Tháng tư về, khi cả nước đang sống trong không khí hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, của ngày giải phóng miền Nam lịch sử, chúng tôi - những người con sống ở miền Nam ngược ra Bắc để lên thăm đền thờ Bác giữa Ba Vì non thiêng.
Tháng tư về, khi cả nước đang sống trong không khí hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, của ngày giải phóng miền Nam lịch sử, chúng tôi - những người con sống ở miền Nam ngược ra Bắc để lên thăm đền thờ Bác giữa Ba Vì non thiêng.
|
Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Vua. |
Ðền thờ trên đỉnh non thiêng
Sau khoảng 1h đồng hồ di chuyển từ trung tâm thủ đô Hà Nội oi nồng, chúng tôi đến cổng Vườn Quốc gia Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Men theo những rặng dã quỳ đang mùa xanh lá lên con dốc quanh co với những khúc cua tay áo, chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm cốt 1.100 trong sương mù se lạnh. Đường lên đỉnh bao quanh ngọn núi. Sự thay đổi của hướng gió va vào vách núi dẫn đến những kiểu thời tiết khác nhau lúc trời quang, khi mây mù.
Non ngàn Ba Vì huyền thoại được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Nơi đây, cao nhất là đỉnh Vua với 1.296 m. Ở giữa là đỉnh Tản Viên, cao 1.281 m. Và thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1.120 m. Trên đỉnh Tản Viên có đền Thượng thờ Thánh Tản - một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt (Thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh). Còn trên đỉnh núi Vua cao nhất tọa lạc ngôi đền thờ người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu - Bác Hồ.
Từ trạm kiểm lâm, chúng tôi leo các bậc thang đá bên vách núi, đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh. Trải qua bao mưa nắng dãi dầu của thời gian, những thân cây hàng trăm năm tuổi nơi này được phủ đầy rêu phong. Chinh phục qua 1.320 bậc thang đá, chúng tôi đã đặt chân tới đền thờ Bác Hồ. Thật lạ kỳ, lên tới nơi, cảm giác mệt vì leo núi tan biến hẳn trong sương, trong cây lá, trong bầu không khí trong lành và trong cả sự chào đón nồng hậu của những người kiểm lâm đang trong ca trực ở nơi này.
Qua lời giới thiệu của anh Tô Văn Nam - Trạm phó Trạm Kiểm lâm cốt 1.100: Đền thờ Bác được đặt hướng chính theo hướng Nam, chếch sang Đông khoảng 3-5 độ. Đền được khởi công xây dựng ngày 1/3/1999 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Kỷ Mão), khánh thành ngày 31/8/1999 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Mão), đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Bác (theo ngày Âm lịch).
Đền thờ Bác có diện tích khoảng 150 m2, được thiết kế theo kiểu kiến trúc xà cột, 2 tầng 8 mái đao cong, tạo thế vững chãi, uy nghiêm. Chính điện là không gian mở, không có cửa. Xung quanh bố trí những băng ghế ngồi bằng gỗ để mọi người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Kiến trúc của đền thờ đảm bảo phù hợp với lời dặn của Bác trong Di chúc (là xây một cái nhà với những dãy ghế xung quanh để mọi người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi). Đền thờ không có cửa nên thoáng đãng, tràn sinh khí.
Trung tâm chính điện là bàn thờ và tượng Bác trong tư thế ngồi, phía trên treo bức phù điêu với dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên cao, lá cờ Tổ quốc được ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Hai bên bàn thờ có chuông đồng và khánh đồng. Bức tượng của Người được đặt ở vị trí trang trọng tại ngôi đền.
Chính giữa cửa đền hiện diện phiến đá xanh nguyên khối, phía trong khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía ngoài khắc trích đoạn Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đọc tại lễ truy điệu Bác năm 1969. Phiến đá như tấm bình phong che chắn cho ngôi đền. Trước phiến đá đặt chiếc trống đồng, phiên bản của trống đồng Hy Cương (Phú Thọ) có đường kính rộng 79 cm (tượng trưng cho 79 năm hưởng thọ của Bác), chiều cao 69 cm (để ghi dấu năm 1969 Bác Hồ kính yêu về với thế giới người hiền).
