Vietravel chi nhánh Đà Lạt vừa đưa ra cam kết cùng các đối tác cung cấp dịch vụ, xây dựng bộ sản phẩm du lịch "an toàn",...
Vietravel chi nhánh Đà Lạt vừa đưa ra cam kết cùng các đối tác cung cấp dịch vụ, xây dựng bộ sản phẩm du lịch “an toàn”, nhằm mang lại sự yên tâm cho khách du lịch trên các hành trình khám phá, trải nghiệm, với các tiêu chí: điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và nhân viên được tập huấn an toàn.
|
Phố hoa Đà Lạt luôn thu hút du khách. Ảnh: Phạm Anh Dũng |
Không chỉ Vietravel Đà Lạt, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã cùng nhau bàn các giải pháp để khẳng định Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn là điểm đến an toàn và phương cách quảng bá, xúc tiến để thu hút khách du lịch trong mùa dịch. Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến chính quyền phải tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội và ngừng nhập cảnh từ những vùng có dịch, nên lượng khách nói chung và khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam giảm mạnh.
Khách du lịch đến Lâm Đồng cũng bị ảnh hưởng. Trong tháng 2, có 430 ngàn lượt khách du lịch, giảm 32,8%; trong đó, khách quốc tế 28 ngàn lượt (giảm 31,7% so với cùng kỳ), khách qua lưu trú đạt 272 ngàn lượt (giảm 27,5% so với cùng kỳ). Lũy kế 2 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đạt 1.110 ngàn lượt (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2019); trong đó, khách quốc tế khoảng 75 ngàn lượt (giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2019), khách nội địa khoảng 1.034 ngàn lượt (giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2019), khách qua lưu trú ước đạt 732 ngàn lượt (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019). Theo thống kê và dự báo, khách châu Á sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc và sẽ sụt giảm mạnh thị trường Hàn Quốc từ tháng ba; nhưng tăng ở thị trường Thái Lan, Malaysia...; khách châu Âu không sụt giảm mà còn tăng ở nhiều thị trường (Nga, Úc, Anh, Canada...)...
Ông Tưởng Hữu Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Lâm Đồng, đề xuất: Để vượt qua sóng gió COVID-19. Hội lữ hành đề nghị các doanh nghiệp tại Lâm Đồng cùng bắt tay nhau - không xé lẻ để kích cầu và tạo thị trường chung, tập trung vào thị trường nội địa trong mùa dịch để quảng bá các thị trường quốc tế, chuẩn bị đón đầu lượng khách mới khi mùa dịch đi qua. Như thế, các doanh nghiệp du lịch cũng có thể cùng nhau đề xuất hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường, giãn nợ, giảm lãi vay...; hỗ trợ giao thông cho các xe khách ngoại tỉnh lưu thông thuận tiện; đồng thời, thực hiện truyền thông hợp nhất kết hợp với truyền thông nội bộ về điểm đến du lịch an toàn tại Đà Lạt - Lâm Đồng.
|
Tâm lý về sự an toàn và an tâm trong mùa dịch ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn du lịch của khách hàng |
Cùng chung quan điểm, theo ông Lê Tăng Trọng Nghĩa (Phó Giám đốc Vietravel Đà Lạt): Ở các tỉnh khác, sản phẩm điểm đến và điểm đi đã có, trong khi Lâm Đồng chưa có. Kích cầu du lịch có 2 đề xuất hoặc là giữ nguyên giá sản phẩm và nâng dịch vụ, hoặc giảm giá giữ nguyên dịch vụ. Kích cầu đơn giản thì chỉ cần giảm giá, đưa ra ưu đãi và thêm các dịch vụ, chẳng hạn, trong hành trình du lịch, các nhà xe, khu điểm du lịch giảm giá vận chuyển và giá vào cửa thì các Công ty lữ hành có thể xây dựng tour liên kết.
Ở một khía cạnh khác, bà Huỳnh Đoàn Xuân Ngộ - Trưởng phòng Kinh doanh khách lẻ của Vietravel Đà Lạt, cho biết, Hotline của Vietravel thường nhận được các câu hỏi như: Đà Lạt có cấm gì không? Khách ở nơi khác đến có được đảm bảo an toàn không?... Như vậy, các đơn vị lữ hành rất cần các điểm đến, nhà hàng, khách sạn cung cấp các thông tin khẳng định mình là điểm đến an toàn, cung cấp dịch vụ an toàn và có hỗ trợ y tế kịp thời... Đại diện Cơm niêu Như Ngọc cũng đưa ra một thực tế là dịch bệnh tạo ra một cơ hội “ngược” là người dân ngại giao tiếp, ngại đi ra đường, ngại đến quán xá... khiến các tour tuyến, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí... sụt giảm khách nghiêm trọng.
Suy tính sâu xa thì vấn đề chính là thông tin, có nghĩa là phải giải quyết vấn đề tâm lý cho du khách bằng cách cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, về các giải pháp đảm bảo an toàn trong du lịch thông qua các hình thức truyền thông online kết hợp với truyền thông truyền thống; ngoài ra, cũng nên thay đổi hình thức của các hội chợ, triển lãm... về du lịch; kết nối với các đơn vị lữ hành và nhà hàng để kích cầu, quảng bá.
Ông Hoàng Ngọc Huy (Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Sở VH-TT&DL), khẳng định: Khách không đến không phải vì giá mà là tâm lý về sự an toàn và an tâm khi du lịch. Vì vậy trong chuỗi liên kết xây dựng Đà Lạt là điểm đến an toàn, cần chọn lọc thông tin khi truyền thông, nên bắt tay nhau và có sự thống nhất để tránh thông tin thái quá. Hiện nay, Chính phủ và các tỉnh cứ 2 ngày là có một cuộc họp về tình hình dịch bệnh, nên thông tin để du khách tin tưởng và an tâm khi đã lựa chọn Đà Lạt là điểm đến luôn được cập nhật thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Các đơn vị cũng có thể tận dụng thời điểm vắng khách để đào tạo và đào tạo lại; đồng thời, từ các số liệu về thị trường khách có thể cơ cấu lại lượng khách...
|
Vietravel xây dựng bộ sản phẩm “Điểm đến an toàn” |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chia sẻ: Đáng lý đầu năm ngành Du lịch phải có những tín hiệu vui và những định hướng mới, nhưng do dịch bệnh mà du lịch nói chung và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng đang chững lại. Nhưng việc các doanh nghiệp du lịch Lâm Đồng đang cùng nhau bàn giải pháp khắc phục; song song với việc thực hiện các chủ đạo của Chính phủ, của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch về các giải pháp đảm bảo hoạt động kinh doanh trong mùa dịch... là cần thiết. Với các chương trình xúc tiến, kích cầu, quảng bá, khuyến mãi để khắc phục tình hình hiện tại và đón đầu lượng khách khi mùa dịch đi qua là rất đáng khích lệ. Ngành VH-TT&DL tỉnh cũng đang mong đợi các kế hoạch của doanh nghiệp để cùng đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. Lâm Đồng đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh cũng như chưa có một vị khách nào đến từ vùng dịch. Đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên thông tin nhanh các hoạt động của đơn vị mình, như lượng khách quốc tế đã đi qua các vùng dịch, lượng khách hủy phòng, hủy tour, hủy hội nghị, tỷ lệ suy giảm so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp... Từ các con số thiệt hại của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để tính được thiệt hại của nền kinh tế và đề xuất giải pháp hỗ trợ...
LÊ HOA