Nếu bạn đi cung đường du lịch từ Ðà Lạt xuống thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), bạn sẽ bắt gặp những hàng dãy cót, nong, tre cật... được phơi khắp đường. Ðó là nguyên liệu để người dân đan lát nong, né bán cho người nuôi tằm. Và cái nghề xa xưa làm khi lúc nông nhàn lại có "sức hút" lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng...
Nếu bạn đi cung đường du lịch từ Ðà Lạt xuống thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), bạn sẽ bắt gặp những hàng dãy cót, nong, tre cật... được phơi khắp đường. Ðó là nguyên liệu để người dân đan lát nong, né bán cho người nuôi tằm. Và cái nghề xa xưa làm khi lúc nông nhàn lại có “sức hút” lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng...
|
Anh David và bạn gái cực kỳ thích thú với nghề đan nong, né ở tổ dân phố Từ Liêm 2. Ảnh: P.Vân |
Đến với tổ dân phố Từ Liêm 2 vào những ngày cuối mùa khô, đây là thời điểm nông nhàn của nông dân trồng cà phê. Tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Phúc đang là lúc ông hướng dẫn cho du khách các công đoạn để làm ra một chiếc nong tằm. Ông kể, quê ông vốn ở Hà Nam, nơi có nghề đan mây tre truyền thống, làm ra những vật dụng thân thuộc với đồng quê, bình dị và mộc mạc như: các loại rổ, rá, dần, sàng hay quang gánh, thúng mủng, gầu tát nước, nong, nia, cót thóc… Khoảng 20 năm trước, thấy bà con nuôi tằm ở vùng đất kinh tế mới dùng nhiều nong, né mà phải đi mua ở xa, từ đó chúng tôi chuyển sang nghề làm nong, né, đũi phục vụ cho người nuôi tằm. Giờ nong, né của xóm bán khắp vùng tằm Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, nhiều người tận Đắk Lắk cũng sang đây lấy hàng. Nghề mây tre đan vẫn chỉ được coi là một nghề phụ của người dân tranh thủ làm khi lúc nông nhàn để kiếm đồng ra đồng vào. Gia đình nào cũng duy trì nghề đan lát của cha ông, cứ thấy nhà này làm, nhà khác cùng làm nên hiện tại ở đây có khoảng 20 nhà làm nghề đan nong, né. Riêng gia đình ông Phúc, cả 2 vợ chồng đều làm nên mỗi ngày có thể sản xuất ra được 4 - 5 sản phẩm nong, né, đũi, cót các loại.
Ngoài cung cấp cho những hộ dân có nhu cầu nuôi tằm; các mặt hàng đẹp có mẫu mã, kiểu dáng, đa dạng về sản phẩm còn “chắp cánh” cho mây tre đến tay những người yêu thích sản phẩm từ “tre xanh xanh tự bao giờ”. Đó là khi những chiếc nong, nia, dần, sàng... phần lớn được các homestay, nhà hàng, quán cà phê ở Đà Lạt cũng đặt làm những sản phẩm bằng mây tre để làm vật trang trí, tạo không gian thuần Việt và còn phù hợp với xu hướng ưa chuộng những sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Để làm nên một sản phẩm đối với người thợ đan lát đó là một nghệ thuật. Sản phẩm tre càng đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn của người thợ mới tạo nên được. Các sản phẩm nong, né được làm từ lồ ô, một loại tre phổ biến tại Lâm Đồng. Lồ ô được trồng và chở ra từ Đam Rông, bà con ở đây mua với giá 300 đồng/kg. Sau đó được phơi khô hay tùy đơn hàng theo yêu cầu mà người làm phải ngâm tre để tránh mối mọt. Kế tiếp mới tới công đoạn phân tách lồ ô ra thành khúc để làm đũi, uốn tròn làm cạp nong, tách thành nan để đan nong, né, cót quây dâu...
Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, xã hội mà nghề mây tre đan mang lại thì hiện nay làng nghề đang dần trở thành địa chỉ có tiềm năng khai thác du lịch và phát triển các tour, tuyến du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Chính sự độc đáo từ khâu nguyên liệu đến quy trình sản xuất thủ công để tạo ra những sản phẩm đặc sắc thuần Việt chứa đựng nền văn minh lúa nước của làng nghề đã rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm hiếu kỳ của du khách, đặc biệt là đối tượng khách nước ngoài.
Vì vậy, bên cạnh làng nghề trồng dâu nuôi tằm, có thể khẳng định nghề đan lát cũng là một trong những yếu tố có thể đưa vào khai thác, thu hút du lịch tại đây.
Đã từ lâu làng quê yên bình là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài cùng với những sản phẩm từ nghề truyền thống mà những sản phẩm thủ công từ tre, trúc là một ví dụ. Du khách đến thăm làng nghề có thể được “mục sở thị” thấy người dân với đôi bàn tay linh hoạt, điêu luyện của mình thực hiện thành thục các thao tác để tạo ra các sản phẩm. Anh David (du khách Mỹ) chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến từ đầu tới cuối công đoạn làm ra một chiếc nong tằm. Tôi đặc biệt yêu thích những sản phẩm làm từ những vật liệu thiên nhiên như tre, gỗ... Tôi sẽ mua một sản phẩm nhỏ có thể mang đi được như quạt, bình hoa trang trí. Đây thật sự là điểm rất hấp dẫn và thu hút sự thích thú của tôi cũng như các bạn du khách khác.
Tiềm năng phát triển du lịch ở đây rất lớn xuất phát từ chính nội tại của việc sản xuất trong làng nghề, đến đây du khách không chỉ du lịch tham quan làng nghề mà còn có thể kết hợp du lịch tâm linh và du lịch sinh thái thác Voi.
Ông Phúc cho biết, lượng khách du lịch đến với làng nghề đan nong, né Từ Liêm 2 ngày một đông, có ngày người dân đón đến 30 - 40 lượt du khách đến tham quan. Để gắn sự phát triển của làng nghề, tạo động lực kích cầu du lịch hơn nữa, trong thời gian tới cần tập trung phát triển hơn nữa nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất của làng nghề thông qua chương trình hỗ trợ sản xuất, thành lập HTX sản xuất theo quy mô lớn, chứ không phải như hiện tại mạnh nhà ai nhà nấy làm. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường cũng như của du khách. Kết hợp các công ty du lịch xây dựng các tour du lịch phục vụ du khách tham quan làng nghề mang tính chuyên nghiệp, để cho du khách trong và ngoài nước biết đến những làng nghề thủ công truyền thống còn hiển hiện ở thị trấn Nam Ban.
PHONG VÂN