Ngôi làng có tuổi đời 700 năm nằm ẩn mình bên chân đồi Vọng Cảnh và thâm trầm cùng dòng sông Hương thơ mộng nay trở nên nhộn nhịp hơn nhờ các cơ sở trình diễn nghề, trưng bày và quảng bá sản phẩm truyền thống đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngôi làng có tuổi đời 700 năm nằm ẩn mình bên chân đồi Vọng Cảnh và thâm trầm cùng dòng sông Hương thơ mộng nay trở nên nhộn nhịp hơn nhờ các cơ sở trình diễn nghề, trưng bày và quảng bá sản phẩm truyền thống đến khách du lịch trong và ngoài nước.
|
Nhiều bạn trẻ thích thú khi đến với làng hương. |
Làng Thủy Xuân nằm dọc con đường Huyền Trân Công Chúa dẫn lên hai địa danh nổi tiếng của TP Huế là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh. Hàng loạt các cơ sở làm hương “khoe sắc” xanh, đỏ, tím, vàng… gây ấn tượng trong mắt khách du lịch.
Bà Bích Loan, chủ tiệm hương và quà lưu niệm ở đây cho biết: Nghề làm hương ở Thủy Xuân đã tồn tại hàng trăm năm dưới thời Triều Nguyễn. Đây là nơi cung cấp hương cho triều đình, các phủ quan lại và Nhân dân trong vùng sử dụng. Sau này, dù chế độ quân chủ không còn nữa, nhiều hộ dân ở Thủy Xuân vẫn duy trì nghề truyền thống để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân khắp tỉnh. Những năm gần đây, du lịch trên đà phát triển, TP Huế mộng mơ nườm nượp đón nhiều đoàn khách từ trong nước đến quốc tế. Họ tham quan Huế, tham quan những địa điểm đi qua làng, vì thế mà du lịch ở đây từng ngày phát triển mạnh mẽ.
Người làng Thủy Xuân cũng nhanh nhạy với việc thu hút khách du lịch. Ngày xưa, hương chỉ có hai màu nâu và đỏ, nay họ tìm cách nhuộm nhiều màu cho hương thêm phong phú. Những cây hương rực rỡ đem phơi trước sân nhà, làm khách ghé thăm nhìn thấy đã đủ say lòng. Những bó tăm hương đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… rất bắt mắt. Những ngày nắng, hàng loạt cơ sở sản xuất sẽ phơi tăm hương dọc cả tuyến phố, và cũng là thời điểm lý tưởng mà nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ “check-in”.
Người làng hương Thủy Xuân không được đào tạo để trở thành làng nghề du lịch. Sự chân chất, ngọt ngào toát lên qua lối nói chuyện từ tốn bằng một giọng Huế thật đặc trưng khi giới thiệu với khách về đặc điểm của làng nghề chân quê. Họ lưu giữ cách làm hương bằng tay truyền thống thay vì máy se hương để lưu đậm hơn nét truyền thống và nghệ thuật làm hương. Tuy ít nhiều có sự vất vả, nhưng vì cách làm hương độc đáo này lại khiến khách du lịch thích mê. Không chỉ có khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm để mua mà nhiều vị khách còn muốn trải nghiệm cách se hương.
|
Làm nhang truyền thống |
Vừa nói, tay Bà Loan vừa liến thoắng thực hành cách se hương cho khách xem. Mùi của hương thơm dễ chịu, với đủ vị của quế chi, đinh hương, nụ tùng, hoa hồi, bạch đàn… và cũng có loại hương “đẳng cấp” có mùi của trầm rừng tự nhiên. Du khách đến tham quan làng hương, khám phá các công đoạn làm hương bằng thủ công và thích thú khi tự tay se được một cây hương, được tìm hiểu thêm về nghề, về người và cuộc sống của người dân xứ Huế là một điều thú vị.
Khách dừng chân ở Thủy Xuân tự mua cho mình một món, khi là một gói trầm, lúc là nắm để dâng lên các điểm di tích tâm linh, chùa chiền lân cận trong khu vực. Dần dà, nơi đây trở thành nơi níu chân khách và người dân ở làng Thủy Xuân cũng dần trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Họ còn chủ động đưa thêm các đồ lưu niệm như tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm về Huế để trưng bày và bán bên cạnh việc hướng dẫn cho du khách cách làm hương. Việc làm hương của người dân giúp cho du khách hiểu được cầm một que hương nhỏ bé trên tay cũng lắm nhọc nhằn và vất vả. Và, càng thêm kính trọng những nghệ nhân đang lưu giữ hồn Việt này.
“Vẻ đẹp của làng hương thực sự khiến người ta say lòng. Rất độc đáo từ cách xếp các bó hương thành những hình dạng, màu sắc bắt mắt. Cộng thêm cả sự đôn hậu, nhiệt tình khi sắp xếp chỗ cho khách chụp hình, tham quan miễn phí. Ấn tượng về Huế cứ thế tăng lên từ những việc làm dù nhỏ nhoi”, Việt Nga, cô gái trẻ đến từ Hà Nội bày tỏ.
Hiện nay, tại làng nghề hương có trên 50 hộ dân còn gìn giữ nghề, trong đó có trên 20 hộ vừa làm vừa kết hợp du lịch. Sản phẩm hương của họ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các nước. Du lịch đã giúp làng hương Thủy Xuân tỏa sáng và trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô được lưu truyền và phát triển.
H.THẮM - H.YÊN