(LĐ online) - Thụy Sĩ cách chúng ta 6 múi giờ. Một ngày cuối tháng 10, rời đường băng Tân Sơn Nhất sau 16 giờ bay, chúng tôi đến thành phố Zurich lúc 21 giờ địa phương tức 3 giờ sáng ngày hôm sau ở Việt Nam. Nếu ai đã từng đi qua hải quan của nhiều nước thì sẽ cảm thấy rất thoải mái khi đến sân bay Thụy Sĩ. Có thể nói mỗi người đi qua cổng hải quan tốn không quá một phút với thái độ vui vẻ của nhân viên chức trách. Họ luôn nói lời cám ơn và chúc may mắn cho những người đi qua.
(LĐ online) - Thụy Sĩ cách chúng ta 6 múi giờ. Một ngày cuối tháng 10, rời đường băng Tân Sơn Nhất sau 16 giờ bay, chúng tôi đến thành phố Zurich lúc 21 giờ địa phương tức 3 giờ sáng ngày hôm sau ở Việt Nam. Nếu ai đã từng đi qua hải quan của nhiều nước thì sẽ cảm thấy rất thoải mái khi đến sân bay Thụy Sĩ. Có thể nói mỗi người đi qua cổng hải quan tốn không quá một phút với thái độ vui vẻ của nhân viên chức trách. Họ luôn nói lời cám ơn và chúc may mắn cho những người đi qua.
|
Cuối thu mùa lạnh và lá rụng nhiều nhưng đường phố vẫn luôn sạch hầu như ở tất cả các thành phố của Thụy Sĩ |
GHI NHANH TRÊN ĐƯỜNG
Thụy Sĩ một nước nhỏ nằm ở vùng núi Trung Âu. Nhìn trên bản đồ thế giới ta thấy Thụy Sĩ nhỏ xíu nằm kẹp giữa các nước Đức, Pháp, Ý, diện tích khoảng 42.000km2 chỉ gấp 4 lần diện tích tỉnh Lâm Đồng, với khoảng 8 triệu dân nhưng có tới 26 bang. Đất nước nhỏ tới mức mà máy bay phản lực khi cất cánh chỉ cần đạt tốc độ vượt âm thanh là đã vọt ra khỏi biên giới của Thụy Sĩ rồi! Một đất nước toàn núi đồi và sông hồ cùng với bàn tay chăm chút của con người tạo nên một giang sơn đẹp như tranh vẽ. Tôi chưa được đọc các tài liệu nói về tổ chức giao thông của Thụy Sĩ, nhưng qua trải nghiệm từ bắc xuống nam đi lại nhiều thành phố cho ta một nhận xét rằng Thụy Sĩ là một đất nước có hệ thống đường sắt phát triển cực thịnh, hệ thống đường sắt ngang dọc đất nước. Từ tàu điện trong thành phố, metro, tàu nhanh nối liền các bang, các thành phố với nhau cho đến tàu leo núi bằng đường sắt răng cưa… Tất cả đều hiện đại, tiện lợi, nhanh chóng và đúng giờ, các bạn Thụy Sĩ nói vui rằng những con tàu đúng giờ như tác phong của con người. Người Thụy Sĩ thì đúng giờ như đồng hồ Thụy Sĩ, một thương hiệu đồng hồ nổi tiếng số một của thế giới. Với trình độ hàng trăm năm sản xuất, xây dựng đường sắt và những con tàu bán đi khắp thế giới, Thụy Sĩ đã đưa những con tàu của mình đi qua bất cứ địa hình phức tạp nào, qua sông, vượt hồ, băng ngang thung lũng sâu hàng trăm mét, xuyên lòng núi, và cả trèo lên đỉnh núi cao đầy băng tuyết. Độc đáo nhất là hệ thống đường sắt đưa du khách trèo lên đỉnh Jung Frau thuộc dãy Alpes, một dãy núi cao nhất châu Âu