Sau đền có bức phù điêu với biểu tượng trống đồng và bản đồ nước Việt Nam thu nhỏ có gắn chữ nổi bằng đồng, trích câu nói của Bác: “Nước Việt Nam là một; Dân tộc Việt Nam là một; Sông có thể cạn; Núi có thể mòn; Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Ở Đền thờ Bác Hồ, bất kể trời nắng, mưa hay tuyết rơi giá rét vẫn không lúc nào thôi khói hương. Bởi nơi đây luôn có những người lính kiểm lâm không quản ngại gian khổ, vất vả, thiếu thốn... túc trực để trông coi, hương khói cho Người.
|
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường lên thăm đền thờ Bác và chụp hình lưu niệm với kiểm lâm - thủ từ ở nơi này. |
Những người “thủ từ” đặc biệt
Nếu như tại đa số các đình, đền, người già thường đảm trách việc trông nom hương khói, nhưng ở đền thờ Bác Hồ thì khác, thủ từ là những người kiểm lâm trẻ.
Chúng tôi gặp anh Trần Ngọc Chính - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1.100, Vườn Quốc gia Ba Vì khi anh đang thoăn thoắt buộc từng chồng gạch bốn viên để du khách mỗi người lên góp chút sức mang những viên gạch hồng lên tôn tạo tuyến đường lên đền thờ Bác Hồ. Anh Trần Ngọc Chính cho biết: “Trạm kiểm lâm được thành lập từ năm 1996, với 5 thành viên. Hiện trạm có 10 thành viên. Ngoài nhiệm vụ chính là quản lý bảo vệ gần 1.000 ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Ba Vì nằm ở độ cao từ 800 m trở lên, anh em trong trạm còn có nhiệm vụ thiêng liêng là túc trực bảo vệ, trông nom, hương khói đền thờ Bác Hồ. Đây là công việc rất đặc thù và đầy tự hào của anh em”.
Công việc hàng ngày của các anh là quản lý bảo vệ đền, đón tiếp hướng dẫn khách tham quan và coi sóc đèn hương nơi thờ Bác. Anh em thực hiện nhiệm vụ luân phiên theo ca, đảm bảo 24/24 giờ có mặt để bảo vệ, trông coi đền thờ Bác. Riêng tại khu vực đền, trong ngày ít nhất lúc nào cũng phải có hai người làm nhiệm vụ.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ngoài là những người “thủ từ” ở đền Bác, họ còn làm hướng dẫn viên ân cần đón bà con khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và bạn bè nước ngoài đến thắp nén tâm nhang lên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ công việc ấy đã trở thành một phần cuộc sống của những người kiểm lâm nơi này. Ngoài việc hướng dẫn chúng tôi thực hiện các nghi thức khi vào đền thờ Bác, các anh kiểm lâm còn như hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tự tin và tường tận khi giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và sự hình thành của ngôi đền thờ người Cha già kính yêu của dân tộc.
Những người kiểm lâm trẻ nơi đây đón chúng tôi, đón du khách luôn bằng những nụ cười hiền. Bên ấm trà xanh nghi ngút khói, lộc thắp nhang đền thờ Bác được anh em mang ra mời khách. Câu chuyện của các anh gần lại trong không gian nơi đây. Không có tết, không nghỉ lễ, những người nhà ở xa có khi nhiều tháng mới về thăm nhà. Lúc các gia đình quây quần, các anh vẫn làm nhiệm vụ. Vậy nhưng không một ai thở than, ngược lại họ luôn cảm thấy vui, thấy vinh dự, tự hào khi được làm “thủ từ” ở đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Du khách mang từng chồng gạch lên núi. |
Mỗi năm, đền thờ Bác Hồ tại đỉnh Vua - núi Ba Vì đón hàng trăm ngàn lượt khách. Trong đó, có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào, chiến sỹ, đoàn khách quốc tế đến thăm viếng Bác. Để công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan được chu đáo, an toàn, đã có sự đóng góp không nhỏ của Trạm Kiểm lâm cốt 1.100 Vườn Quốc gia Ba Vì.
Sau mỗi ca gác đền, những kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì vẫn phải đảm nhiệm công việc chuyên môn đi tuần rừng, ngăn chặn việc khai thác vi phạm lâm luật; tuyên truyền cho bà con đồng bào Dao, Mường trồng rừng, giữ rừng và làm giàu từ rừng.
Đoàn người từ khắp nơi vẫn lần lượt lên với đền thờ Bác. Giữa non thiêng Ba Vì trời xanh, núi xanh, mây trắng, trên đỉnh Vua, trước khói hương từ đền thờ của người Cha già dân tộc, những người con ở mọi miền Tổ quốc cùng tề tựu về đây, thành kính thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ về Người.
N.NGÀ - H.YÊN