Về Ðồng Tháp thăm làng chiếu Ðịnh Yên

08:04, 11/04/2019

Ðồng Tháp không chỉ nổi tiếng với màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng lúa, với những đầm hoa sen ngào ngạt hương thơm, mà còn được biết đến là nơi có nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm tuổi, trong đó nổi bật nhất phải nhắc đến là làng chiếu Ðịnh Yên. Làng nghề làm chiếu này mới đây đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.

Ðồng Tháp không chỉ nổi tiếng với màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng lúa, với những đầm hoa sen ngào ngạt hương thơm, mà còn được biết đến là nơi có nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm tuổi, trong đó nổi bật nhất phải nhắc đến là làng chiếu Ðịnh Yên. Làng nghề làm chiếu này mới đây đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.
 
Chiếu Định Yên hiện là thương hiệu nổi danh cả nước. Công đoạn đóng gói sản phẩm ở HTX chiếu Định Yên. Ảnh: N.Thi
Chiếu Định Yên hiện là thương hiệu nổi danh cả nước. Công đoạn đóng gói sản phẩm ở HTX chiếu Định Yên. Ảnh: N.Thi
 
Làng chiếu Định Yên thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, đã hình thành từ hàng trăm năm nay. Chúng tôi đến Định Yên vào buổi sáng trời nắng khá đẹp. Nhờ có hẹn trước nên chúng tôi được một cán bộ xã cùng một số người dân tham gia làm du lịch cộng đồng để quảng bá làng nghề chờ đón ngay ở phía trước cổng chào của xã và dùng xe honda chở chúng tôi len lỏi vào tận từng ngõ ngách của các ấp tham quan, tìm hiểu về làng nghề truyền thống này. Không chỉ phía trước những khoảnh sân, hiên nhà, mà dọc những con đường nối từ ấp này sang ấp kia trải bê tông vừa được đầu tư theo chuẩn nông thôn mới khá sạch đẹp cũng được người dân hai bên đường tận dụng để phơi lác và chiếu. 
 
Người dân vô cùng thân thiện và sẵn sàng trò chuyện để giải thích hay cung cấp thông tin cho khách về nghề truyền thống của họ. Chúng tôi ghé thăm gia đình cô Tám Hoa, gặp cô đang ngồi dệt chiếu bên hiên nhà. Cô cho biết, hai năm nay gia đình được hỗ trợ vay vốn để mua máy dệt nên ngoài thời gian làm ruộng là cả nhà lại tranh thủ ngồi dệt chiếu. “Dệt máy vừa nhanh, sản phẩm lại đẹp hơn nên hiện tại hầu hết người dân trong xã cũng đã chuyển từ dệt tay sang dệt máy. Thu nhập từ nghề này tăng lên thấy rõ”. 
 
Nếu trước đây, dệt chiếu cho thu nhập khá thấp và bà con khó có thể làm giàu từ nghề này do số lượng ít, tốn công thì vài năm trở lại đây, làng chiếu Định Yên nhờ thay đổi tư duy, sáng tạo hơn trong mẫu mã, đầu tư công nghệ hiện đại hơn nên lại trở thành kế sinh nhai và làm giàu của không ít hộ dân trong xã. Theo thống kê của xã, có tới hơn 70% người dân Định Yên làm nghề dệt chiếu. Bên cạnh việc thay đổi kỹ thuật dệt, mẫu mã đa dạng, nhờ có các hợp tác xã chiếu và tổ hợp tác dệt chiếu hình thành nên bà con đã không còn phải lo lắng nhiều về đầu ra của sản phẩm. Cũng nhờ có đầu ra ổn định nên người dệt chiếu Định Yên hiện chủ yếu tập trung nhiều vào việc sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đẹp, bền đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 
 
Cô Tám Hoa kể cho chúng tôi nghe về qui trình làm chiếu khá tỉ mỉ nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo và tài hoa nhất định. Những sợi lác được chọn lựa mua về ngay tại khu chợ nổi cách đó khoảng 3km. Mang về, chúng sẽ được phơi khô rồi chẻ nhỏ ra thành từng sợi mảnh. Phơi dưới ánh nắng mặt trời, các sợi lác sẽ dẻo dai và chắc bền hơn. Sau khi đạt được độ khô theo ý, chúng sẽ được mang đi nhuộm màu để tạo hoa văn trong quá trình dệt. 
 
