Giữa lưng chừng ngọn đồi Tà Nung có một quán cà phê mà đến đó, người ta không chỉ được thưởng thức hương vị ly cà phê trồng theo mô hình vườn rừng,...
Giữa lưng chừng ngọn đồi Tà Nung có một quán cà phê mà đến đó, người ta không chỉ được thưởng thức hương vị ly cà phê trồng theo mô hình vườn rừng, mà còn có cơ hội trải nghiệm làm một người nông dân trồng cà phê thực thụ để sống gần hơn với thiên nhiên.
Đó là The Story Coffee (xã Tà Nung, TP Đà Lạt), ở đấy người ta quan niệm rằng ly cà phê ngon hay không còn tùy thuộc vào việc bạn ngồi với ai, và câu chuyện bên ly cà phê như thế nào.
|
Du khách hào hứng với sự trải nghiệm bên những câu chuyện về cà phê tại The Story Coffee. (Ảnh: NVCC) |
Câu chuyện trồng cà phê dưới tán rừng
Không dễ để tìm đến được The Story Coffee. Bởi để đến được đây, du khách phải vượt hết đèo Tà Nung, đi thêm 800 m đoạn đường bê tông và 400 m đường đất với 3 lần rẽ theo hướng mũi tên các bảng chỉ đường. Chạy dọc trên đường đi là những đóa xuyến chi xinh đẹp dọc hai bên vườn cà phê, là những ngôi nhà gỗ, những đứa trẻ người Cil đang chơi đùa. Ngôi nhà The Story Coffee nằm khác biệt trên ngọn đồi cà phê rừng với bên dưới là con suối cuối nguồn thác Cam Ly.
“Ở The Story Coffee, mọi quy tắc đều bị phá vỡ” - đó là câu nói đầu tiên mà anh Phạm Trung - chủ quán nói với chúng tôi khi chia sẻ về câu chuyện khiến anh gắn bó và tâm huyết với cây cà phê Tà Nung. Chàng trai sinh năm 1983 nói rằng: Bản thân hạt cà phê tại vùng đất, khí hậu, thổ nhưỡng ở Tà Nung đã là khác biệt. Những bàn tay chăm sóc của người nông dân, người rang xay và cả tâm huyết của người pha chế ra tách cà phê giữa núi rừng Tà Nung lại một lần nữa làm nên sự đặc biệt đó.
The Story Coffee ra đời cách đây gần tròn một năm, sau một thời gian dài được Trung chuẩn bị, lắng nghe và học hỏi, với mong muốn cung cấp những gói cà phê sạch, nguyên chất từ vườn cây thuận tự nhiên, không hóa chất độc hại và mang đậm hương vị núi rừng Đà Lạt. Và Trung chọn mô hình “vườn rừng” để làm nên những hạt cà phê nguyên liệu cho mình - sau rất nhiều những chuyến đi đến các vùng cà phê trên cả nước.
Vườn rừng là mô hình gieo trồng cây cà phê theo nông nghiệp sinh thái, cho phép tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên của đất và các loài thực vật trong cùng khu vườn. Hạt cà phê vườn rừng sau khi pha sẽ là hỗn hợp của 4 mùi vanilla - caramel - dark chocolate - honey, vị chua thanh, đắng nhẹ và hậu vị ngọt kéo dài.
Cơ duyên đến với Trung khi anh tìm thuê được 5 sào đất trồng cà phê tại Phường 5, TP Đà Lạt đã bị bỏ hoang từ rất lâu, xen giữa là cả một hệ sinh thái thực vật phong phú. Anh thích thú vì ở đó, những cây cà phê được sinh trưởng tự nhiên, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Khi những tán cây hồng to lớn rụng lá là lúc những trái cà phê bắt đầu đón ánh nắng để trái chín cây. Những hạt cà phê được thu hoạch hoàn toàn bằng tay, thu hái những trái chín đỏ và căng mọng.
