Hành hương ngược hồ Kẻ Gỗ
Dưới hai mươi mét nước lạnh...
Hành hương ngược hồ Kẻ Gỗ
Dưới hai mươi mét nước lạnh
Là con đường hai hai năm xưa
Sức trẻ mười chín đôi mươi
Mãi nằm yên dưới đó
Thuyền bơi thật khẽ sao cứ chòng chành?
Trời Hà Tĩnh vẫn xanh ngăn ngắt, nhưng nhiệt độ vượt con số 40. Gay gắt nắng. Chúng tôi lên chiếc thuyền của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh ngược lòng hồ về phương Tây Nam. Ba thế hệ trên thuyền, có thương binh hạng 1 Trần Thanh Sơn, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Phan Thị Châu Trinh, cựu chiến binh Phan Hoàng Thảo… và rất nhiều người khác. Sau chúng tôi, còn nhiều chuyến đi khác của các thương binh, cựu binh khắp nhiều miền quê như Phan Hoàng Đường, Phú Văn Canh, Lê Thị Nhường, Lê Tiến Du, Trần Công Thìn, Nguyễn Văn Thiên, Hoàng Thị Lan… Những chuyến hành hương nghĩa cử về với đồng đội năm xưa. Khi chiến tranh đã lùi xa, những người thuộc thế hệ sinh ra từ hòa bình không thể biết dưới lớp sóng vỗ mạn thuyền cuộn trắng kia có một Sân bay Ly Bi chất chứa nhiều dấu tích đặc biệt và huyền thoại. Những chuyến đi như thế này, là dịp để họ biết thêm, hiểu hơn những địa danh túi bom chảo lửa như Đồng Lộc, Khe Giao, Linh Cảm, Truông Bồn, Tám Cô…trên dải miền Trung thân thương của thời chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược. Những huyết mạch ra tiền tuyến của “thời hoa đỏ”, đưa hàng vạn bộ đội cùng lương thực và vũ khí ra trận. Những con đường huyền thoại gắn với hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) góp phần vào chiến thắng kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam.
Tiếng ì oạp sóng nước va vào mạn thuyền lẫn với âm thanh phành phạch từ chiếc máy điện phát ra dưới gầm thuyền gợi cho tôi nhớ về con đường chiến lược 22A nơi lòng hồ Kẻ Gỗ. Nó vốn sinh ra bắt đầu từ Ngã ba Thình Thình, Khe Giao trên đất Hà Tĩnh, cũng như những “đồng đội Trường Sơn” của nó (21A, 22B…) cùng vươn ra chiến trường. Nó góp mặt để thành hệ thống đường Trường Sơn vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, với tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống ngầm. Tồn tại gần 6.000 ngày đêm, hệ thống đường này với sự phục vụ của khoảng 120.000 người là lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến. Có ai biết, ngồi giữa đại ngàn này, xưa có tuyến lửa khốc liệt nhất, vĩ đại nhất?
Hôm nay, nơi đây là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ với tổng diện tích bảo tồn 24.801 ha và 10.358 ha rừng phòng hộ. Nơi đây, đang gìn giữ gần 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư. Nơi đây, có 18 loài thú thuộc Sách đỏ Việt Nam và thế giới; có quần thể của 5 loài chim đặc hữu: Gà Lôi lam mào đen, Gà Lôi Hà Tĩnh, Trĩ sao, Khướu mỏ dài và Chích choạc màu xám, trong đó Gà Lôi lam mào đen và Gà Lôi Hà Tĩnh là hai loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Tôi chợt nhớ đến công lao của một người con Hà Tĩnh mà có lần tôi đã được may mắn trao đổi tại Đà Lạt để viết bài cho Báo Lâm Đồng, đó là “nhà sinh học”, “nhà điểu học” cố Giáo sư Võ Quý. Giáo sư đã bỏ rất nhiều trí tuệ, công sức và nhiều tỉ đồng từ các giải thưởng khoa học quốc tế để nghiên cứu và bảo tồn sự đa dạng sinh học của Kẻ Gỗ. Đặc biệt, phát hiện một loài Trĩ mới, quý hiếm (Trĩ lam Hà Tĩnh), Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đặt tên loài chim này là “Vo Quy Pheasant” (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao giáo sư. Nơi đây, cũng đang gìn giữ 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ; trong đó nhiều loài gỗ quý: Táu, Gụ, Chò chỉ, Kim giao, Sến, Lát hoa… cùng nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hôm nay, giữa Khu bảo tồn là công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ với chiều dài gần 29 km, đoạn rộng nhất gần 3 km, dung tích hữu ích 345 triệu mét khối nước… Công trình khởi công xây dựng ngày 26/3/1976, hoàn thành sau tròn 3 năm, phục vụ tưới cho hơn 20.000 ha lúa và các loại cây trồng… Kẻ Gỗ trở thành một tính từ với “bao nhiêu chuyện lạ”. “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” là tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; là sự kết tinh sức mạnh diệu kỳ của toàn dân, đặc biệt là con người Hà Tĩnh - Nghệ An. Sau tròn 40 năm, con hồ vẫn lung linh soi bóng xanh của đại ngàn, mực nước lên xuống theo hơi thở của trời đất. Và, vẫn một lời nhắc nhở với hậu thế: chúng ta còn mắc nợ với các linh hồn những người con đã anh dũng ngã xuống nơi tuyến lửa kiêu hùng và khốc liệt trên dưới nửa thế kỷ trước nơi đây. Con đường 22A và Sân bay Ly Bi đã chìm sâu dưới lòng hồ này, nhưng con người không được lãng quên!
