Cuốn hút Hội Voi Buôn Đôn

08:03, 14/03/2019

Lễ hội Voi Buôn Ðôn khai mạc tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắk Lắk, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khá nhiều du khách quốc tế đến cổ vũ trong không khí tưng bừng lễ hội. Ðây là một trong các chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019. 
 

Lễ hội Voi Buôn Ðôn khai mạc tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắk Lắk, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khá nhiều du khách quốc tế đến cổ vũ trong không khí tưng bừng lễ hội. Ðây là một trong các chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019. 
 
Voi thi chạy.
Voi thi chạy
Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từ trước 8 giờ sáng ngày 12/3 đã có mặt đông đảo dân làng, dân phố thị và từng đoàn khách du lịch quốc tế quây quần với 15 “thí sinh voi” chuẩn bị tranh tài. Rất đông khách đến xem liên tục dùng smartphone để ghi lại bức ảnh gần gũi với những chú voi rừng thuần dưỡng có tuổi đời từ 28 đến 51, cao to và rất hiền lành thân thiện với mọi người xung quanh. Không khí quanh khu vực thửa đất rộng hàng ngàn mét vuông dành cho trung tâm lễ hội xã Krông Na, huyện Buôn Đôn rộn ràng hẳn lên. 
 
Voi thi bơi.
Voi thi bơi
 
Các tiết mục văn nghệ múa hát đặc sắc khai mạc Lễ hội Voi Buôn Đôn lần lượt trình diễn phục vụ khách trẩy hội. Trước khoảng sân rộng lớn, Ban Tổ chức Hội dựng lên cây nêu tủa ra nhiều cành kết nối lên trời cao. Hàng chục diễn viên người đồng bào dân tộc thiểu số đi thành từng hàng vòng tròn quanh cây nêu đánh cồng chiêng ngân vang, nhảy múa vui nhộn cả một không gian rộng lớn của xã biên giới Krông Na. Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng của huyện Buôn Đôn đã và đang được phát huy, từng bước thu hút đầu tư mở rộng phát triển. Hội Voi Buôn Đôn mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tôn vinh tinh thần thượng võ, tái hiện cảnh săn bắt thuần dưỡng voi rừng làm bạn với con người, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bảo vệ môi trường thiên nhiên bền vững, quảng bá hình ảnh du lịch độc đáo của địa phương. 
 
Voi dùng buffet.
Voi dùng buffet
 
Kế tiếp theo sau lời phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk là phần cúi đầu chào ra mắt lần lượt của 15 “thí sinh voi”. Trên lưng mỗi chú voi được điều khiển bởi 2 nam thanh niên nhanh nhẹn, lên sân khấu nhận cờ lưu niệm từ Ban Tổ chức rồi cưỡi voi diễu hành mấy vòng trước sân khán đài trong sự vỗ tay nồng nhiệt của hàng ngàn người xem. 
 
Voi đá bóng.
Voi đá bóng
 
Phần thi đầu tiên của 15 “thí sinh voi” là chạy cự ly 100 m. Mỗi lần thi với 5 “thí sinh voi” vào vị trí xuất phát chờ tiếng còi trọng tài vang lên mới “tung vó” chạy. “Không được dùng búa điều khiển voi. Nếu vi phạm sẽ không tính điểm!”. Tiếng trọng tài nhắc nhở. Phóng viên nhận thấy chỉ những tích tắc rất nhanh, “thí sinh voi” đầu tiên đã cán đích chạy cự ly 100 m, nhận được tiếng hò reo cuồng nhiệt của khán giả. Những “thí sinh còn lại” cũng lần lượt cán đích với một vài phút sau đó. 
 
Người xem lại bám theo đàn “voi thí sinh” dự tiệc buffet để chiêm ngưỡng và ghi hình lưu niệm. Đến phần thi đá bóng thật tưng bừng. Mỗi đội có 4 “cầu thủ voi”, đá mỗi hiệp khoảng hơn 5 phút. Qua nhiều pha tranh chấp bóng giữa những bàn chân to bè của “cầu thủ voi” đã vang lên những tràng pháo tay số đông cổ vũ từ phía khán giả. Đặc biệt khi một “cầu thủ voi” ghi bàn, khán giả cả khu vực sân bóng nhộn nhịp tiếng cười, tiếng hô “dô, dô” kéo dài như đang cổ vũ trước một trận bóng hay. 
 
Voi chiến thắng chào khán giả.
Voi chiến thắng chào khán giả
 
Ấn tượng nhất là phần thi của 10 “thí sinh voi” bơi qua bến Tha Luống (Bến Vua) thuộc một nhánh sông Sêrêpôk của đại ngàn Tây Nguyên. Cuộc thi bắt đầu lúc 15 giờ 30 phút cũng được người xem đến trước ngồi hai bên bến sông chờ đợi. Mười mấy chiếc xuồng máy nhỏ liên tục hoạt động chở khách qua lại, chọn một vị trí thích hợp để xem trọn vẹn buổi voi phô diễn khả năng bơi qua sông. Quả thực khán giả đã phấn khích hẳn lên khi một “thí sinh voi” đầu tiên ngụp lặn nhanh xuống sông, chỉ nhô lên khỏi mặt nước một đường sống lưng “cõng” người điều khiển lướt bơi qua sông lấy cờ rồi bơi trở lại bến xuất phát. Cuộc đua mỗi lúc thêm kỳ thú khi kết quả tăng tốc bơi nước rút của những “thí sinh voi” còn lại vang động tưng bừng cả một khúc sông Sêrêpôk. Một nữ sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, thuộc xã Krông Na bày tỏ: “Chúng em rất vui khi địa phương tổ chức Hội thi Voi Buôn Đôn vào ngày 12/3 này. Hội thi không chỉ giúp chúng em có cuộc sinh hoạt bổ ích, tiếp nhận những thông điệp bảo vệ bền vững môi trường thiên nhiên, mà còn được hiểu sâu sắc thêm những giá trị mang lại cho việc phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc...”.
 
Kết thúc cuộc thi voi bơi qua bến Tha Luống, ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch, Trưởng Tiểu ban điều hành voi huyện Buôn Đôn nói: “Hội thi Voi Buôn Đôn 2 năm tổ chức một lần gắn với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Để cuộc thi voi bơi có kết quả, tạo ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước, chính quyền huyện Buôn Đôn chúng tôi đã thống nhất với các đơn vị thủy điện tích đủ nước cho bến sông Tha Luống từ vài ngày trước. Và để có 15 “thí sinh voi” tham gia cuộc thi bơi này, huyện Buôn Đôn chúng tôi đã phối hợp với tổ chức bảo vệ động vật châu Á lựa chọn trong số 26 chú voi thuần dưỡng ở địa phương...”. 
 
Chia tay Buôn Đôn với Hội thi voi khá ấn tượng nêu trên, du khách chắc sẽ khó quên và luôn nghĩ đến những ngày trở lại khám phá tiếp tục loại hình du lịch khá đặc sắc và lôi cuốn như vậy...
 
V.VIỆT - N.NGHĨA - L.HOA