Lớp lớp rừng thông

11:12, 20/12/2019

Ðó là những gì có thể thấy, nhận diện về một quang cảnh Ðà Lạt đầy quyến rũ, hư ảo cuối thập niên 1960 trong những ghi chép về miền cao nguyên bằng ảnh đen trắng của hai nhiếp ảnh gia hàng đầu miền Nam trước đây: Nguyễn Cao Ðàm và Trần Cao Lĩnh.

Ðó là những gì có thể thấy, nhận diện về một quang cảnh Ðà Lạt đầy quyến rũ, hư ảo cuối thập niên 1960 trong những ghi chép về miền cao nguyên bằng ảnh đen trắng của hai nhiếp ảnh gia hàng đầu miền Nam trước đây: Nguyễn Cao Ðàm và Trần Cao Lĩnh.
 
Sương về thung lũng. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm
Sương về thung lũng. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm
 
Tập sách ảnh Cao nguyên - Việt Nam quê hương yêu dấu của Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh do Nhà Xuất bản Gấm Hoa ấn hành năm 1969 ghi chép phong cảnh và phong tục, sinh hoạt đời sống của người cao nguyên Nam Trung Bộ. Có thể xem đây là bộ ảnh quý, vừa có tính điền dã, tư liệu, lại vừa có tính nghệ thuật. 
 
Hai tác giả ảnh đã đi từ tâm thức “đồng bào”, muốn bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, mà “tìm gặp lại những người anh em cùng nòi Bách Việt”. Trong bài dẫn nhập đứng tên chung, họ viết: “Có ai trong chúng ta đã nghĩ gì khi đứng trước những chỏm núi hoắt nhọn nơi biên ải Nam Quan, lặng ngắm thế thắt quả bầu của ngọn Tản Viên sừng sững mây che, hay lần bước chân men theo dãy Trường Sơn đá khô đất cằn, rồi vượt đèo Hải Vân để đặt chân dưới ngọn Lâm Viên có sương trắng phủ đầu những ngày trở lạnh. Ở những miền núi non của một dải giang sơn gấm vóc, có ai trong chúng ta nhìn cảnh mà không nhớ về năm mươi người con theo Mẹ nòi Tiên lên non cách đây gần năm mươi thế kỷ?
 
Đứng trước cảnh trùng điệp núi rừng đất Việt, những người cùng giống Lạc Hồng nếu có dịp nào bước chân lên những miền thượng du, cao nguyên có muốn tìm gặp lại những người anh em cùng nòi Bách Việt?”.
 
Cụ Nguyễn Cao Đàm sinh năm 1916 tại Hà Đông, mất năm 2001 tại Úc. Trong suốt cuộc đời cầm máy hơn nửa thế kỷ, cụ có nhiều đóng góp cho di sản nhiếp ảnh Việt Nam với hàng trăm tác phẩm phong cảnh đất nước, sinh hoạt đời sống được quốc tế công nhận. Một thời, tác phẩm của Nguyễn Cao Đàm xuất hiện trong những triển lãm ảnh quốc tế danh giá ở Bỉ, Pháp, HongKong, Nhật, Tây Ban Nha… và từng được vinh danh trong các giải thưởng nhiếp ảnh ở Đức, Ấn Độ, Ý… Đây cũng là nhiếp ảnh gia Việt Nam được mời làm giám khảo các cuộc thi ảnh quốc tế ở Singapore và Tây Ban Nha và nhất là tại Sài Gòn trong thập niên 1950 đến năm 1975. Đầy trọng thị đối với một tài năng nhiếp ảnh Việt Nam, Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Đông Nam Á (Hon S.E.A.P.S.) và Hội Nhiếp ảnh Bỉ (Hon F.Kortrijk) đã mời cụ làm hội viên danh dự. Ngoài ra, cụ Đàm cũng là hội viên chính thức của Hội Nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh (A.R.P.S.).
 