Hiện tại, Trung còn trồng thêm 1,3 ha cà phê tại Tà Nung để cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho The Story Cofee. Với việc kết hợp trồng thêm cây che bóng, cây thiên địch, cây dẫn dụ, vườn rừng là một giải pháp hiệu quả giúp hạt cà phê của The Story Coffee đạt được hương vị, kích thước và chất lượng, đồng thời hạn chế nguy cơ từ sâu bệnh. Tất cả các quá trình từ khâu chọn giống, chăm sóc từ lúc mới trồng cho đến khi đơm hoa kết trái đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Từng hạt cà phê được lựa chọn cẩn thận bởi những bàn tay cần mẫn... để cuối cùng cho ra những sản phẩm cà phê tốt nhất.
|
Anh Trung (đội mũ) chia sẻ câu chuyện về cà phê vườn rừng với khách. Ảnh: T.S |
Và câu chuyện về biến đổi khí hậu
“The Story Coffee không chỉ muốn tạo những sản phẩm chất lượng mà còn muốn cho mọi người thấy về giá trị và ý nghĩa của mỗi ly cà phê được cầm trên tay. Đó là câu chuyện từ lúc chọn vườn, chọn giống, lúc gieo trồng, quãng thời gian chăm sóc. Hay câu chuyện về những xót xa khi lúc lựa chọn hạt, phải loại bỏ cả một nửa số lượng cà phê vì bị lỗi,... Và còn nhiều hơn thế nữa, The Story Coffee đã đi qua rất rất nhiều câu chuyện để nuôi dưỡng và thực hiện đam mê về cà phê ấy” - anh Trung chia sẻ.
Cách đây hơn 3 năm, trong một lần lên Đà Lạt để lắng lại sau những chuyến đi dài, sau những biến cố của cuộc đời khi đã có lúc phải ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chàng trai quê Long An đã được làm quen với nhiều người trồng cà phê, được tìm hiểu về cà phê, cách trồng, rang xay, chế biến... Niềm đam mê với cà phê đến với anh từ đó.
Cũng trong những ngày lang thang tại nơi này, Trung hiểu rõ cái nghèo vẫn đang bao phủ trong từng ngôi nhà người Cil, khi cuộc sống của họ gần như phụ thuộc chủ yếu vào cây cà phê - trong bối cảnh cây cà phê trên đất Tà Nung đang đối mặt với quá nhiều khó khăn. Nỗi lo của người dân trồng cà phê chưa bao giờ nặng trĩu như bây giờ. Bên cạnh những cơn bão giá là sự tấn công của dịch sâu bệnh, và cả ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Ở Tà Nung, trên những ngọn đồi cao nơi vốn dĩ là rừng thông ngự trị, nhiều diện tích rừng đã bị người dân phá bỏ để thay vào đó là những vườn cà phê catimor héo hắt vì thiếu bàn tay chăm bẵm. Chứng kiến điều đó, Trung không khỏi tâm tư: “Điều đáng sợ là khi giá trị của cây cà phê càng thấp thì người dân ở đây càng có xu hướng mở rộng diện tích để tăng thêm doanh thu bằng cách xâm hại những cánh rừng. Nhưng nó đồng nghĩa là chi phí đầu tư cũng tăng lên, cái khó cái nghèo không được cải thiện lên là bao. Do đó, nếu trên một diện tích nhỏ nhưng được chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến tốt, nâng giá trị hạt cà phê thì phải chăng sẽ giải quyết được bài toán đó? Nhưng để làm được điều đó là cả một bài toán lâu dài”.
|
Các cộng tác viên được trải nghiệm thực tế để gần gũi hơn với cà phê và thiên nhiên.(Ảnh: NVCC) |
Trung biết rõ điều đó, nên The Story Coffee ra đời, một phần là để tìm hướng nâng cao giá trị cây cà phê cho người nông dân, đồng thời dần thay đổi tư duy làm nông của những con người nơi đây - Và đó là cả một con đường dài mà anh chỉ đang bước những bước đầu.
Là một admin của một trang fanpage bảo vệ môi trường, Trung còn muốn thông qua những hoạt động của The Story Coffee để truyền tải thông điệp mạnh mẽ hơn về môi trường, tác động đến nhận thức và thay đổi hành vi của các bạn trẻ từ những điều nhỏ nhặt.
Ở The Story Coffee thường xuyên tuyển cộng tác viên là người Việt Nam và cả người nước ngoài. Họ đến đây để được sống chậm lại giữa thiên nhiên, được trải nghiệm đi hái cà phê, sơ chế, rang xay, học cách quan sát biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới thiên nhiên và nông nghiệp như thế nào. Và cô gái trẻ Trần Thị Ngọc Thảo (25 tuổi) - một cộng tác viên của The Story Coffee đến từ TP Hồ Chí Minh đã có những trải nghiệm thật sự thú vị như thế: “Chính những ngày được chạm vào cây cà phê, nhìn những vườn cà phê Arabica đang chết dần vì hạn, mình mới nhận thức rõ hơn bao giờ hết về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc cần thiết phải bảo vệ môi trường” - Thảo chia sẻ.
THANH SA