***
Ly Bi là tên con rào nằm phía thượng nguồn đập công trình Kẻ Gỗ, thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1966, quân đội Việt Nam đã xây dựng Sân bay Ly Bi chiến lược, rộng trên 10 km2 tại khu rừng thiêng này để phục vụ chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên. Sân bay Ly Bi đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt, đó là chống chiến dịch “Lam Sơn 719” của Mỹ - Ngụy (chiến dịch leo thang táo tợn, âm mưu lập “vành đai lửa” từ Đèo Ngang qua tỉnh Xê Pôn của nước Lào, tham vọng cắt đứt toàn tuyến chi viện của miền Bắc Việt Nam đối với chiến trường Nam - Trung Bộ và Tây - Nam Bộ). Để đập tan âm mưu của kẻ thù, hệ thống sân bay khá hiện đại, trang bị nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân nhất của Liên Xô. Với tầm vóc quan trọng như vậy, giặc Mỹ đã tập trung trút xuống khu vực này hàng trăm ngàn tấn bom đạn; trong đó, có 29 kiểu bom phá, 13 kiểu bom sát thương, 8 kiểu tên lửa không đối đất. Vùng đất trở thành túi lửa, trung bình mỗi mét vuông hứng chịu 1-3 quả bom và đạn các loại.
Sự hy sinh của quân và dân Việt Nam để bảo vệ sân bay và tuyến đường nơi đây không kể xiết. Theo trí nhớ của ông Dương Hữu Sơn, từng là xạ thủ Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân, có những trận chiến, ta thương vong cả trăm người, có người chết không tìm được xác, có xác chưa kịp chôn hoặc vừa chôn lại bị bom cày xới lên. Ông xúc động kể: “Ác liệt nhất là trận trưa ngày 2/9/1969. Hàng đàn máy bay tiêm kích F105 và FH 4 của giặc bất ngờ tập kích xuống trận địa pháo 37 li và 57 li của Trung đoàn Thép Thủ đô tại đoạn Km10, làm 34 chiến sỹ của ta bị hy sinh tại chỗ và 18 chiến sỹ khác bị thương nặng khi tuổi đời còn rất trẻ”. Còn Đại tá Nguyễn Thanh Triết, nguyên Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Cẩm Xuyên vẫn không thể quên được trận rải thảm bom của giặc Mỹ điên cuồng bằng hàng loạt máy bay B52 vào ngày 7/1/1973, trước giao thừa năm mới hơn 30 giờ đồng hồ. Đó là tại Km10 - Km17, gần 400 người của ta thương vong; riêng TNXP 128 người hy sinh tại chỗ… Đó còn là, trong những chiếc lán dã chiến có 8 người, có 6 đến 7 người hy sinh, còn lại đều bị thương…Giữa rừng già mà hàng chục thi thể phải khâm liệm bằng ni lông, tăng, võng… Đó còn là nữ TNXP 22 tuổi Trần Thị Thi quê ở Nam Hà bị thương ở Km21, trên đường đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng biết không qua khỏi cô đã xin cất tiếng hát để tặng mọi người, rồi lịm dần, hy sinh trong vòng tay và nước mắt…
Đau thương từ chiến tranh tận hôm nay. Câu hỏi mãi treo nơi này: còn bao nhiêu hài cốt liệt sỹ đang lẩn khuất giữa rừng, giữa nước, chưa trở về được với đồng đội, với quê hương?… Họ là những chiến sỹ can trường của các đơn vị như: Trung đoàn Thép Thủ đô; Trung đoàn Tên lửa thuộc Bộ tư lệnh Phòng không không quân; Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân thuộc Quân khu 4; Tiểu đoàn 8 của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Và nam nữ thuộc Tổng đội TNXP 353 và 355, đến từ các miền quê Hà Tĩnh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa và các đơn vị công nhân quốc phòng, công nhân dân sự, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến các xã trong vùng… Bà Nguyễn Thị Đàn 72 tuổi, quê ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh kể lại với bạn tôi là nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng: “Đơn vị có 16 chị em phụ nữ ăn ở cùng nhau trong 2 lán sát nhau thì chết mất 11 người mà hầu hết chưa có gia đình, thậm chí có nhiều chị chưa được ai ngỏ lời yêu”. Lòng trắc ẩn không nguôi, nhà báo Ngọc Vượng nhiều lần đến Kẻ Gỗ cùng đi quy tập với cơ quan chức năng. Anh cho biết: Những năm hạn hán kéo dài, mực nước cạn kiệt, có thể phát hiện thấy nhiều ngôi mộ nổi lên dưới đáy hồ. Riêng đoạn Km6 có một nghĩa trang với hàng trăm ngôi; đoạn Ngầm Sen ở Km19 có nghĩa trang với hàng chục ngôi… Lực lượng quân đội địa phương đã tổ chức tìm kiếm và cất bốc được hàng chục hài cốt, nhưng hầu hết đều không thể xác định được tên tuổi…