Còn cụ Trần Cao Lĩnh (1925-1989) được biết đến là một giáo sư giảng dạy bộ môn nhiếp ảnh tại Đại học Vạn Hạnh và Hội Việt Mỹ trước 1975. Giới nhiếp ảnh Sài Gòn một thời biết đến Trần Cao Lĩnh như linh hồn của ảnh viện Đống Đa nằm ngay trên đại lộ Nguyễn Huệ, một ảnh viện gắn với ký ức của nhiều thị dân cũ. Ông có tác phẩm triển lãm và đoạt các giải thưởng lớn tại Anh, Canada, Mỹ…; được xem là nhà nhiếp ảnh tiên phong của nhiếp ảnh Việt Nam.
 
Trong sự nghiệp nhiếp ảnh, Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh từng đứng tên chung trong các tập sách cẩm nang nhiếp ảnh mà những người bước chân vào lĩnh vực nhiếp ảnh hay có tham vọng sáng tác ảnh nghệ thuật một thời đều phải tìm đọc; phải kể đến: Bước đầu nhiếp ảnh nghệ thuật (1966, 1968), Nhiếp ảnh nghệ thuật bước hai (1969). Họ cũng đứng tên chung một tập sách ảnh khác: Việt Nam quê hương yêu dấu (1967, sau đó có bản tiếng Anh: Vietnam - Our Beloved Land, 1968). Ngoài ra, cụ Nguyễn Cao Đàm còn có cuốn Bước đầu chụp ảnh (ấn hành 1965, tái bản 1967). 
 
Có thể nói, đây là hai người thầy lớn của làng nhiếp ảnh miền Nam giai đoạn 1960-1970. 
 
Hơn 85 bức ảnh đen trắng trong tập ảnh Cao nguyên - Việt Nam quê hương yêu dấu cùng với những lời chú thích, phụ lục điểm qua về phong tục tập quán những dân tộc vùng cao đã được hai bậc thầy nhiếp ảnh một thời thể hiện khá công phu, trau chuốt, khoa học. Trong số đó, cao nguyên Langbian được hai tác giả dành cho một cảm tình đặc biệt với những bức đen trắng phóng lớn, với lớp lớp rừng thông mơ màng, với sương giá ngưng tụ trên cây cành và những đồi cỏ mênh mông thấp thoáng bóng dáng của sắc dân bản địa K’Ho… Nhiếp ảnh của Nguyễn Cao Đàm chạm tới cái vi tế của tự nhiên, khiến người thưởng lãm rung động trước cái đẹp của sự mong manh ẩn giấu yên lặng nơi tấm mạng nhện đọng sương, lạc lối trong cõi tịch mịch của lớp lớp đồi núi trập trùng hay có khi đón bắt cảm giác bừng sáng của những tia nắng huyền ảo trên biển mây mù. Cái long lanh tinh khiết trong ảnh Nguyễn Cao Đàm là ôm chứa một vũ trụ bao la, đầy thi tính. Trong khi đó, những góc máy của Trần Cao Lĩnh vẽ ra cái hoang sơ của núi rừng khi màn sương đã tan hay lớp hậu cảnh hùng vĩ bao trùm khiến người thưởng ngoạn bị quyến rũ, nhập cuộc và có khi quên mình là khách thể… 
 
Có thể nói, từ những bức ảnh phong cảnh, Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh đã có một cuộc đồng hành lên cao nguyên Langbian với một tình yêu thăng hoa và thuần khiết dành cho miền đồi núi và khói sương này.
 
Nhân dịp thành phố Đà Lạt mừng Festival Hoa 2019, Báo Lâm Đồng mời bạn thưởng lãm vẻ đẹp của phong cảnh cao nguyên Langbian qua những kiệt tác của hai bậc thầy nhiếp ảnh trong tập sách quý nói trên.
 
Lớp lớp rừng thông. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm
Lớp lớp rừng thông. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm

 

Đọng giọt sương mai. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm
Đọng giọt sương mai. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm

 

Tiếng rừng. Ảnh: Trần Cao Lĩnh
Tiếng rừng. Ảnh: Trần Cao Lĩnh

 

Trập trùng đồi núi. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm
Trập trùng đồi núi. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm

 

Di chuyển. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm
Di chuyển. Ảnh: Nguyễn Cao Ðàm

 NGUYỄN VĨNH NGUYÊN