Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng

05:06, 20/06/2019

(LĐ online) - Quần thể Di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh được mệnh danh là "Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng", gồm: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc và nàng Tô Thị. Động Nhị - Tam Thanh thuộc địa phận phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là những phiến thạch, hang động có chiều dài khoảng 50 m, được thiên tạo cách ngày nay từ 360 đến 245 triệu năm...

(LĐ online) - Quần thể Di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh được mệnh danh là "Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng", gồm: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc và nàng Tô Thị. Động Nhị - Tam Thanh thuộc địa phận phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là những phiến thạch, hang động có chiều dài khoảng 50 m, được thiên tạo cách ngày nay từ 360 đến 245 triệu năm. Ðộng Tam Thanh nằm lưng chừng dãy núi có hình đàn voi phủ phục. Cửa động hướng đông, cao khoảng 8 m, nối với mặt đất bằng 30 bậc đá đục vào sườn núi. 
 
Trong động có chùa (chùa Tam Thanh) với bức phù điêu Adiđà tạc nổi vào vách đá, cao 202 cm, rộng 65 cm, màu trắng, khoác áo cà sa mềm mại, tạc vào khoảng thế kỷ 17. Ở các ngách động là cung thờ trang nghiêm như Tam Bảo, Thánh Mẫu, Sơn Trang… thờ tự nhiều loại hình tín ngưỡng - tôn giáo. Vào sâu bên trong là hồ Âm Ti, nước trong veo, mát lạnh và róc rách chảy từ các nhũ đá suốt bốn mùa. Trên trần động, rất nhiều nhũ đá tạo những hình thù sinh động và kỳ bí như: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi…
 
Vào sâu hơn, một khoảng không rộng khá bằng, như sân khấu nhỏ, hai bên “cánh gà” lung linh sắc màu của nhũ đá từ hai cửa thông lên trời đưa nguồn sáng tự nhiên rọi xuống. Bước tiếp lên cao theo những bậc tam cấp uốn lượn cheo leo bên vách đá là lên lầu Vọng Thị. Tại đây, về phía xa, bên chỏm núi khác thấy rõ tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng.
 
Động Nhị - Tam Thanh là Di tích văn hóa Quốc gia, vừa có giá trị danh thắng, vừa in đậm những giá trị văn hóa. Bên phải cửa động, trên vách đá là bài thơ khắc của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ: "Suối trong tuôn chảy trên hàng trăm mỏm đá như đang trò chuyện. Quay lưng lại nhìn sang ngọn núi phía trước thấy hòn Vọng Phu". Dọc phía trong động, những văn bia có giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, cổ nhất là tấm bia “Trùng tu Thanh Thiền động” chế tác năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), do Binh sứ Bắc quân đô phủ, Đô đốc Thiêm sự, Vũ quận công Vi Đức Thắng tạo dựng để ghi lại chi tiết việc xây dựng tôn tạo chùa. Một tấm bia khác, cũng có giá trị được tạc bằng chữ Nôm duy nhất ở tỉnh Lạng Sơn do Tuần phủ Thái Bình Đào Trọng Vận viết năm 1924. 
 
Từ xa xưa, Nhân dân Việt Nam tự hào với những giá trị thiên nhiên và văn hóa - nghệ thuật của đất nước mình nên đã sáng tạo bài ca dao nổi tiếng về vùng biên ải phía Bắc Tổ quốc: “Đồng Đăng có phố Kì Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”. Ngày nay, Lạng Sơn không chỉ là một trong những vùng biên thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam mà còn là điểm du lịch đặc biệt và nổi tiếng trên bản đồ du lịch của nước Việt Nam. 
 
Báo LamĐongOnline trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của quần thể Di tích danh thắng đến bạn đọc:   

 

 

 MINH ĐẠO