Đà Lạt mở hướng khai thác khách lẻ, khách trong nước

06:03, 23/03/2020

Dù Lâm Đồng tới thời điểm này chưa có trường hợp nào dương tính với COVID-19 nhưng ngành du lịch TP Đà Lạt cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn thời gian qua...

Dù Lâm Đồng tới thời điểm này chưa có trường hợp nào dương tính với COVID-19 nhưng ngành du lịch TP Đà Lạt cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn thời gian qua. Theo ghi nhận của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng, trong dịp tết du khách đến Đà Lạt chỉ đông tương đương ngày thường. Trong tháng 2, tức thời điểm sau tết, có khoảng 30.000 phòng khách sạn từ 2 sao trở lên bị hủy. 
 
Du lịch canh nông được du khách trong và ngoài nước hứng thú mỗi khi đến Đà Lạt.
Du lịch canh nông được du khách trong và ngoài nước hứng thú mỗi khi đến Đà Lạt.
 
Dự báo, cuối tháng 3/2020 tình hình càng khó khăn hơn khi Đà Lạt mất không chỉ lượng lớn khách đến từ Trung Quốc mà còn mất luôn lượng khách đến từ Hàn Quốc và các nước khác như Nga, Anh... do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Theo tính toán ban đầu, lượng khách đến từ 2 thị trường này chiếm khoảng 20% tổng lượng khách quốc tế đến Đà Lạt trong 2 năm gần đây. Thái Lan cũng là thị trường tiềm năng của Đà Lạt, tuy nhiên lượng khách đến từ Thái Lan hiện nay dù có tăng nhưng lượng khách còn ít, không đáng kể so với hai thị trường mà Đà Lạt vừa mất do ảnh hưởng từ dịch. 
 
Theo các số liệu những năm gần đây, Đà Lạt là thành phố nhỏ nhưng thu hút được 7 triệu lượt khách/năm. So sánh với cùng thời điểm năm ngoái cho thấy lượng khách đã giảm khoảng 50%. 
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong bối cảnh như hiện nay một mặt tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành giảm thuế, giãn thuế và khoanh nợ; mặt khác cùng với các đơn vị chuyển hướng khai thác trong nước và khách lẻ quốc tế. “Theo tính toán, lượng khách lẻ quốc tế và khách nội địa nói chung chiếm 70% tổng thu nhập từ ngành du lịch. Tuy nhiên, trước nay các đơn vị lữ hành, công ty du lịch chưa chú ý chào bán từ xa các sản phẩm du lịch đến nhóm khách này và có hướng tạo ra nhiều sản phẩm để “lôi kéo” khách quay lại Đà Lạt”, bà Ngọc nhận định. 
 
Theo bà Ngọc, các doanh nghiệp lữ hành phải có những phương án quảng cáo sản phẩm du lịch đến nhóm khách này theo hướng chủ động. Từ trước đến nay, nhóm khách lớn này thường đi đến Đà Lạt tự do và chưa được chăm sóc đúng mức so với độ quan trọng của họ. 
 
Ông Trần Duy Thắng, Giám đốc Công ty Thiên Nhân - là đơn vị khai thác khách đoàn đến từ Hàn Quốc, cho biết: “Không chỉ doanh nghiệp tôi mà các doanh nghiệp lữ hành khác đều phải co cụm lại vì đột nhiên thiếu hụt một lượng lớn khách hàng. Nói thiếu hụt là còn nhẹ mà thậm chí là mất hẳn”. Ông Thắng cho biết hiện các doanh nghiệp du lịch tại Đà Lạt đang chuyển hướng khai thác khách lẻ quốc tế đến từ nhiều nước không thuộc vùng dịch. Mặt khác, tổ chức lại tuyến du lịch để khách lẻ có thể lựa chọn và đi theo. Doanh nghiệp của ông Thắng cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang gấp rút thực hiện các bài viết, phim để quảng bá bằng nhiều kênh khác nhau tranh thủ tối đa nguồn khác đang có thể khai thác. “Chỗ nào có thể kích thích người dân đi lại vui chơi là chúng tôi tranh thủ”, ông Thắng nói.
 
Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cũng đã có những văn bản đề xuất và phối hợp để định hình lại hoạt động du lịch Đà Lạt. Theo đó, Sở nhìn nhận đây là thời điểm để cơ cấu lại thị trường, tour tuyến, và hướng quảng bá. Ngay trong thời điểm vắng khách, ngành du lịch cũng phải vận động để du khách không quên Đà Lạt khi đợt dịch lắng xuống. Khi cơ cấu lại thị trường theo hướng đa dạng, sẽ giúp kinh doanh du lịch tại Đà Lạt bền vững, ổn định hơn.
 
C.PHONG - G.THỊNH