Nhiều năm nay, tuyến du lịch tự phát Núi Voi - Làng Gà đã và đang thu hút nhiều du khách trải nghiệm và khám phá. Mới đây, đích thân Bí thư Huyện ủy Ðức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc đã có chuyến khảo sát thực địa tuyến du lịch này để xúc tiến chính thức đưa vào khai thác du lịch.
Nhiều năm nay, tuyến du lịch tự phát Núi Voi - Làng Gà đã và đang thu hút nhiều du khách trải nghiệm và khám phá. Mới đây, đích thân Bí thư Huyện ủy Ðức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc đã có chuyến khảo sát thực địa tuyến du lịch này để xúc tiến chính thức đưa vào khai thác du lịch.
|
Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực địa hơn chục km đường rừng. Ảnh: T.Vũ |
Hấp dẫn từ địa danh lịch sử
Núi Voi là tên gọi để chỉ một dãy núi hùng vĩ, trải dài gần 10 km và có hình dạng giống như một con voi rừng khổng lồ đang phủ phục, đầu hướng về TP Đà Lạt. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây với lợi thế là khu rừng núi liên hoàn rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng và là cửa ngõ của TP Đà Lạt, nên được chọn là căn cứ hoạt động bí mật của Thị ủy Đà Lạt, đồng thời là căn cứ tiền phương của Tỉnh ủy và của Khu VI. Từ đó, người ta gọi là Khu căn cứ kháng chiến Núi Voi nằm giữa vùng rừng rộng lớn thuộc địa bàn các xã: Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Hiệp An (Đức Trọng) và Gia Lâm, Đông Thanh (huyện Lâm Hà). Hiện nay, Khu căn cứ Núi Voi vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích như: Các hầm chiến đấu, hầm hoạt động bí mật, nơi huấn luyện tân binh của các lực lượng cách mạng đã sống và hoạt động tại đây. Năm 2013, Khu căn cứ kháng chiến Núi Voi đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Và nhiều năm qua, khu vực này cùng với rừng già Núi Voi đã hình thành tuyến du lịch leo núi, lội rừng hấp dẫn du khách.
|
Các nghệ nhân biểu diễn đàn truyền thống tại đêm hội cồng chiêng. Ảnh: T.Vũ |
Để đến với Núi Voi, du khách có khá nhiều sự lựa chọn cách thức và điểm đến trên núi. Nếu muốn thử cảm giác mạnh thú vị dành cho những tay leo núi hay những du khách có niềm đam mê với núi rừng, du khách có thể chọn cung đường mạo hiểm nhưng cũng đầy thú vị bằng cách men theo triền đồi trải đầy lá thông khô, thám hiểm sự hùng vỹ, kỳ thú của Núi Voi. Nếu chọn cung đường này, càng lên cao, du khách sẽ càng khám phá ra những điều vô cùng kỳ thú của thiên nhiên với những con suối nhỏ nước chảy vắt ngang lối đi, được thỏa thích ngắm những giò lan rừng đủ màu sắc treo trên những thân cây cổ thụ... Đặc biệt, đi xa hơn chút nữa, du khách sẽ được tận mắt ngắm những cây thông đỏ hàng ngàn năm tuổi đến 3 người ôm không xuể và tận hưởng những buổi cắm trại nơi núi rừng hoang dã. Còn nếu muốn nhàn nhã hơn, du khách có thể chọn cách tản bộ men theo những con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo, và dù đi theo cung đường nào thì điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình đầy thú vị từ khu căn cứ Núi Voi xuống chân núi là được ghé thăm Làng Gà Darahoa. Dù đây chỉ là một buôn làng nhỏ nép mình dưới chân Núi Voi hùng vĩ, nhưng từ nhiều năm qua, Làng Gà Darahoa - nơi định canh, định cư của hơn 300 hộ đồng bào các dân tộc K’Ho, Cill..., đã là điểm dừng chân đầy hấp dẫn của nhiều tour du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Đến với Làng Gà Darahoa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng chú gà trống 9 cựa to lớn đứng hiên ngang trên một mô đất cao, xa xa phía sau là dãy Núi Voi hùng vĩ và đầy những truyền thuyết bí ẩn, bất ngờ... mà còn được tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc K’Ho, Cill, với các loại xà rông, ùi và các sản phẩm dùng làm quà lưu niệm cho du khách như túi xách, băng đô, những chiếc ba lô nhỏ xinh với nhiều hoa văn sặc sỡ đặc trưng của người dân tộc Tây Nguyên. Và đặc biệt, cũng tại nơi đây, khi màn đêm buông xuống, du khách còn được hòa mình cùng những nhịp cồng chiêng của người dân bản địa.
|
Các nghệ nhân cồng chiêng của Làng Gà biểu diễn tại đêm hội. Ảnh: T.Vũ |
Mang đậm tính giáo dục
Mới đây, đoàn công tác do Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tuyến du lịch Làng Gà - Núi Voi và kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại xã Hiệp An. Cùng đi còn có Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Nguyên và lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại và du lịch tỉnh, các phòng, ban chuyên môn của huyện.
Ngay sau chuyến khảo sát, để tuyến du lịch trên sớm hình thành, Bí thư Nguyễn Ngọc Phúc cũng đã chỉ đạo xã Hiệp An bắt tay tôn tạo môi trường, cảnh quan Làng Gà Darahoa, quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa bản địa tại Làng Gà Đarahoa với việc phục dựng nhà rông, nhà sàn của đồng bào K’Ho, Cill, tôn tạo cảnh quan khu vực tượng gà trống, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công như dệt thổ cẩm...; mặt khác, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh khảo sát, lựa chọn, khôi phục, tôn tạo một số di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược tại căn cứ địa cách mạng Núi Voi. Đồng thời, cũng sẽ chú trọng tôn tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học... Bí thư Nguyễn Ngọc Phúc cho biết thêm: Trong tương lai khi hình thành tuyến du lịch mới này, huyện cũng không đặt nặng vấn đề thu ngân sách cho địa phương mà là tạo ra một loại hình du lịch mới cho Đức Trọng nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Và quan trọng là loại hình du lịch này mang tính giáo dục cao, nhất là đối với học sinh, sinh viên, nói chung là lớp trẻ về văn hóa lịch sử và ý thức bảo vệ môi trường rừng.
|
Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực địa hơn chục km đường rừng. Ảnh: T.Vũ |
Nói thêm về tuyến du lịch này, bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết: “Hiện tuyến du lịch dã ngoại Núi Voi cũng đã được nhiều đơn vị lữ hành khai thác phục vụ cho nhu cầu tham quan, dã ngoại của du khách và gắn với tuyến du lịch này này có Làng Gà Darahoa. Chúng tôi cho rằng yếu tố đậm đặc về văn hóa dân tộc ở tại Làng Gà này vẫn còn bảo tồn rất tốt và chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, cùng với địa phương, ngành và các ngành liên quan sẽ phối hợp cùng với các đơn vị lữ hành nghiên cứu để phát triển tuyến du lịch này thành một tuyến du lịch thường xuyên phục vụ cho du khách có nhu cầu tham quan, khám phá”.
THY VŨ