Hiến kế phát triển du lịch tại Diễn đàn kinh tế tư nhân VN 2019, ngày 2-5 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất một chính sách thị thực (visa) mở, linh hoạt giúp ngành du lịch cất cánh, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Hiến kế phát triển du lịch tại Diễn đàn kinh tế tư nhân VN 2019, ngày 2-5 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất một chính sách thị thực (visa) mở, linh hoạt giúp ngành du lịch cất cánh, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, đề xuất xây dựng một chính sách visa mở tại diễn đàn - Ảnh: Đ.HÀ |
Góp ý tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cho rằng nếu muốn phát triển du lịch, Việt Nam cần có chính sách mở hơn về visa.
Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông, vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak tháng 5-2019.
Cùng quan điểm, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist, cho biết thêm thủ tục cấp visa của chúng ta khiến những người xin cảm thấy không được chào đón. Ông Sơn đề xuất miễn visa cho nhiều quốc gia, có thể miễn 5 - 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Vị này cũng cho rằng ngành du lịch Việt Nam chưa có dữ liệu, chưa có chiến lược cụ thể để thu hút thị trường tiềm năng mà đang tập trung vào đại trà, thiên về lượng hơn là chất.
"Hiện nay các sản phẩm du lịch của Việt Nam không rõ đang nhắm tới gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm giải trí? Việt Nam đã có những sản phẩm thương mại quốc gia chưa? Hàn Quốc có sâm, châu Âu có shopping, Cuba có xì gà", ông Sơn đặt câu hỏi.
Còn theo ông Phạm Hà, giám đốc Công ty du lịch Sang Trọng, hiện có bốn nút thắt trong ngành du lịch, đó là visa, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến hiệu quả.
Chính sách du lịch đang có nhiều vấn đề nhưng ông Phạm Hà đặc biệt nhấn mạnh tới chính sách cấp visa, đây là rào cản rất lớn. Hiện tại đang là 15 ngày, chúng ta có thể nâng lên 30 ngày thậm chí dài hơn.
Ông Phạm Hà cũng kiến nghị nên bỏ visa càng nhiều nước càng tốt, Indonesia bỏ visa tới 169 nước. Chúng ta hòa bình, thân thiện nhưng lại không bỏ visa.
Về chính sách visa, bà Nguyễn Phương Lan, phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho biết Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước từ năm 2004. Đến năm 2017, chính phủ cấp thị thực điện tử (evisa) cho công dân trên 80 nước với thủ tục thuận lợi.
Bà Nguyễn Phương Lan cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, tỉ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.
Bà Nguyễn Phương Lan nêu quan điểm chính sách miễn thị thực đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ, miễn thị thực cho khách du lịch Hàn Quốc, song đội ngũ hướng dẫn viên hay tour tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chia sẻ quan điểm của đại diện Bộ Ngoại giao, đại tá Nguyễn Văn Thống, phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, cũng khẳng định miễn thị thực không phải tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam. Ví dụ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam dù công dân nước này không được miễn visa.
Hiện Bộ Công an xây dựng hồ sơ sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật 47 Nhập cảnh - xuất cảnh - quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam để trình Chính phủ. Trong đó, Việt Nam sẽ đơn phương miễn visa 15 ngày cho công dân một số nước và bỏ quy định về thời gian giữa các lần nhập cảnh.
(Theo Tuoitre.vn)