Biến rác thành hoa...

10:03, 07/03/2019

Từ bãi rác khổng lồ tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, giờ đây trở thành điểm checkin thu hút du khách bởi cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn và rất nhiều loài cây trồng khác đang mỗi ngày phát triển và đơm hoa, kết trái... trên diện tích 22 ha. 
 

Từ bãi rác khổng lồ tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, giờ đây trở thành điểm checkin thu hút du khách bởi cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn và rất nhiều loài cây trồng khác đang mỗi ngày phát triển và đơm hoa, kết trái... trên diện tích 22 ha. 
 
Trồng hoa có nguồn giống từ Đà Lạt tại Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam
Trồng hoa có nguồn giống từ Đà Lạt tại Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam

Những ngày cuối năm 2018, lần đầu tiên tại Quảng Bình xuất hiện cánh đồng hoa hướng dương rộng 8.000 m 2 với hơn 30.000 bông nở rộ, khiến du khách ngỡ ngàng, say mê. Nhưng, cánh đồng hoa hướng dương chỉ là một phần trong dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam (VNP) rộng 22 ha, với nhiều sản phẩm rau hoa khác nhau. 
 
Ngoài việc phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, dự án còn đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, những cây trồng ở đây sử dụng phân hữu cơ và khoáng hữu cơ từ nhà máy xử lý rác thải và phế phẩm nông nghiệp dư thừa sau thu hoạch, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
 
Bên cạnh đó, còn có hệ thống nhà lồng trồng rau trái, như cúc bảy màu có nguồn giống từ Đà Lạt, sung Mỹ, dưa lưới, và đang trồng thử nghiệm nhiều loại cây, hoa, trái khác. 
 
Theo Công ty VNP, với ngành nghề hoạt động chính là thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, công ty đã sử dụng dây chuyền công nghệ xử lý rác thải hiện đại nhất Việt Nam được nhập và chuyển giao công nghệ từ CHLB Đức. Dây chuyền phân loại rác tự động hầu như không có công nhân trực tiếp, thậm chí còn có thể nhận dạng được sinh hóa về xương người. Trong tháng 2/2019, tổ hợp điện pin mặt trời 4,6MW của Công ty hòa lưới điện quốc gia. 
 
Người phụ nữ đã làm những điều đó là bà Phạm Thị Ngọc Tú - sinh ở Quảng Bình, nhưng sống ở Đức 34 năm. Cách đây gần 5 năm, bà trở về quê và đã làm nên điều tưởng chừng không thể làm được... Bà tâm sự: “Làm xong rồi chị mới nói! Nhưng đừng viết về chị. Các con chị ở bên Đức biết được sẽ la chị”... Nhưng, người phụ nữ nhỏ bé, bỏ vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ̉ để làm những công việc khác người tại quê hương mình, đó là trồng hoa có nguồn giống từ xứ hoa Đà Lạt, xuất khẩu dưa lưới sang Nhật và mỗi năm tiêu thụ tại Đức cả 10 ngàn tấn đất hữu cơ được làm từ rác... làm sao không ai biết cho được!
 
Bà kể, khi về Việt Nam, hằng ngày, bà thấy các con đường bị xả rác bừa bãi khắp nơi; bãi rác thành phố thì quá tải... nên nảy sinh ý định xây dựng một nhà máy xử lý rác thải và chế xuất các thành phẩm từ rác... Buổi đầu, sau khi đi khảo sát bãi rác, lập hồ sơ xin dự án bà gặp rất nhiều khó khăn. Từ lúc ủi tạm một khoảng đất làm lễ khởi công cho đến 2 năm sau mới đầy đủ giấy tờ. Đất nền của bãi rác toàn là bùn, bà phải tự bỏ tiền thuê chở cả hàng ngàn mét khối đất đó bỏ đi và chịu cả phí môi trường 22%; sau đó lại chở cả ngàn mét khối đất thịt về để nâng cao trình. Hiện tại, Công ty VNP đã mua cho 7 huyện, thành phố 7 chiếc xe thu gom rác đưa về nhà máy phân loại, xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón hữu cơ của Công ty và đang xử lý rác miễn phí cho tỉnh Quảng Bình...
 
Ở nơi chỉ có cát trắng, nắng vàng và hang động, giờ đây có thêm hương sắc rực rỡ của nhiều loài hoa trái, tạo nên một sức hút khó cưỡng về một Quảng Bình tiềm năng. Việc phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường để phục vụ du khách, không những làm phong phú thêm sản phẩm du lịch vốn đã rất đặc sắc của Quảng Bình mà còn thể hiện tấm lòng của bà Phạm Thị Ngọc Tú cùng công việc bà đang làm rất đáng học hỏi để có nhiều dự án như bà đang thực hiện được xây dựng trên đất nước Việt Nam.
 
NHẬT QUÂN - HOÀNG BÙI