Chợ chiếu nổi họp cả ngày và đêm. Ảnh: N.Thi
Chợ chiếu nổi họp cả ngày và đêm. Ảnh: N.Thi
 
Có thể khẳng định rằng, chiếu Định Yên từ lâu đã vang danh với các loại chiếu hoa văn. Cách thức tạo ra những hoa văn trên chiếu đối với chúng ta khá phức tạp, nhưng với người Định Yên lại vô cùng đơn giản. Họ chủ yếu sử dụng một số màu sắc chính là vàng, xanh, đỏ và màu cỏ nguyên bản. Sau khi được nhuộm màu, những bó lác sẽ được phơi thêm một lần nữa để không bị ra màu rồi dệt thành những chiếc chiếu hoa văn. Tiếng máy xập xình chạy rất nhanh, bàn tay chị Hoa cũng thoăn thoát kéo từng sợi lát đủ màu sắc cài vào chiếc kim nhỏ mà không hề lạc nhịp. Cứ sợi xanh, sợi vàng rồi đến xen vài sợi đỏ giữa nhưng bó lác to đặt ngay trước mặt, những chiếc chiếu được hình thành từ những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa như thế của người Định Yên. 
 
Chiếu của bà con trong ấp hầu hết bán cho các hợp tác xã hoặc các tổ hợp tác. Một tỷ lệ khác được bà con đưa ra chợ chiếu bán sỉ và lẻ với nhiều mức giá khác nhau tuỳ chủng loại và hoa văn. Chợ chiếu ở đay cũng khá độc đáo. Vừa họp trên bờ, vừa họp dưới nước. Nếu như trên bờ có rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ, chen nhau dưới ánh đèn thì dưới bến, hàng trăm ghe, xuồng của con buôn đến từ các tỉnh cũng họp sáng đêm để chọn hàng. Thông thường, mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm để có thể chọn được đủ số lượng và màu sắc, hoa văn theo ý sau đó mới nhổ neo toả đi bán ở khắp các nơi ở vùng miền Tây sông nước. Chợ chiếu cũng là nơi tập trung ghe thuyền chở nguyên liệu làm chiếu như bố, lác… từ Sa Đéc, Vĩnh Long… đổ về đây cung cấp cho người làm chiếu Định Yên.
 
Gọi là chợ nhưng cuộc sống sông nước khá yên bình. Ghe cứ đậu sát bờ, mọi người ngồi trên ghe trò chuyện, mọi sinh hoạt như đang ở nhà. Người tới mua cũng tự nhiên rút từng sợi lác trên ghe để kiểm tra độ dai, độ bền của lác rồi thoả thuận và kêu người chở về. 
 
Ngoài sự thú vị về màu sắc, cuộc sống làng nghề vùng sống nước, dạo một vòng các ấp, hình ảnh khiến chúng tôi thú vị hơn nữa đó là cảnh các thế hệ trong một gia đình mỗi người một công đoạn cùng quây quần ngồi trong khuôn viên nhà để dệt chiếu. Người dân xã Định yên tự hào nói với chúng tôi rằng: “Người Định Yên hơn 100 năm qua vẫn sống yêu nghề như thế. Chúng tôi vẫn giữ nghề dệt chiếu theo kiểu cha truyền con nối và thổi hồn vào từng chiếc chiếu như thế”. Chẳng thế mà Làng chiếu Định Yên hiện không chỉ phát triển mạnh về nghề truyền thống mà còn trở thành một điểm thăm quan du lịch tìm hiểu về văn hoá làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
 
NGUYÊN THI