, bồ đề được tạo tác tỉ mẩn… còn có muôn hồng ngàn tía hương sắc của thế giới các loài hoa. Đến mấy chục loài: thiên điểu, cúc, lan, mua, sim, hồng, cọp xanh, thiên hài, cẩm tú, chuông vàng, phượng tím, thanh anh, hướng dương, hồng môn, trạng nguyên, mãn đình hồng, mao địa hoàng, hạc đình… được tạo mảng khối, đường nét, phân bố tại những tiểu cảnh ngay ngắn và hài hòa. Mọi lối đi trong thiền viện hầu như không có lá vàng rơi. Để được những không gian xanh, sạch và đẹp này, hàng ngày tăng, ni, cư sĩ và phật tử thường xuyên cắt tỉa, tưới cây và quét dọn.
Gia đình chị Trần Thị Minh Thư đến từ Hải Dương sau khi bái lễ tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu từ chánh điện bước ra, hoan hỉ bên lầu trống có cây me 300 tuổi để chụp ảnh kỉ niệm. Chị Thư chia sẻ: “Chúng tôi đã đến Đà Lạt ba lần, lần nào cũng không thể bỏ qua thiền viện này. Mỗi lần đến là ở đây lại mới hơn, đẹp hơn, thật là thích thú quá”. Nhiều du khách cũng bày tỏ về những sự chu tất trong phục vụ của Thiền viện Trúc Lâm như nhiều bình nước uống do thiền viện sản xuất đặt ở các vị trí thuận lợi; những bàn ghế đá để khách nghỉ ngơi dưới tán cây xanh rợp bóng; khu vực vệ sinh công cộng có đầy đủ giấy vệ sinh, lavabo có nước rửa tay…, tất cả đều rất sạch sẽ và gọn gàng. Đến với Thiền viện Trúc Lâm còn đặc biệt so với các nơi du lịch tâm linh khác, đó là du khách vào được phát khăn choàng để quấn, nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm, giống như những cơ sở tôn giáo nổi tiếng ở Malaysia tôi đã từng đến. Cũng là một nét đặc sắc mà rất nhiều chùa chưa làm được, đó là tại Thiền viện Trúc Lâm, khách đến chiêm bái không được đốt hương hay đốt vàng mã mê tín; cũng không có hòm công đức hay bàn viết sớ, ghi danh cúng dường…
Chỉ có vậy thì đến Thiền viện Trúc Lâm mới có sự thong dong, được hòa vào thiên nhiên khoáng đạt của cây xanh, núi cao, nước rộng, trời đất mênh mang, được hòa vào chốn Thiền môn của tiếng chuông ngân trong… Thứ âm thanh ngân trong lòng, để tự cứu rỗi, tự an ủi, tự tĩnh tại, để thêm cho mình sức lực mới về tinh thần, bao dung, trong trẻo và cháy khát ngọn lửa của sự thanh tao... Thiền và thiên nhiên hòa nhập làm một, đánh thức bản ngã chân nhân ở mỗi người. Vãn thiền viện ngày xuân thực sự là thói quen, nét sinh hoạt văn hóa của người Việt và nay là cả người nhiều quốc gia khác đến Đà Lạt. Đà Lạt đầu năm với hương xuân, sắc xuân và nắng gió xuân…; không gian thiền viện càng thiêng liêng, lung linh và lắng đọng. Một điều cũng cần biết, thành lập Thiền viện Trúc Lâm là “lý tưởng tối hậu” trong đời tu của Ân sư Hòa thượng Thích Thanh Từ. Bởi nơi đây đầy đủ mọi điều kiện thuận lợi nhất ở Việt Nam để chư tăng ni chuyên tu tinh tấn. Vì vậy, ngài đã soạn bản Thanh quy lục hòa (nội quy 6 điều hòa thuận) bắt tăng ni ở đây phải thực hiện cho được. Phép sống lục hòa làm “then chốt” đã tạo nên một nét đặc sắc trong nhà thiền, lan tỏa không gian Trúc Lâm. Tâm thanh tịnh, huệ phát sinh, xung quanh cũng nẩy sinh những niềm tin thanh tịnh...
Để ngày càng là điểm đến ý nghĩa và hấp dẫn nhất của thành phố du lịch Đà Lạt, nhân đây tôi cũng nêu điều chưa hài lòng của đông đảo phật tử, du khách cũng như nhà Thiền mà Thầy tri khách Tĩnh Đàm cho biết đã nhiều lần phản ánh với địa phương nhờ giúp đỡ. Đó là tình trạng mở quán bán hàng trước cổng thiền viện. Quán lấn chiếm lòng đường ùn ứ giao thông, vừa bán cả những thức ăn mặn thật sự rất phản cảm. Một lần nữa gửi thông tin này đến những cơ quan chức năng.
Xin kết thúc bài ghi chép đầu năm này bằng lời cảm nhận của anh Lâm Hoàng Long, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục tỉnh Lâm Đồng khi cùng vợ và con đến chiêm bái Thiền viện Trúc Lâm: “Thiền viện Trúc Lâm thực sự là điểm du lịch văn hóa và tâm linh đầu bảng của thành phố Đà Lạt từ lâu nay. Khi cuộc sống còn nhiều áp lực và cả những bất an thì đến Thiền viện mỗi con người sẽ cảm nhận tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhõm, như được trong sáng hơn, thanh sạch hơn. Đây cũng là dịp soi lại mình, chiêm nghiệm thêm nhiều điều trong cuộc sống để hướng tới những giá trị nhân văn chân thiện mĩ”. Vâng, tôi tin, mỗi du khách khi rời khỏi tam môn Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt sẽ cảm nhận được sự an lạc thân tâm, mỗi người đều có được sở đắc riêng làm hành trang trong cuộc sống và sẽ làm phúc lạc cho trần gian.
Xuân Kỷ Hợi, 2019
Ghi chép: MINH ĐẠO