Một vùng đất quyện mình giữa sương rừng và khí núi, chứa trong đó những thắng cảnh mà khi nhắc đến tên thôi làm ai cũng nao lòng...
Một vùng đất quyện mình giữa sương rừng và khí núi, chứa trong đó những thắng cảnh mà khi nhắc đến tên thôi làm ai cũng nao lòng. Này đây rừng tím bằng lăng, suối nước nóng, suối nước mát... rồi xa xa kia nữa thác Bảy Tầng, thác Nếp, thác Tình Tang như khúc tình ca tấu giữa núi rừng. Nhưng có lẽ thanh âm mà con suối, ngọn thác, sự lay động của cánh hoa bằng lăng tim tím cũng chưa được đánh thức và vẫn như “nàng công chúa” còn say giấc nồng.
Nói như vậy là có cơ sở, vì cách đây 10 năm, đó là thời điểm tháng 11/2010 trên Báo Lâm Đồng đăng bài viết của tác giả Thi Hoàng với hàng tít “Tiềm năng du lịch Đam Rông”. Trong bài, qua phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ là ông Lưu Đại Phong dẫn chiếu tham khảo số liệu, sử liệu, địa lý; qua nghiên cứu về sắc tộc, cơ hội đầu tư... thì bài viết chốt lại: “Xin được nhắc lại, với Đam Rông, du lịch cho đến lúc này vẫn là con số không. Tuy nhiên, với những tiềm năng vừa “chấm phá” ở trên, chúng tôi muốn lưu ý một điều: Xin đừng xem nhẹ du lịch của vùng đất này! Và, Đam Rông không thể “trắng” du lịch!”(*).
10 năm sau, tôi ghé Đam Rông, cũng mang nặng tâm tư trìu mến khi gặp được các cán bộ làm công tác văn hóa thông tin ở huyện. Quả thực không ai xem nhẹ du lịch vùng đất này cả. Nhưng khi đề cập vấn đề này, anh Phan Anh Mỵ là chuyên viên của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện có một chút trầm tư vì phần thống kê du lịch để trống lượt khách đến các địa điểm và báo cáo của phòng về du lịch cũng chỉ mới là những tiềm năng, những dự định cho tương lai.
Để trống thống kê không phải là không có khách đến thăm các địa điểm mà cho đến nay vẫn chưa có một địa điểm nào thực sự được đầu tư một cách bài bản để có thể là điểm đến của du khách. Lượng khách đến với các địa điểm du lịch ở Đam Rông mới chỉ là những người bất chợt ghé vào hay cũng chỉ là chợt đến chợt đi như những phượt thủ băng mình chinh phục những con thác Bảy Tầng, thác Nếp, thác Tình Tang. Để rồi cái họ mang đi chính là những bức ảnh tuyệt diệu giữa núi rừng Đam Rông vời vợi diệu kỳ.
Gắn bó với công tác văn hóa nhiều năm, anh Nguyễn Văn Quang hiện nay đang phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đam Rông đưa ra những dữ liệu cụ thể hơn về du lịch. Ví dụ như các cuộc khảo sát của một số đơn vị lữ hành, các công ty du lịch kể từ năm 2006 cho đến nay nhưng chung quy vẫn chưa triển khai được. Hoặc, du khách sau khi chiêm ngưỡng thác Bảy Tầng (xã Phi Liêng) có thể ghé sang những vườn trái cây trĩu quả ở xã Đạ Rsal, mô hình nuôi cá tầm Siberi của nhiều nông dân tại các xã Rô Men, Ðạ Tông, Liêng S’rônh. Nhưng với những tiềm năng mà Đam Rông được thiên nhiên ưu ái ban tặng thì việc đánh thức giấc ngủ của những “nàng công chúa” xem ra vẫn chưa làm ngay được.
|
Đam Rông là nơi có nhiều địa điểm, thắng cảnh tiềm năng để phát triển du lịch |
Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho những “nàng công chúa” tuyệt đẹp giữa núi rừng, còn có một điều độc đáo nữa ở Đam Rông chính là sự chung sống hòa thuận của các dân tộc anh em với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Thanh âm cồng chiêng rền vang, tiếng hát của những nam thanh nữ tú với các bài hát truyền thống, tiếng khèn bầu, tiếng khung cửi dệt những nỗi niềm xa xăm. Có thể làm cho những du khách chốn phồn hoa quên đi sự náo nhiệt của phố thị để đến với một chốn thảo hoa đầy rẫy hoang vu.
Đây cũng chính là nỗi niềm của chính quyền và người dân xã Đạ M’rông khi sống bên dòng Krông Nô; một lợi thế làm du lịch trải nghiệm cộng đồng để nhà nông tham gia làm du lịch. Vì ngay chính bản thân người dân nơi đây là những hướng dẫn viên không chuyên nhưng am hiểu tường tận về dòng sông uốn lượn ngang qua. Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông, Võ Văn Bền chia sẻ: Có những dự định, định hướng về du lịch để phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương như việc khôi phục lại thuyền độc mộc bằng các vật liệu khác như composite chẳng hạn, hay phát huy giá trị truyền thống cồng chiêng của đồng bào DTTS để phục vụ du khách nhưng cũng chỉ mới là những dự định trong tương lai.
Còn theo UBND huyện Đam Rông thì thời gian tới để đánh thức tiềm năng du lịch, UBND huyện tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ, ưu đãi để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng du lịch, chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa, con người của du khách...
(*): Trích đoạn kết của bài báo: “Tiềm năng du lịch ở Đam Rông”,
đăng ngày 7/11/2010 của tác giả Thi Hoàng trên Báo Lâm Đồng.
ĐỨC TÚ