với đỉnh Mont Blanc nổi tiếng. Đỉnh Jung Frau cũng được mệnh danh là “Top of Europe – Đỉnh của châu Âu” xuất phát từ một chuyến leo núi của vua đường sắt Thụy Sĩ. Ông bất chợt nảy ra ý tưởng táo bạo “Tại sao không kéo đường sắt lên đỉnh núi ?!” và họ đã làm được. Ngày nay những con tàu hằng ngày trèo đèo vượt thác, xuyên vào đá đưa du khách vượt lên các đỉnh núi để đến nơi cao nhất với độ cao 3.571m. Du khách đi vào một đường hầm dài đục xuyên qua lớp băng ổn định lạnh dưới 0 độ Celcius để bước ra ngoài trời tuyết trắng xóa một màu trắng miên man. Những cơn gió từ đỉnh trời thổi ngang qua ngọn núi bốc tuyết bay lên phủ vào người, lạnh rát mà thú vị vô cùng. Đó là đường sắt răng cưa leo núi nổi tiếng số một của thế giới hiện nay. Điều thú vị là đường sắt này khởi đầu là đứa con song sinh với đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt của Việt Nam cũng do Thụy Sĩ chế tạo cách đây trên trăm năm, con đường sắt leo núi duy nhất ở Việt Nam và cũng là một trong những con đường đầu tiên của thế giới đã từng một thời được xem là con đường huyền thoại. Ngày nay những con tàu chạy điện đã thay thế tàu chạy bằng hơi nước xưa… Nên đầu máy hơi nước trở thành đồ cổ quý giá và rất đắt khách. Người Thụy Sĩ sớm nhìn ra điều đó và họ đã mua lại đầu tàu HG 4/4 hơn trăm năm trước đã từng ngược xuôi Đà Lạt – Tháp Chàm, đưa về lại nơi sản xuất ra nó. Sau khi được sửa chữa, tân trang, con tàu Đà Lạt xưa, nay làm nhiệm vụ đưa đón khách du lịch trên đèo Furka. Du khách cả thế giới đổ về Furka để được du hành trên chuyến tàu chạy hơi nước cổ điển ngạo nghễ với tiếng còi tàu ụ dài, làn sương hơi lan tỏa trong không gian, núi đồi hùng vĩ và những hoài niệm về thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất của nhân loại hàng trăm năm trước. Giá vé để lên tàu này là 60 Franc Thụy Sĩ, 1 Franc bằng 23.000VNđ, cao hơn USD một tí, mỗi tháng con tàu này thu về hàng triệu USD.
Đi qua nhiều nơi trên đất nước Thụy Sĩ chúng ta không nhìn thấy nhiều nhà cao tầng, không thấy những công trình vĩ đại, không nhìn thấy sự hào nhoáng, nhộn nhịp, ồn ã mà chỉ thấy sự êm đềm, khiêm tốn mà đĩnh đạc, ngăn nắp của đô thị, làng mạc. Bàn tay con người tác động vào thiên nhiên một cách khéo léo, hợp lý làm cho cả đất nước nơi nào cũng đẹp một cách hữu tình. Đặc biệt là môi trường trong lành. Điều đáng ngạc nhiên là hầu như tất cả các dòng sông, con suối, hồ nước đều trong xanh, sạch như nước giếng. Ngay cả con sông Limat chảy qua thành phố Zurich, hoặc con sông lớn chảy qua giữa thủ đô Bern với cư dân sầm uất ở hai bờ thế mà dòng nước vẫn trong vắt nhìn thấy đá sỏi dưới đáy sâu với bóng đàn ngỗng trời tung tăng bơi lội.
