Với mục tiêu ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò động lực của ngành Du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; về cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương, góp phần xây dựng, quảng bá, định vị hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng"...
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò động lực của ngành Du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; về cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương, góp phần xây dựng, quảng bá, định vị hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”...
|
Du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Ảnh: L.H |
Đó là những nội dung tại Quyết định số 44/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 9/1/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch” đến năm 2025.
Theo đó, thông tin các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết quả thực hiện các chiến lược, quy hoạch; các chương trình, dự án về phát triển du lịch cũng như quy tắc ứng xử văn minh trong lĩnh vực du lịch. Mặt khác, thông tin các sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia; trao đổi kinh nghiệm về các mô hình, các điển hình thành công tiêu biểu trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh…
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bản tin, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch; tuyên truyền về các loại hình du lịch đặc trưng của nước ta như: du lịch di sản, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Bảo đảm du lịch là một trong những nội dung thường xuyên, liên tục của các cơ quan thông tin đại chúng; xây dựng các ấn phẩm du lịch bao gồm ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử bằng nhiều thứ tiếng, trong đó xây dựng bộ ấn phẩm riêng cho một số thị trường trọng điểm, ấn phẩm dành cho thị trường chuyên biệt; sản xuất phim, phóng sự, video clip, thông điệp nhằm quảng bá về thương hiệu du lịch Việt Nam. Liên kết với các đài truyền hình quốc tế để sản xuất các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam; kết hợp vận hành khai thác trang thông tin điện tử đối ngoại; cổng thông tin aseanvietnam.vn, vietnamasean.vn, asean.vietnam.vn và các trang thông tin điện tử phục vụ nhu cầu thông tin đối ngoại và du lịch, trang thông tin điện tử của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
Truyền thông lồng ghép qua các hoạt động và sự kiện, như diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài tuyên truyền, quảng bá về du lịch; triển lãm về “Việt Nam - Đất nước con người qua góc nhìn báo chí” kết hợp với các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại khác; qua các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, du lịch tầm khu vực và quốc tế.
Qua hệ thống Internet, truyền tải các thông điệp, thông tin về du lịch bằng nhiều hình thức khác nhau trên mạng Internet và mạng xã hội nhằm chuyển tải nội dung, tài liệu bản in sang bản điện tử đưa lên mạng Internet; sản xuất các phim ngắn, video nhằm cung cấp hình ảnh trực quan, sống động và dễ thu hút sự quan tâm của khách du lịch; truyền thông du lịch trên các công cụ tìm kiếm google, tăng cường hình ảnh và tốc độ hiển thị nhanh nhất của điểm đến Việt Nam trên công cụ tìm kiếm. Hoạt động cung cấp tài liệu truyền thông về du lịch đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham khảo; xây dựng, xuất bản ấn phẩm về du lịch để tổ chức truyền thông tại các hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức cuộc thi tuyên truyền quảng bá hình ảnh về du lịch. Đồng thời tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về du lịch cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, chuyên viên các sở, ngành làm nghiệp vụ du lịch, quảng bá, xúc tiến ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập huấn về văn hóa du lịch cho các đơn vị lữ hành, cơ sở kinh doanh, các trung tâm du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…
Ngày 4/5/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch” đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gắn với nội dung, giải pháp từ Đề án đã được Chính phủ phê duyệt; đồng thời giao 3 sở, ngành là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở VH-TT&DL, Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng chủ trì phối hợp với các sở, ngành thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và Internet, truyền thông lồng ghép các hoạt động và sự kiện…, quảng bá về các sản phẩm du lịch nổi trội, có khả năng cạnh tranh cao của du lịch Lâm Đồng, như du lịch nông nghiệp thuộc thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, bình chọn “Doanh nghiệp du lịch tiêu biểu”… Hy vọng, với Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch”, sẽ tạo nên nhiều tác động tích cực, giải quyết và hạn chế được những vướng mắc để du lịch nói chung và du lịch Lâm Đồng nói riêng có sự phát triển và bứt phá, thực sự trở thành ngành kinh tế động lực.
LÊ HOA