|
Vị trí Sân bay Ly Bi 53 năm trước dưới lòng hồ |
Dọc chuyến ngược lên thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ chúng tôi ghé lại Trạm Quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên. Các anh cho biết những câu chuyện truyền tai không đầu không cuối, hư hư thực thực đến rợn người. Đó là những thời khắc sương khói bảng lảng mặt hồ, người ta thấy các chị, các cô bận đồ trắng thả tóc gội đầu trong làn nước trong xanh... Khu vực cửa rào Ly Bi đoạn Km14 -Km15, không ai dám đánh bắt cá hay thả trâu bò, vì họ sợ động đến thi thể những người còn đang nằm lại đâu đó… Những hiện tượng như vậy đã ám ảnh và trở thành động lực để tập thể Ban quản lý Khu bảo tồn đứng ra kêu gọi xây dựng miếu thờ các Anh hùng Liệt sỹ tại cửa rào. Công trình khởi công ngày 8/9/2011 với sự chỉ dẫn vị trí của các nhân chứng chiến tranh, sự ủng hộ kinh phí của Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Lạc An thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước. Ngày 25/4/2012, miếu thờ khánh thành, trở thành điểm thăm viếng thiêng liêng, dù cách bến thuyền xuất phát cả giờ đồng hồ đi thuyền. Công trình được tu bổ thêm vào tháng 3/2015 từ Đoàn Thanh niên xã Cẩm Mỹ. Thuyền của chúng tôi cập vào bên trái hồ, mọi người lần lượt men theo tấm ván làm cầu để lên bờ viếng miếu. Ngôi miếu nhỏ, lọt giữa không gian đại ngàn, càng cảm giác đơn côi. Nhưng linh thiêng của những vong hồn liệt sỹ đã nằm ở các nghĩa trang liệt sỹ, hoặc đang lẩn khuất dưới tán rừng, dưới lòng hồ phảng phất theo sợi khói hương quẩn quanh hư ảo. Trên tường, tấm “Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố” cho “Miếu thờ Liệt sỹ lòng hồ Kẻ Gỗ” cấp ngày 27/1/2014 đã úa vàng. Giữa ban thờ, mấy hiện vật bằng kim loại là vật dụng của quân và dân năm xưa, cùng bài vị và 3 lư hương, mấy chiếc bình cắm hoa. Ngoài cửa, dưới thư cuốn đắp nổi hàng chữ “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ” là câu đối 2 bên trụ: “Chiến công xứ sở Kẻ Gỗ vang khúc trường ca dũng sỹ/Huyền thoại con đường hai hai rạng danh chứng tích anh hùng”. Chúng tôi đỏ lửa, chia hương cho mỗi người. Nghiêm trang. Thương binh Trần Thanh Sơn thay mặt mọi người đứng khấn, nguyện cầu cho các linh hồn anh hùng liệt sĩ siêu thoát, vãng sanh cực lạc… Lòng người lắng xuống. Lá rừng lay gọi… Khi cây hương đã cháy gần hết, cựu TNXP Phan Thị Châu Trinh, nguyên là Phó Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh bùi ngùi tâm sự: “Tụi chị đã lên đây mấy lần… Lần nào cũng cảm thấy thiêng liêng quá…!”. Tôi cũng phát hiện tiếng thở dài, khẽ thôi, từ phía khuôn mặt rơm rớm nước mắt của cựu binh Phan Hoàng Thảo...
Việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, cùng xây dựng miếu thờ là những nghĩa cử tri ân, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, chừng đó chưa thể xứng với những hy sinh của “cung đường được coi là công trình kỳ công, kỳ vĩ và kỳ bí nhất giữa đại ngàn Trường Sơn với bao nhiêu kỷ niệm về một thời đạn bom, máu lửa vẫn dường như còn nóng hổi trong tâm trí bao người” như nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng chia sẻ. Chúng tôi lời thỉnh cầu thống thiết: Cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa đối với sự hy sinh cao cả nơi này. Công việc tìm kiếm, cất bốc các hài cốt liệt sỹ còn nằm lại càng cần thiết hơn bao giờ hết, bởi sự khó khăn sẽ kéo dài theo năm tháng. Cần lắm, một tượng đài chiến thắng nơi Kẻ Gỗ này, như những Ngã ba Đồng Lộc, hay Đường Chín Khe Sanh, Truông Bồn…
Bút ký: MINH ÐẠO