Những ngày trên đất nước Thụy Sĩ, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều người dân, sự trải nghiệm cho ta cảm nhận người Thụy Sĩ thật sự hiền hòa và thân thiện, họ từ tốn, đĩnh đạt, nhanh nhẹn nhưng nhường nhau từng bước chân trên đường, sẵn sàng giúp nhau mọi lúc. Có người bảo đây là một nước trung lập, họ không thích, không ủng hộ chiến tranh, từ 200 năm qua không có chiến tranh, không có kẻ thù. Và, họ khá thân thiện với mọi người có lẽ đó là cái lý của cuộc sống.
|
Dòng sông chảy qua Bern Thủ đô của Thụy Sĩ trong xanh đẹp như tranh vẽ |
MỘT THOÁNG GENÈVE
Từ hồi còn ở bậc trung học tôi cũng đã từng biết về hiệp định đình chiến năm 1954 được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ.
Từ Bern, thủ đô của Thụy Sĩ đi về Genève tàu chạy mất gần 2 giờ. Lúc ở Bern, loa thông tin trên tàu được phát bằng tiếng Đức, nhưng tàu chạy ra khỏi thủ đô, lại nghe họ phát thanh bằng tiếng Pháp. Người Thụy Sĩ thường dùng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Romansh. Mỗi vùng thường dùng phổ biến một ngôn ngữ theo truyền thống, người Genève dùng tiếng Pháp là phổ biến.
Genève một thành phố ở miền nam Thụy Sĩ nằm bên bờ hồ Geneve rộng mênh mông với bờ bên kia xa thẳm là những dãy núi như mọc từ dưới đáy nước vươn thẳng lên trời, bên này là thành phố hoa lệ, một sự tương phản mà gắn kết hợp lý tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp, đẹp như một bức tranh sơn thủy và nhân sinh sống động.
Dân số bên trong Geneve chỉ gần 200.000 người, tương đương với thành phố Đà Lạt, nhưng sầm uất, nhộn nhịp, bến tàu hiện đại, tàu vào ra không ngừng nghỉ. Genève được mệnh danh là thành phố toàn cầu, ở đó có rất nhiều tổng hành dinh của các tổ chức quốc tế, trong đó có trụ sở Hội Chữ thập đỏ quốc tế, trụ sở Liên hiệp quốc tại châu Âu, tổ chức Thương mại thế giới WTO, tổ chức Lao động quốc tế ILO… |
Trên đường phố ta có thể gặp rất nhiều người mang quốc tịch khác nhau đang sinh sống và làm việc nơi này. Genève còn được mệnh danh là trung tâm tài chính, trung tâm ngoại giao quốc tế. Tòa nhà Palais des Nations (Nhà của các quốc gia) là nơi thường xuyên diễn ra các hội nghị quốc tế, các cuộc ngoại giao, đàm phán liên quốc gia. Tòa nhà xây xong năm 1938 từ đó đến nay hằng năm đều diễn ra hàng ngàn cuộc hội nghị, đàm phán quốc tế, cho ra đời hàng ngàn những hiệp định, hiệp ước. Việt Nam có một hiệp định lịch sử ra đời ở đây. Sau 16 năm tính từ lúc khánh thành khu nhà, tức vào năm 1954 từ chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, tại đây đã diễn ra hội nghị quốc tế bàn về việc đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau 3 tháng đàm phán, tranh luận, và vận động một hiệp định đã được ký kết ngày 21/ 7/1954, sau đó công bố ngày 20/7/1954. Hiệp định được chúng ta thường gọi tắt là hiệp định Genève 1954. Có nhiều điều khoản quan trọng, nhưng nội dung mà mọi người dân vui mừng hân hoan và chờ đợi đó là Pháp rút quân khỏi bán đảo Đông Dương, đình chiến, Việt Nam tạm thời lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới để 2 bên tập kết quân. Sau 2 năm tức vào năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng bàn cờ chính trị xoay chuyển và Mỹ đã nhảy vào thay chân Pháp, độc tài Ngô Đình Diệm đã lật đổ Bảo Đại lập nên nền đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam, lật lọng xóa bỏ hiệp định Genève, lê máy chém khắp miền Nam. Cuộc chiến đấu mới đầy cam go lại bắt đầu và hơn hai mươi năm sau giấc mơ thống nhất đất nước mới thành hiện thực.
