Chợ Đà Lạt gồm có 10 ngành và thực hiện Đề án "Phát huy phong cách người Đà Lạt: hiền hòa - thanh lịch - mến khách" trong kinh doanh, trở thành điểm nhấn du lịch nhằm thu hút người dân và du khách!
Chợ Đà Lạt gồm có 10 ngành và thực hiện Đề án “Phát huy phong cách người Đà Lạt: hiền hòa - thanh lịch - mến khách” trong kinh doanh, trở thành điểm nhấn du lịch nhằm thu hút người dân và du khách!
|
Chợ Đà Lạt đang xây dựng phong cách bán hàng người Đà Lạt để trở thành điểm đến du lịch |
Phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh
Hướng tới hoàn thiện mục tiêu “Phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” của thành phố Đà Lạt, Ban quản lý (BQL) Chợ Đà Lạt xây dựng kế hoạch vận động tiểu thương Chợ Đà Lạt ký nói chung và tiểu thương ngành hàng đặc sản nói riêng, tham gia thực hiện Đề án “Phát huy phong cách người Đà Lạt: hiền hòa - thanh lịch - mến khách” trong kinh doanh cũng như trong sinh hoạt; nhân rộng gương điển hình, cách làm hay; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy ước...
Cuộc vận động này nhằm thực hiện các tiêu chí bán hàng theo phong cách người Đà Lạt đã được bà con thảo luận và thống nhất, bao gồm, phục vụ theo phong cách của người Đà Lạt “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”, đặc biệt là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, hàng bán có xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, không có hiện tượng lôi kéo, cò mồi, nói thách, hàng nhái... Các thương hiệu hàng đặc sản uy tín sẽ được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của Chợ Đà Lạt. Nhưng, trước tiên sẽ đưa các thông tin lên màn hình LED về xuất xứ và giá bán hàng hóa.
Theo lộ trình, tháng 5/2020, hơn 60 tiểu thương ngành hàng đặc sản Chợ Đà Lạt ký cam kết thực hiện bán hàng theo phong cách người Đà Lạt; tháng 7/2020, thông tin giá cả các mặt hàng đặc sản sẽ được đưa lên màn hình LED và trang web của Chợ Đà Lạt; trước tháng 10/2020, hoàn thành thiết kế bảng hiệu quầy hàng phong cách người Đà Lạt và đồng phục cho tiểu thương mặc vào thứ Bảy, Chủ nhật và lễ, tết; trước ngày 15/12/2020 và hằng năm, bình xét quầy hàng phong cách người Đà Lạt.
Cùng với việc thực hiện quy ước, các quy định về xử lý vi phạm cũng được đặt ra với các mức: vi phạm lần 1 - nhân viên BQL chợ phối hợp với trưởng ngành hàng ghi nhận; vi phạm lần 2 - thông báo trên loa phát thanh; vi phạm lần 3 - BQL chợ sẽ thực hiện thủ tục cấm kinh doanh buôn bán tại Chợ Đà Lạt, thu bảng hiệu quầy hàng “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”, không bình xét năm tiếp theo...
|
Quầy hàng đặc sản là nơi thường xuyên giao tiếp với du khách |
Là mong muốn của chính những người bán hàng
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng ngành hàng đặc sản Chợ Đà Lạt, cho biết: Ngành hàng đặc sản Chợ Đà Lạt có lẽ là ngành hàng duy nhất mà người mua hàng đa phần là khách du lịch. Cho nên, đứng ở một khía cạnh nào đó, người bán hàng đặc sản chính là người trực tiếp đem văn hóa, phong cách người Đà Lạt đến du khách. Tại Chợ Đà Lạt, nhiều chị em tiểu thương ngành hàng đặc sản giữ được mối giao tình với nhau và giữa người bán với người mua qua cách ứng xử, qua các loại hàng đặc sản và qua cả uy tín, chất lượng của hàng hóa rất đáng tự hào. Tuy nhiên, không tránh khỏi việc xích mích, nói thách, bán hàng kém chất lượng...
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong tháng 4/2020, lượng khách du lịch đến Đà Lạt giảm 98%, 3 tháng đầu năm giảm 30%, đợt lễ 30/4 - 1/5 vừa rồi giảm 50%, dù khách rất đông. Theo dự báo, phải mất 3-4 năm thị trường du lịch mới phục hồi, kéo theo các ngành hàng, nhất là ngành hàng đặc sản ở chợ sẽ gặp khó khăn. Cần phải có giải pháp mua bán an toàn để phát triển ngành hàng bền vững. Vì vậy, Đề án “Phát huy phong cách người Đà Lạt: hiền hòa - thanh lịch - mến khách” nhận được sự đồng tình rất cao của chị em tiểu thương.
Thực hiện đề án là biến các quy ước trở thành cách ứng xử trong sinh hoạt và buôn bán, trong giao tiếp với du khách, khách hàng. Chị em tiểu thương sẽ tự thay đổi và điều chỉnh những hành vi chưa đẹp, cũng như chất lượng hàng hóa, giá cả; đồng thời, phát huy những mặt tích cực chị em đang có, bám sát các tiêu chí trong quy ước để góp phần tôn tạo và giữ gìn hình ảnh đẹp của người Đà Lạt từ xưa đến nay, vì một Đà Lạt phát triển văn minh và người Đà Lạt hiền hòa - thanh lịch - mến khách.
|
Sản xuất hồng treo sấy gió là nguồn hàng đặc sản bổ dưỡng và có giá trị của Đà Lạt |
Có sự hỗ trợ giám sát và quản lý của chính quyền
Theo ông Nguyễn Long An - Trưởng BQL Chợ Đà Lạt: Tại Chợ Đà Lạt có 871 hộ kinh doanh trong chợ (tính cả chợ đêm là hơn 1.000 quầy). Mặc dù hoạt động mua bán là nhu cầu và việc “thuận mua vừa bán” là tự nguyện dựa trên sự lựa chọn của khách hàng từ bao bì, nhãn mác, chất lượng sản phẩm hay phong cách của người bán; nhưng, vẫn có những sự cố không hay, những hành vi không đẹp, dẫn đến làm phiền lòng du khách và người dân đến chợ. Hiện tại, Chợ đêm Đà Lạt đã lắp đặt 22 camera và trong Chợ Đà Lạt đã lắp đặt 32 camera có nhân viên theo dõi. Riêng chợ đêm đã có sự phối hợp giữa Công an Phường 1 và UBND Phường 1 thường xuyên giám sát các hoạt động tại chợ để có thể xử lý ngay nếu có sự việc xảy ra.
Ngày 28/5, BQL Chợ Đà Lạt đã cho mời một số hộ kinh doanh có hành vi chèo kéo du khách, hoặc vứt rác không đúng nơi quy định lên làm việc cùng đại diện Công an và UBND phường 1, có trích xuất camera... Những hoạt động này là để nhắc nhở người bán hàng điều chỉnh hành vi, giữ gìn phong cách bán hàng của chị em tiểu thương ở Chợ Đà Lạt. Sắp tới, BQL chợ sẽ tiến hành thêm một bước nữa vận động chị em xây dựng hình ảnh của mình, của chợ từ trang phục, bảng hiệu, đến cách bài trí, sắp xếp quầy hàng... để lan tỏa hình ảnh đẹp từ Chợ Đà Lạt đến người dân và du khách. Đó cũng chính là cách để chị em tiểu thương buôn bán phát triển trong ngôi chợ truyền thống.
TIỂU VÂN