Hạt ngọc quí của núi rừng Tây Bắc

04:10, 21/10/2019

(LĐ online) - Bất cứ ai khi đến Yên Bái, đã một lần thưởng thức cốm Tú Lệ sẽ khó có thể quên được vị thơm đượm đặc trưng của lúa nếp non vùng này. Và sẽ chẳng là quá lời nếu khen rằng, cốm Tú Lệ chính là tinh hoa của các loại cốm vùng Tây Bắc.

(LĐ online) - Bất cứ ai khi đến Yên Bái, đã một lần thưởng thức cốm Tú Lệ sẽ khó có thể quên được vị thơm đượm đặc trưng của lúa nếp non vùng này. Và sẽ chẳng là quá lời nếu khen rằng, cốm Tú Lệ chính là tinh hoa của các loại cốm vùng Tây Bắc.
 
Cốm Tú Lệ được làm từ nếp tan đặc biệt. Mọi công đoạn đều được người dân tộc Thái ở xã Tú Lệ làm thủ công nên có mùi vị và màu sắc riêng khó có nơi nào sánh bằng
Cốm Tú Lệ được làm từ nếp tan đặc biệt. Mọi công đoạn đều được người dân tộc Thái ở xã Tú Lệ làm thủ công nên có mùi vị và màu sắc riêng khó có nơi nào sánh bằng
 
Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, là nơi sinh sống lâu đời của người dân tộc Thái. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi rất đẹp và nổi tiếng là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Khí hậu vùng này quanh năm mát mẻ, đất màu mỡ do có nhiều mùn và khoáng chất, lại được thiên nhiên ưu ái cho hưởng nguồn nước suối đầu nguồn trong vắt chảy từ đỉnh đèo Khau Phạ đổ xuống khắp các bản làng theo hệ thống sông suối đá tự nhiên. Với những ưu đãi này của thiên nhiên nên đã từ rất lâu rồi, vùng này nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc với đặc sản lúa nếp. Nếp Tú Lệ không chỉ thơm, dẻo đặc biệt mà có vị ngọt thanh rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc mà khó có nơi nào sánh bằng. Trong đó, cốm Tú Lệ có thể nói là loại đặc sản tinh tuý nhất làm từ nếp.
 
Vào đầu mùa lúa chín, cốm Tú Lệ là món quà đặc sản mà bất cứ ai đến vùng này cũng có thể dễ dàng bắt gặp và được mời dùng thử. Suốt dọc đường dẫn vào trung tâm xã Tú Lệ, đặc sản cốm Tú Lệ được bà con bày bán rất nhiều. Điều đặc biệt là ở Tú Lệ, bà con vẫn giữ được cách làm cốm hoàn toàn thủ công. Mùi thơm của nếp non thanh ngọt hoà quyện vào mùi cây cỏ, mùi rơm rạ và không khí trong lành, mát mẻ của Tú Lệ đầu Thu khiến du khách thật sự ấn tượng và cảm thấy tâm hồn sảng khoái.  
 
Người già trong bản Thái kể rằng, giống lúa nếp để làm cốm ở Tú Lệ là giống lúa đặc biệt có tên là nếp tan đã được bà con trồng từ rất lâu đời rồi. Đó là giống lúa người Thái được một vị tiên ông ban cho người dân trong vùng. Để cảm tạ tấm lòng tiên ông ban cho giống lúa quý nên năm nào cứ vào khoảng tháng 10, mùa lúa nếp bắt đầu chín, những người Thái ở Tú Lệ lại tổ chức lễ cúng tạ ơn. Lễ vật để cúng là những bó lúa to, hạt mẩy dùng để làm cốm và đĩa xôi ngon dẻo.
 
Chúng tôi ghé vào gia đình của cô gái Thái tên là Lò Thị Hương ở ven đường. Cô năm nay 27 tuổi, gia đình mỗi năm đến mùa lúa đều làm cốm để bán cho du khách đi lễ hội. Đối với người dân ở đay, nhà nào cũng biết làm cốm. Khi lúa nếp khum ngọn, vẫn còn đượm hương sữa, người dân gặt về làm cốm. Do làm thủ công nên để cho ra thành phẩm là những hạt cốm dẻo thơm đặc biệt của Tú Lệ thực sự không hề đơn giản. Muốn cốm thơm nồng, người dân ở đây, chủ yếu là dân tộc Thái ra ruộng tuốt từ sáng sớm. Họ dùng tay hái từng bông lúa trong lúc trời vẫn còn đẫm sương sớm gánh về nhà và tuốt rời hạt ra sau đó ngâm vào nước để loại bỏ những hạt lép. Lúa tuốt và loại bỏ hạt lép xong sẽ được rang ngay trên bếp củi để hạt giữ được màu xanh cốm. 
 
Công đoạn dã cốm cũng rất quan trọng, tùy vào độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng sẽ phải dã bao nhiêu lần để cốm vừa đẹp, vừa dẻo. Trung bình thì sẽ giã khoảng 10 lần. Sau mỗi lần giã sẽ dùng sàng sáng sạch trấu sau đó mới dã tiếp. Cốm giã xong được ngay vào trong lá dong xanh cắt sau vườn để giữ mùi thơm và độ dẻo, màu sắc xanh mát của cốm. 
 
Thung lũng Tú Lệ với ruộng lúa ngút ngát rất đẹp mắt nằm giữa đèo Khau Phạ, bên cạnh những căn nhà truyền thống của người Thái
Thung lũng Tú Lệ với ruộng lúa ngút ngát rất đẹp mắt nằm giữa đèo Khau Phạ, bên cạnh những căn nhà truyền thống của người Thái
 
Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ hội cốm Tú Lệ nên đặc sản tinh tuý này ngày càng được nhiều người biết đến và rất yêu thích. Phản hồi đều rất tích cực. Tuy nhiên, hiện giá của loại đặc sản này theo chúng tôi là vẫn còn khá rẻ (100k/kg) so với công sức mà người dân bỏ ra từ khâu trồng cấy, chăm bón đến khâu thu hoạch rồi kỳ công trải qua nhiều giai đoạn thủ công để cho ra sản phẩm cuối cùng. Hy vọng với sự lan toả của lễ hội cốm Tú Lệ được tổ chức thường niên mỗi năm vào mùa lúa chín, sẽ góp phần nâng lên những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, góp phần gìn giữ phong tục tập quán, khuyến khích đồng bào Thái tiếp tục mở rộng vùng chuyên canh nếp Tú Lệ, dẩy thuong hiệu bay xa hơn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.
 
NGUYỄN NGHĨA