|
Hệ thống tàu điện trong thành phố ở Thụy Sĩ tiện lợi cho người dân hầu như thay thế các loại phương tiện khác |
XỨ SỞ HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI
Bước vào cửa bảo tàng quốc gia Thụy Sĩ, vật trưng bày đầu tiên nhìn thấy và gây ấn tượng với mọi người là một mặt đá cao khoảng hơn 1m, diện tích bề mặt khoảng trên 20m2 được bàn tay điêu khắc thể hiện những cao độ, bình độ của cả quốc gia theo một tỷ lệ nhất định. Có thể nói như một sa bàn về địa hình của đất nước. Nhìn sơ đồ địa hình thấy đồi núi và cao nguyên chiếm hầu hết đất nước này. Dãy Alpes ở miền nam, dãy Jura ở tây bắc còn ở trung tâm đất nước là cao nguyên với địa hình chập chùng nhiều hồ lớn, rất nhiều núi cao tuyết phủ quanh năm, đỉnh cao nhất lên tới trên 4.600m. Phần lớn là núi đá chiếm hầu hết lãnh thổ, còn lại là đất chăn nuôi và rất ít chỉ 2% cho đất trồng trọt thường xuyên. Theo người thuyết minh của bảo tàng thì tài nguyên khoáng sản cũng chẳng có gì đáng kể, Thụy Sĩ nằm lọt thỏm giữa các nước Pháp, Đức, Ý, Áo… nên không có đường ra biển. Tóm lại là một đất nước nghèo về tài nguyên, không có rừng vàng biển bạc. Thụy Sĩ nghèo đói thật, dân tộc đã từng kiếm sống theo cách khác lạ so với các quốc gia khác trên thế giới! Con trai đến tuổi thanh niên phần lớn ra nước ngoài làm lính đánh thuê, tức là bán xương máu, bán mạng sống để gửi tiền về nuôi gia đình. Đội vệ sĩ của Giáo Hoàng La Mã cũng toàn là lính người Thụy Sĩ vì lòng trung thành, thiện chiến. Sang thế kỷ XIX đất nước đã thay đổi khá lên, Thụy Sĩ mới đưa ra luật cấm đi làm lính đánh thuê cho các nước, chỉ trừ trường hợp đi làm lính bảo vệ Giáo Hoàng mà thôi, hiện đang có khoảng gần 150 lính cận vệ Giáo Hoàng là người Thụy Sĩ. Phần lớn nữ lớn lên phải đi làm nô bộc cho nhà giàu của các nước châu Âu.
Từ một đất nước nghèo như thế, ngày nay Thụy Sĩ trở thành một trong những nước giàu trong “top ten” của thế giới, trong đó có những sản phẩm, những ngành đứng hàng đầu mà cả thế giới đều nể phục.
Nói đến đồng hồ Thụy Sĩ thì không ai mà không biết, đó là một thương hiệu nổi tiếng từ rất sớm, ngay cả khi đồng hồ điện tử của Nhật xuất hiện với độ chính xác không thua kém và giá rất rẻ, người ta bảo rằng các dòng đồng hồ Thụy Sĩ sẽ mất giá nhưng điều đó đã không xảy ra. Đồng hồ Thụy Sĩ tạo nên đẳng cấp của người dùng nó, nhất là đối với các doanh nhân, các chính khách. |
Với chính sách an ninh tiền tệ và giữ kín bí mật ở ngân hàng đã làm cho Thụy Sĩ trở thành một địa điểm an toàn cho các nhà đầu tư, và hút vốn lớn từ khắp nơi trên trái đất. Do vậy từ rất sớm ngành ngân hàng đã trở nên nổi tiếng. Chỉ riêng ngân hàng UBS, một ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới đã và đang quản lý giá trị tài sản lên tới trên 1.735 tỷ USD. Trụ sở của ngân hàng này đặt ở thành phố Zurich. Nó rất khiêm tốn đứng bên cạnh những ngôi nhà cổ khác trong thành phố cổ.
Với môi trường thiên nhiên trong lành, xã hội hiền hòa, không người ăn xin, không trộm cắp, ít tội phạm, không tham nhũng…, Thụy Sĩ là đất nước an toàn nhất thế giới. Tất cả điều đó cùng với các chính sách phát triển đã đưa ngành du lịch đứng đầu thế giới. Các trường đại học nói chung, các trường đào tạo về du lịch nói riêng với uy tín cao đã thu hút đông đảo sinh viên từ các nước về học. Hiệp hội du lịch Thụy Sĩ là tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo và xếp hạng cho các trường du lịch, hiệp hội có quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, xếp hạng khách sạn… nhà nước chỉ giám sát theo luật chứ không dài tay thực hiện những việc cụ thể. Do vậy hiệp hội có tiếng nói đầy uy tín chẳng những trong nước mà cả với quốc tế.
Xứ sở chuyển hóa như một huyền thoại! Đó là ý kiến của du khách, còn người Thụy Sĩ thì cho rằng đó là điều đương nhiên bởi người lao động được đào tạo về chuyên môn hóa rất cao, họ làm việc siêng năng và hết sức kỷ luật. Các bạn Thụy Sĩ nói rằng đất nước trên 200 năm không có chiến tranh kể từ 1815 khi các cường quốc ở hội nghị Viene chấp nhận Thụy Sĩ trung lập. Kể cả 2 cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ 2 của thời cận đại cũng không đến với Thụy Sĩ, đó là một may mắn cho đất nước không bị tàn phá, xã hội bình yên không bị đảo lộn, các nhà đầu tư yên tâm kéo đến làm ăn. Tuy quá khứ, hiện tại không chiến tranh và có thể cả tương lai cũng như vậy nhưng Thụy Sĩ cũng đầu tư xây dựng quân đội khá mạnh với nhiều vũ khí hiện đại. Luật quy định tất cả nam thanh niên đúng 18 tuổi đều phải nhập ngũ làm nghĩa vụ công dân đối với việc bảo vệ đất nước, nữ thanh niên thì tự nguyện. Người ta còn nói rằng Thụy Sĩ đã xây dựng nhiều những đường hầm đảm bảo cho tất cả gần 8 triệu dân có thể vào ẩn nấp khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. Trưng cầu dân ý là một phương thức dân chủ trực tiếp nhiều nước đã làm nhưng với Thụy Sĩ thì khác hơn đó là bất cứ việc nhỏ việc lớn đều phải trưng cầu ý dân, từ việc thay đổi hiến pháp, luật pháp cho đến tăng giảm thuế, lương, giờ làm, chi phí công… Chính vì thế mà bộ máy chính quyền rất gọn nhẹ. Năm 2016 báo chí khắp thế giới sôi nổi với thông tin Thụy Sĩ sắp được chính phủ trả lương vô điều kiện cho toàn dân, bất kể già trẻ người giàu người nghèo đều được trả lương, người lớn mỗi tháng là 2.500 franc Thụy Sĩ, bằng 2.563USD khoảng trên 54 triệu VNĐ, trẻ em dưới 18 tuổi là 625 franc. Nhưng khi trưng cầu dân ý thì gần 80% dân bác bỏ đề án này. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch cho rằng tất nhiên cũng có một số người lười muốn không làm mà vẫn sống an nhàn, nhưng đa số người dân muốn mọi người phải sống bằng sự học hành chăm chỉ và tận tụy làm việc của chính mình.
Đất nước với cảnh quan đẹp, môi trường trong lành, xã hội bình yên, người dân thân thiện, các chính sách kinh tế xã hội tốt… và nhiều yếu tố khác đã làm cho Thụy Sĩ trở thành một nước hạnh phúc nhất thế giới theo bình chọn của một cơ quan thuộc tổ chức Liên hiệp quốc vào năm 2015.
Ghi chép: HOÀNG NGUYÊN